Chùm ngây dân dã
Canh chùm ngây ngọt mát, hầu như ai dùng cũng được, cho dù không cần ăn nhiều. Nhiều năm đã qua rồi, bà vẫn nhớ như in từng đứa cháu gái, cháu trai mà bà đã tự tay hái lá chùm ngây khuấy bột chăm ăn thời kỳ “bón” dặm. Cái loài lá nhỏ đơn sơ, vậy mà theo cả đời người.
Mưa đã vào mùa. Dạo này, sáng, chiều hôm nào cũng đôi ba cơn tầm tã. Mới chỉ vài buổi không ra tận nơi, mà đám chùm ngây hôm nào còn khẳng khiu, khô khốc vì nắng, giờ đã tua tủa cành, lá non mơn mởn.
Dạo còn khỏe, sớm nào cũng vậy, sau khi thả đám gà lớn gà bé chưa thấy mặt trời lên đã chí chóe khỏi chuồng, bà lại nhẩn nha một vòng quanh vườn, thăm chừng luống cây, vồng bí… Từ sau cái đận bị ngã nặng, bây giờ, công việc sớm - chiều một tay con gái cả đảm đương.
Bà với tay quá đầu, chỉ một lúc, chiếc rổ thưa đã đầy vun mớ chùm ngây xanh ngắt. Mưa xuống là mùa chính, giống này lên nhanh. Buổi trưa, mấy đứa cháu nội, cháu ngoại tan trường ghé qua, thể nào bữa cơm nhà cũng có bát canh ngon tươi, lành mát.
Chùm ngây (hay còn gọi là cải ngựa, ba đậu dại…) là loài thân gỗ. Trồng bằng hạt hay giâm cành đều được. Độ tuổi “thanh niên”, cây cao đến quá đầu người. Mùa nắng, cho dù có được tưới nước hằng ngày cũng chỉ lừng chừng, xem ra “giữ sức”. Chỉ cần xuống vài ba cơn mưa đầu mùa thì nó bung lên, vươn cành, ra lá. Không như các loài rau trồng trên luống thường bị dập úng, thối nước, dường như càng mưa nhiều, chùm ngây càng to rễ đẫy cành, lá ra mơn mởn.
|
Ngày trước, trên mảnh vườn chừng hơn sào đất, vợ chồng bà trồng luân canh các loại rau xanh. Quanh vườn, tranh thủ thả mấy hàng chùm ngây để lấy lá nấu canh. Ban đầu thì chỉ dùng ăn trong nhà, sau thấy cây ra nhiều lá, bà hái gửi bán ngoài quán cô Tám nơi đầu dốc bán “thập cẩm” rau củ, thịt cá phục vụ bà con qua đường và người dân trong xóm.
Thường khi mưa nhiều, cải, cà, mồng tơi… loài nào cũng chật vật lớn lên vì úng nước. Riêng chùm ngây thì vẫn xanh tươi mơn mởn, vài ngày lại cho một lứa. Có khi chưa kịp đưa ra, cô Tám đã vội nhắc chừng.
Chùm ngây thân gỗ, lá chùm, mềm mại. Không như bồ ngót, mỗi khi nấu, cần vò sơ một chút, chùm ngây thì chín nhanh hơn. Chỉ cần bỏ rau vào nước đang sôi, bùng lên là nhấc ra ngay được.
Chùm ngây dễ ăn và bổ dưỡng. Hồi “thóc cao gạo kém”, bữa ăn của cả nhà năm người thường chỉ nấu “suông” với chút muối, chút mắm cũng ngọt vị đặc trưng. Khi cuộc sống khá hơn tô canh chùm ngây thêm tép, thêm tôm, thịt bò, thịt heo…, thứ gì cũng “chất”. Riêng bà, món canh chùm ngây nấu tép giản đơn đã thành “thương hiệu” .
Này nhé, tép tươi rửa sạch, bỏ vào cối đá giã nát, hòa vào nước, thêm chút muối, lọc bỏ bã. Đặt nồi lên bếp lửa, dùng đũa khuấy đều nước tép chừng một, hai phút, để lửa vừa. Nồi nóng lên, kéo theo váng tép nổi bồng, làm thành lớp riêu hấp dẫn. Nước nấu cũng trong veo…
Canh chùm ngây ngọt mát, hầu như ai dùng cũng được, cho dù không cần ăn nhiều. Nhiều năm đã qua rồi, bà vẫn nhớ như in từng đứa cháu gái, cháu trai mà bà đã tự tay hái lá chùm ngây khuấy bột chăm ăn thời kỳ “bón” dặm. Cái loài lá nhỏ đơn sơ, vậy mà theo cả đời người.
Cũng chẳng thể ngờ được mớ lá chùm ngây rất đỗi bình thường ấy lại chứa trong mình đến cả trăm loại chất dinh dưỡng. Không chỉ bổ sung vitamin, nó còn tác dụng chống viêm, kháng độc, giảm đau, hỗ trợ điều trị suy nhược, ngăn ngừa loãng xương...
Con cháu cứ lớn dần lên, tuổi bà ngày càng về cuối. Đã lâu lắm rồi, không còn “rau của mùa mưa” gửi hàng cô Tám. Vườn nhà dần thưa theo nỗi nhọc nhằn của ông bà vơi qua tháng năm.
Chùm ngây thì vẫn xanh tươi trong lòng đất lành.
Thanh Như