Cho mượn đất khai thác vàng, dân dài cổ chờ hoàn thổ
Khoảng năm 2012, 27 hộ dân tại thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi đã cho Công ty CP Thép Đông Á mượn đất canh tác để khai thác vàng trong thời hạn 3-4 năm với lời hứa khai thác xong sẽ hoàn thổ, trả lại đất sản xuất. Thế nhưng, đến nay, người dân vẫn dài cổ chờ hoàn thổ. Đất nông nghiệp màu mỡ trở thành đất sỏi đá, trồng trọt không được, người dân đành phải ngậm ngùi bỏ hoang.
Sau khi được UBND tỉnh cấp giấp phép khai thác khoáng sản số 845/GP – UBND ngày 31/8/2011 cho phép khai thác vàng sa khoáng tại sông Pô Kô, thuộc địa bàn xã Đăk Kroong, xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) và địa bàn xã Đăk Dục, xã Đăk Nông, (huyện Ngọc Hồi), Công ty CP Thép Đông Á đã mượn đất của các hộ dân, trong đó có 27 hộ tại thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông để khai thác vàng với lời hứa sẽ hoàn thổ sau khai thác.
Sau quá trình khai thác, ngày 29/8/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 1071/STNMT-KS về việc chấm dứt hiệu lực các giấy phép khai thác vàng của Công ty CP Thép Đông Á. Theo đó, Sở đã yêu cầu Công ty này dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của pháp luật.
|
Ngay sau đó, ngày 1/9/2016, UBND huyện Ngọc Hồi cũng ban hành văn bản số 1067/UBND-TH, yêu cầu Công ty CP Thép Đông Á dừng tất cả các hoạt động khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn huyện, khẩn trương hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường tại những vị trí khai thác. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng UBND các xã Đăk Ang, Đăk Dục và Đăk Nông có trách nhiệm giám sát việc hoàn thổ này.
Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, Công ty đã “rút” khỏi địa phương và mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ, các hộ dân vẫn dài cổ chờ hoàn thổ.
Dẫn chúng tôi ra đám đất chi chít sỏi đá, lồi lõm những hố sâu, xẻ mương, sạt lở bên dòng Pô Kô, chị Y Ai, thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông bức xúc: Ngày trước, gia đình mình trồng mì trên 1ha đất này. Khoảng năm 2012, Công ty CP Thép Đông Á đến mượn đất khai thác vàng trong vòng 3 năm với giá 25 triệu. Lúc đó vì bà con ở những thửa đất xung quanh đã đồng ý, hơn nữa, Công ty cam kết sẽ hoàn thổ và trả lại đất như ban đầu để gia đình mình sản xuất nên mình đồng ý cho mượn. Bây giờ, Công ty làm xong, bỏ đi, không hoàn thổ khiến đất nhà mình bị sạt lở hết một nửa, mất hết lớp đất thịt, chỉ còn đá sỏi, không thể trồng trọt gì được.
Đứng trước 8 sào đất từng được trồng mì, bời lời, chị Y Chất, thôn Kà Nhảy vẫn còn ngỡ ngàng: Ngày trước, đất nơi đây tốt lắm, trồng cây cối phát triển. Bây giờ Công ty mượn đất xong, không đổ lại lớp đất thịt, để lại đất đá trơ trọi như thế này, không sản xuất được.
Không riêng gì chị Y Chất, Y Ai, 27 hộ cho mượn đất đều đang “gánh” những hệ lụy. Ông Bloong Phin ngậm ngùi nói: Hồi đó, theo hợp đồng, Công ty cam kết chỉ mượn trong thời hạn 3-4 năm, giờ 6 năm rồi vẫn chưa hoàn thổ. Bà con thiếu đất sản xuất mà phải để đất bỏ hoang, xót ruột lắm.
Ông Nguyễn Hữu Nông - Chủ tịch UBND xã Đăk Nông cũng xác nhận: Trước khi khai thác, Công ty CP Thép Đông Á có đưa bà con lên xem một số diện tích đã khai thác và hoàn thổ tại xã Đăk Blô (huyện Đăk Glei). Thế nhưng khi khai thác tại địa bàn xã, Công ty không hoàn thổ lại như ban đầu, hiện tại đất đá nổi lên nhiều, rất khó để sử dụng.
Không chỉ chua xót nhìn lớp đất với đá sỏi lởm chởm, các hộ dân nơi đây còn hoang mang khi đến nay vẫn chưa được phân chia ranh giới đất. “Ngày trước đất bằng phẳng, bà con mình nắm được diện tích, vị trí đất. Giờ đất chỗ lồi, chỗ lõm, bị biến dạng, không còn ranh giới nên bà con mình không dám sử dụng, sợ lấn sang đất của người khác. Bà con đang chờ đợi chính quyền đo đạc, trả lại đúng diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp” – chị Y Chấm nói.
Thời gian chờ đợi quá lâu, một vài hộ dân nóng ruột, buộc phải tự lập rào chắn, rào lại diện tích đất sản xuất của gia đình.
Trước thực trạng trên, ông Nông cho biết: Trên thực tế, Công ty CP Thép Đông Á không khai thác nữa và trả lại mặt bằng nên việc xác định lại ranh giới cho bà con rất khó khăn. Xã đã có đề xuất, sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường lên xác định lại ranh giới cho từng lô của từng hộ gia đình tại khu vực khai thác.
Đất nông nghiệp màu mỡ bị biến thành đất sỏi, khô cằn; diện tích đất mãi vẫn chưa được phân chia lại, người dân tại làng Kà Nhảy đành phải bỏ đất trống, đi thuê đất từ nơi khác sản xuất.
“Chúng tôi có ý kiến rất nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thổ, phân chia ranh giới hoặc cấp, đổi đất để bà con có đất sản xuất” – chị Y Ai nói.
An Thành