Chiếc quạt của nội!
Giờ đây sống trong điều kiện với đủ đầy những kiểu quạt điện hiện đại, thậm chí cả máy lạnh nhưng thi thoảng tôi vẫn hay hoài niệm nhớ về nội, nhớ cái thời quạt mo nghèo khó, vất vả nhưng mà đẹp mà thân thương vô cùng.
Tây Nguyên mùa này nắng nóng gay gắt hơn mọi năm, mặc dù thường xuyên vẫn có những cơn mưa rào, nhưng cái nóng cũng không giảm bớt được chút nào. Để “chống chọi” với cái nắng nóng này, nhiều gia đình đã trang bị thêm máy lạnh, máy phun sương, quạt nước… thậm chí nhiều học sinh đi học mang theo cả quạt mi ni đến lớp.
Ngồi phòng làm việc, dù đã bật điều hòa mà tôi vẫn cảm thấy nóng bức. Bỗng nhiên tôi thèm được hưởng một chút hơi mát từ chiếc quạt tay, chiếc quạt mà ngày xưa nội tôi thường dùng để ru tôi vào giấc ngủ trong những ngày oi nồng. Chiếc quạt đã gắn liền tuổi thơ tôi với nhiều kỷ niệm êm đềm.
Đã lâu lắm rồi, phải hơn 30 năm có lẻ, tôi đã không còn được nằm bên nội, được nghe nội kể những câu chuyện ngày xưa và được nội quạt ru, xua đi cái oi nồng nóng bức trong đêm hè.
Thời ấy ở làng quê, chẳng riêng gì gia đình nội tôi mà nhà nào cũng vậy, thiếu thốn trăm bề, từ cái ăn, cái mặc đến mọi điều kiện sinh hoạt trong cuộc sống. Lúc đó chưa có điện lưới, việc dùng quạt điện là điều mơ ước của bao người. Vậy nên để xua đi cái nóng bức trong những ngày hè vẫn chỉ quanh quẩn là những chiếc quạt nan, quạt giấy và quạt mo cau mà thôi.
|
Vào những dịp hè, biết đàn cháu của mình sắp về, nội chuẩn bị một mớ quạt để phát cho mỗi đứa mỗi cái. Tuy vậy nhưng cứ đến tối, đứa nào cũng giành nhau để được nằm gần với nội. Một phần cũng vì nội có cả kho tàng câu chuyện cổ tích, phần thì nằm ngủ với nội được nội nhẹ nhàng quạt suốt cả giấc ngủ mà không hề nghe nội than vãn bao giờ. Mà cũng lạ thật, hơi mát từ chiếc quạt của nội sao mà nhẹ nhàng và êm đềm quá.
Sau này để tiết kiệm, nội thường nhặt những cái mo cau tách bẹ từ trên cây cau xuống để cắt làm quạt cho bền. Nhà nội có hàng cau trồng ở phía trước sân để lấy quả, vì thế mà mo cau rất nhiều. Hầu như tháng nào các cây cau cũng thay một vài tàu lá và khi tàu lá vừa rụng xuống, cái bẹ còn trắng nõn là nội đã vội mang dao sắc ra cắt làm quạt. Không cần bút chì vẽ mẫu, mà nội đã khéo léo cắt mo cau thành hình chiếc quạt có tay cầm. Quạt mo cau thành hình rồi mang ra phơi nắng, dùng miếng gạch hay đá chèn xung quanh để các góc quạt không bị vênh. Phơi tầm vài nắng, quạt mo cau khô, thẳng thớm, phẳng lì, săn chắc lại.
Tôi lại bồi hồi nhớ tới những chiếc quạt mo của nội và thèm cái cảm giác được cùng mấy chị em nằm bên nội, lắng nghe từng lời nội kể về ông, về chuyện ngày xưa, ngày ông hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nội phải vất vả như thế nào để nuôi ba tôi khôn lớn.
Nhớ cả những chiếc mo cau còn nguyên chưa bị cắt, mấy chị em còn lấy làm trò chơi kéo mo. Nhớ những tiếng cười, những trò chơi con trẻ ngày xưa xua tan đi cái nóng chang chang của miền Trung. Và chị em tôi luôn sống trong tình thương vô bờ bến của nội như thế đó!
Tôi nhớ có người bà con trên phố về làng thăm nội, tặng cho nội chiếc quạt xếp bằng giấy rất đẹp, nội quý chiếc quạt ấy lắm, khi đi đâu hệ trọng lắm, nội mới cầm theo hoặc khi có khách tới chơi, nội mới mang ra dùng như là một vật trang sức cho nội vậy.
Rồi một ngày tháng 5 của năm ấy, nội đau nặng phải nhập viện. Vào thăm nội ở bệnh viện mà nội cứ nhắc hoài. Nội bảo nghe thông báo là điện lưới sắp về làng mình rồi, mà đã có chưa con. Tôi bảo nội cứ yên tâm đi, từ nay nội sẽ không cần phải dùng quạt mo nhiều nữa đâu, vì làng mình sắp có điện rồi. Nội nghe có vẻ mừng ra mặt.
Và rồi ánh điện cũng đã được kéo về quê tôi, tôi nhớ mãi cái ngày ấy, ba tôi lên tận phố mua hẳn 2 cái quạt máy cho nội. Có lẽ như muốn bù đắp những thiếu thốn của nội bao năm qua. Nhưng rồi nội cũng không hưởng trọn được niềm vui. Khi quê tôi có điện được vài ba tháng, thì cũng là lúc nội trở bệnh nặng và sau đó nội đã đi xa mãi mãi.
Giờ đây sống trong điều kiện với đủ đầy những kiểu quạt điện hiện đại, thậm chí cả máy lạnh nhưng thi thoảng tôi vẫn hay hoài niệm nhớ về nội, nhớ cái thời quạt mo nghèo khó, vất vả nhưng mà đẹp mà thân thương vô cùng.
Hạ Mi