Chiếc đèn ông sao
Dù đã qua lâu rồi cái thời niên thiếu nhưng mỗi mùa Trung thu đến, nghe tiếng trống lân giục giã, nhìn thấy nhiều gian hàng bày bán lồng đèn, bánh Trung thu, tôi lại thấy háo hức đến lạ, nhớ về Trung thu những ngày thơ bé của mình ở vùng quê nghèo. Trung thu chỉ có chiếc đèn ông sao được cả đám con nít trong xóm tập trung làm bằng các nan tre rồi tự tay mình cắt dán bằng những tờ giấy bóng xanh đỏ để tối đến cùng nhau rước đèn trên đường làng.
Thế hệ 8X ở quê như tôi ngày trước, mỗi khi Trung thu đến, có được chiếc đèn ông sao là vui lắm rồi, chứ làm gì có điều kiện được phát nhiều bánh kẹo hay các loại lồng đèn các kiểu như bây giờ.
Nhớ mỗi mùa Trung thu đến, trưa trưa, cả đám con nít trong xóm tập trung lại với nhau rồi cùng rủ rê làm lồng đèn. Ở xóm tôi, việc làm lồng đèn này hay tụ tập tại nhà bé Năm - bạn cùng lớp với tôi, vì chị Hai của nó rất khéo tay và thường hay giúp các cô giáo mầm non cắt thủ công hình những bông hoa trang trí trên lớp học, rồi còn biết cắt cả bánh bươm bướm (một loại bánh trong ngày cưới).
Để làm nên những chiếc đèn ông sao, chị Hai thường phân công chúng tôi mỗi nhóm chuẩn bị từng nguyên vật liệu. Nhóm gồm những đứa trẻ lớn tuổi nhất trong xóm được chị phân công chuẩn bị những thanh nan tre vót dẹp dài cỡ 50cm và những thanh tre nhỏ làm giá đỡ dài khoảng 7cm. Người nhỏ tuổi hơn một chút thì chịu trách nhiệm đi mua giấy bóng xanh, đỏ và kẽm để cột. Nhóm nhỏ hơn thì đi kiếm củ mì tươi về mài ra để khuấy lên làm hồ dán…
Nguyên liệu xong đâu đấy, chị Hai thường dành một buổi trưa để hướng dẫn chúng tôi nối 5 thanh nan tre lại với nhau để tạo hình ngôi sao 5 cánh. Sau đó, chị chồng hai hình ngôi sao 5 cánh lên nhau rồi dùng dây kẽm cố định 5 đỉnh của ngôi sao lại. Xong đâu đấy, chị dùng những thanh tre ngắn chống vào các điểm giao nhau giữa các thanh tre để tạo thành khung xương cho lồng đèn và dùng dây kẽm buộc chặt các điểm giao nhau ấy.
Khó nhất với lũ con nít chúng tôi ngày ấy mỗi khi làm lồng đèn là cái khâu đặt nan tre làm giá chống đỡ này. Vì công đoạn này nếu các mối buộc không chặt tay thì khi dán giấy bóng lên lồng đèn sẽ bị biến dạng, méo mó, xộc xệch.
Công đoạn cuối cùng là dán giấy bóng lên hai mặt của khung xương cho lồng đèn. Thường công đoạn này phải dành cho nhóm con nít lớn tuổi nhất xóm, vì theo lời chị Hai công đoạn này đòi hỏi phải có kỹ thuật để không làm vây dính hồ nhiều quá dẫn đến rách giấy bóng hoặc không đo và cắt giấy bóng chuẩn xác sẽ dẫn đến không căng tờ giấy màu ra được, lồng đèn sẽ không đẹp.
Để có thể làm nhanh công đoạn này, chị Hai thường phân công một nhóm ngồi đo từng khung xương lồng đèn để cắt giấy bóng (giấy bóng thường được cắt to hơn cạnh tam giác của ngôi sao), một nhóm dán hồ lên thanh tre rồi chuyển cho nhóm còn lại căng giấy ra dán. Cứ dán như vậy cho đến khi lồng đèn ông sao kín hai mặt, chỉ chừa lại một ô nhỏ để đốt đèn cầy và cho không khí lùa vào bên trong.
Làm xong các công đoạn, chị Hai thường bảo chúng tôi mang ra phơi nắng một lúc để cho giấy bóng dán lồng đèn dính chặt hồ, căng ra và bóng lên. Thường con nít trong xóm phải hơn chục đứa nên hơn chục cái lồng đèn sau khi làm xong được mang đến nhà tôi cất vào nhà kho chờ đến đúng rằm mới được mang đi rước đèn trên đường làng, vì sợ mang về nhà sẽ hư hỏng.
Tuy cách làm đèn ông sao đơn giản nhưng phải thật tỉ mỉ thì mới cho ra một chiếc lồng đèn đẹp được. Và dù có phải tỉ mỉ đến cỡ nào thì cứ mùa Trung thu đến những đứa trẻ ở quê như tôi ngày ấy vẫn hì hụi làm cho bằng được, bởi dường như chỉ có chiếc đèn ông sao mới tạo ra được không khí Trung thu ở những miền quê nghèo như quê tôi.
Đúng tối Trung thu, dù không ai bảo ai, nhưng những đứa trẻ trong xóm tôi đều tranh thủ ăn cơm thật sớm để còn tập trung về nhà tôi chuẩn bị đốt nến đi rước đèn khắp đường làng. Do một thôn chia thành nhiều xóm nhỏ nên bọn trẻ đi rước đèn cũng chia thành nhiều nhóm khác nhau, nên khắp đầu trên xóm dưới của thôn đều lung linh rực rỡ sắc màu của những chiếc lồng đèn ông sao xanh, đỏ và tiếng reo hò inh ỏi của lũ trẻ con.
Đám con nít chúng tôi ngày ấy cũng rất biết cách tự tạo cho mình những niềm vui trong ngày Tết quan trọng đối với thiếu nhi này. Sau khi đi rước đèn quanh các đường làng, điểm cuối của tuyến đường chúng tôi thường tập trung lại là tại trụ sở thôn để cùng chơi các trò chơi dân gian. Trăng ngày rằm sáng vằng vặc in bóng từng đứa trẻ trốn trong bụi cây khi chơi trò trốn tìm nên rất dễ bị phát hiện. Đường làng càng về đêm thật yên ả và thanh bình nên càng nghe rõ tiếng của lũ trẻ con la hét, vui cười. Không khí vui như vậy nên gần như Tết Trung thu năm nào bọn trẻ chúng tôi cũng phải chơi đùa đến khuya mới chịu giãn ra ai về nhà nấy.
Bây giờ, cứ mỗi dịp đến Tết Trung thu được đi công tác về những miền quê, tôi vẫn bắt gặp được hình ảnh trẻ em ở vùng sâu, vùng xa đi rước đèn ông sao xen lẫn với những chiếc lồng đèn giấy trên những con đường làng. Có khi đi trên phố, bất chợt nhìn qua một gian hàng đồ chơi trẻ em bày bán xen lẫn giữa những chiếc lồng đèn hiện đại với đủ kiểu dáng là những chiếc lồng đèn ông sao, bao ký ức tuổi thơ trong tôi lại ùa về. Nhớ lắm những đêm Trung thu bình dị mà vui vô cùng ở vùng quê nghèo và những người bạn thời niên thiếu.
Tú Quyên