Chia Tết để nhân Tết
Trong truyền thống văn hóa của người Việt, ngoài việc kính nhớ tổ tiên, cảm tạ, biết ơn, việc chia sẻ trong những ngày Tết là nét đẹp không thể thiếu.
“Thứ 6 này trường anh tổ chức phát quà cho học sinh ăn Tết đấy! 226 em đều có quà, không nhiều lắm đâu, nhưng các em vui lắm! Vừa rồi, thầy cô trong trường cũng vận động, quyên góp quần áo và tặng cho các em rồi”. Chiều muộn, đọc dòng tin nhắn của Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei), chợt thấy lòng ấm áp, vui đến lạ!
Tôi đọc được niềm hạnh phúc, hân hoan trong từng dòng tin nhắn của người thầy nơi vùng cao ấy. Giữa bộn bề gian khó, các thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài với sự nghiệp trồng người vẫn chắt chiu, trích một phần tiền lương để mang lại niềm hân hoan cho học sinh khi đón năm mới. Chỉ là những món quà nhỏ, nhưng đong đầy tấm lòng, tình yêu thương của thầy cô.
Sẻ chia để nhân lên, một món quà nhỏ được trao đã nhân lên nụ cười hạnh phúc trong những ngày đông giá nơi đại ngàn Ngọc Linh.
Lòng tôi càng thêm náo nức khi nhận được điện thoại của cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông).
|
Cô vui mừng kể rằng, qua nỗ lực liên hệ, kết nối, một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ kinh phí để tổ chức chương trình Tết cho học sinh trong trường. Vào ngày 16/1/2020 (tức ngày 22 tháng Chạp), 23 thầy cô cùng toàn thể học sinh trong trường cùng trải nghiệm nấu bánh chưng, tổ chức các chương trình văn nghệ đón Tết. Và sau ngày hội, mỗi em được đem 1 chiếc bánh chưng do chính tay mình cùng các thầy cô về nhà biếu bố mẹ.
Rất vất vả để tổ chức, quản lý, hướng dẫn cho 163 em học sinh trong trường nấu bánh chưng, nhưng đổi lại, việc làm ý nghĩa đó giúp các em trải nghiệm, hiểu được truyền thống văn hóa của dân tộc, nhân lên niềm vui cũng như tạo không khí Tết vui tươi, phấn khởi.
Hơn thế, với mỗi chiếc bánh chưng mang về, thầy cô giúp các em bày tỏ niềm hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; giúp các em hiểu rằng, Tết không chỉ là thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi, đó còn là thời điểm để nhớ về nguồn cội, để đoàn tụ, sum vầy; để nhìn lại một năm và cùng chúc nhau một năm mới thêm nhiều niềm vui, sức khỏe, bình an.
Tôi ấn tượng với tấm lòng, tình cảm của thầy cô nơi đây. Họ còn lắm khó khăn, nhiều lo toan, Tết đến lại càng vất vả, bận rộn, nhiều người còn chưa kịp về lo cho gia đình. Thế nhưng, trước cái khó, cái thiếu của những học sinh nghèo, họ tạm gác những nỗi niềm, trăn trở tìm cách sẻ chia để các em đón một cái Tết thật vui và ý nghĩa.
Câu chuyện của những thầy cô vùng rẻo cao chỉ là một trong hàng vạn câu chuyện đẹp về niềm sẻ chia ngày Tết. Bởi lẽ, trong truyền thống văn hóa của người Việt, ngoài việc kính nhớ tổ tiên, cảm tạ, biết ơn, việc chia sẻ trong những ngày Tết là nét đẹp không thể thiếu.
Khi đào hé nụ, mai chớm vàng, khi Tết đến thật gần, cũng là lúc Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà chúc Tết các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên cương… Những chương trình Tết sum vầy, xuân biên cương được tổ chức rộn ràng, kịp thời khích lệ, động viên, để mọi người an vui đón xuân.
Cùng với sự quan tâm của các tổ chức, cơ quan chức năng, những năm trở lại đây, nhiều cá nhân, đơn vị, các nhà hảo tâm cũng góp sức, chung tay đem hương Tết đến khắp mọi miền. Ngoài bánh chưng, bánh tét; ngoài mứt gừng, mứt dừa được làm với tất cả các tấm lòng, trên những chuyến xe mang mùa xuân về còn có những nụ cười gói trọn yêu thương, gói trọn tấm chân tình.
Trên những chuyến hành trình ấy, vạn tấm lòng đã làm ấm những mảnh đời khó khăn ở vùng cao, vùng xa; đã góp phần làm Tết thêm ấm cúng, đậm đà; xuân thêm rộn ràng, vui tươi.
Sẻ chia để nhân lên niềm vui. Mỗi người một tấm lòng, một sự sẻ chia, chắc chắn, người người sẽ có một mùa xuân ấm no, một mùa Tết vui tươi, hạnh phúc.
Hoài Tiến