Cháu tôi trượt đại học
Tôi rất bất ngờ trước sự bình tĩnh của đứa cháu khi đón nhận thông tin thiếu điểm để vào học tại các trường Y khoa - lĩnh vực mà cháu tôi yêu thích. Trong khi bố mẹ rầu rĩ, nghe ngóng hy vọng vào xét tuyển đợt 2 thì nó chủ động xin được đi làm thêm và ôn luyện để sang năm thi lại...
Không nghi ngờ gì nữa, sự kiện được quan tâm nhất trong những ngày qua chính là các trường đại học công bố điểm "đầu vào". Và lẽ tất nhiên, bên cạnh niềm hân hoan của những thí sinh và gia đình của các em khi con em mình đủ điểm vào trường yêu thích, thì cũng có không ít em ngậm ngùi trước “cánh cửa mơ ước” đã khép lại…
Cùng một buổi chiều, tôi nhận được 2 lời mời "lai rai" chút của 2 ông anh. Và trớ trêu thay, một anh rủ nhậu vì con đậu đại học, một anh mời cơm vì "cháu nó trượt hết rồi, chú sang coi động viên cháu nó tý".
Sau khi đắn đo, suy nghĩ, tôi quyết định nhận lời ăn cơm với "anh có con trượt đại học". Và tôi nghĩ, "anh có con đậu đại học" sẽ thông cảm, trong hoàn cảnh này, rất nhiều người có lựa chọn như tôi.
Phải nói rằng, những ngày hồi hộp chờ các trường công bố điểm đầu vào, cả gia đình anh cứ như ngồi trên đống lửa, bởi cháu chỉ được hơn 22 điểm. Tuy năm nay số điểm như vậy là khá ổn, nhưng nếu so với năm ngoái thì thấp, trong khi cháu lại đăng ký nguyện vọng vào các trường thuộc tốp trên.
Khi ấy, tôi đã khuyên anh không nên lo lắng quá, với quy chế xét tuyển "thoáng" như vài năm nay, rất khó để thí sinh trượt đại học. Có chăng là thí sinh từ chối quyền nhập học do trúng tuyển không đúng nguyện vọng.
Ngồi bên mâm cơm, anh rầu rĩ: Qua tham khảo nhiều người, tôi muốn cháu đăng ký một danh sách nguyện vọng thật dài, quá trình sàng lọc “lọt sàng xuống nia” không đỗ ngành này thì cũng ngành khác, trường khác. Nhưng cháu không chịu, nói không muốn vào đại học bằng mọi giá, mà chỉ đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích mà thôi.
Về cháu Thành - con của anh chị - thì tôi biết. Cháu học giỏi đều các môn tự nhiên nên trong kỳ thi này đã chọn các nguyện vọng vào Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Huế. Nhưng không may thay, các ngành mà cháu đăng ký nguyện vọng đều có điểm đầu vào khá cao, như Y đa khoa (Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh) lấy 24,95 điểm, Y khoa (Đại học Y dược Huế ) lấy 23,25 điểm... Thế là cháu có thất bại đầu đời ở tuổi 18.
Nhưng khi nói chuyện với Thành, tôi nhận thấy sự bình tĩnh của cháu trước việc thiếu điểm để vào học tại trường mà cháu yêu thích. Trong khi bố mẹ rầu rĩ thì cháu chủ động xin được đi làm thêm và bày tỏ quyết tâm ôn luyện để sang năm thi lại...
Cháu không muốn học đại học bằng mọi giá đâu chú ạ - Thành nói - Cháu không cho rằng, trượt đại học năm nay là do mình không đủ giỏi, cũng không thất vọng vì nghĩ rằng ước mơ của mình thế là tan tành.
Thành hóm hỉnh: Cháu sẽ dành mấy ngày để... buồn, sau đó tập trung suy nghĩ về những điều sẽ làm và lên kế hoạch cho tương lai. Thật ra, trượt đại học năm nay không phải là điều gì đó quá kinh khủng, vì cháu sẽ có thời gian làm bất cứ điều gì mình muốn. Có rất nhiều lựa chọn cho cháu trong 1 năm "ở nhà" này: tìm việc và đi làm, xách ba lô lên và đi, làm tình nguyện viên...
Và tất nhiên, học Y đa khoa ở Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là điều cháu mong muốn, nên cháu sẽ ôn luyện để thi đậu vào ngành này vào năm tới - Thành hạ quyết tâm.
Thật tình, tôi rất bất ngờ trước chia sẻ của Thành. Trong thời buổi "rất khó để trượt đại học" như hiện nay, không ít bạn trẻ bước chân vào kỳ thi đại học lần đầu tiên với tâm lý “vào đại học để không bị bố mẹ mắng" hay "vào đại học để không xấu hổ với bạn bè".
Nhưng khi trượt đại học thì tất cả đều trở nên tồi tệ, không ít em mặc cảm vì nghĩ rằng mình không đủ giỏi, tức giận vì nghĩ rằng cuộc đời thật bất công. Và, không có mấy người đủ quyết tâm để thi lại lần nữa. Cuộc sống, với muôn ngàn lối rẽ sẽ cuốn họ theo...
Nhìn vào ánh mắt của Thành, tôi tin cháu sẽ làm được. Và, với các bạn trượt đại học, một năm không phải quá dài để bạn vừa có thể ôn thi lại vừa có thời gian đi làm thêm, đồng thời có cơ hội để suy nghĩ lại xem mình thực sự phù hợp với ngành nghề nào. Một năm này sẽ hướng bạn vào đúng ngành, đúng trường mà bạn thích, nhưng đòi hỏi bạn phải kiên trì đến cùng.
Điều tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ là: Trượt đại học năm nay không hẳn là điều quá tồi tệ. Biết đâu năm sau, khi vào được trường tốt hơn, bạn sẽ thấy mừng vì năm nay... trượt đại học.
Thành Hưng