Câu chuyện về "ra quân"
"Ra quân” vốn là một từ rất hay và có khí thế. Nghề nghiệp cho tôi cơ hội được dự nhiều lần ra quân, ví như ra quân xây dựng nông thôn mới, ra quân bảo vệ môi trường, ra quân dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà tôi cảm giác rằng, hai chữ “ra quân” đang bị lạm dụng...
Tôi được mời dự lễ ra quân dọn vệ sinh môi trường tại thôn mình. Điều đầu tiên thu hút tôi chính là tiếng loa phóng thanh rộn rã; cờ và băng rôn phất phới. Ngay cổng hội trường thôn là tấm băng rôn đỏ tươi: Lễ ra quân dọn vệ sinh môi trường thôn X.
Ra dáng một lễ ra quân lắm - tôi thầm khen trong đầu.
Nhưng quá giờ dự kiến khá lâu rồi mà Trưởng thôn vẫn chưa thể phát lệnh "ra quân" được bởi còn... vắng người quá. Mặc cho loa phóng thanh vẫn giục giã, trong các con hẻm, những bóng người vẫn đủng đỉnh, nhẩn nha. Trong sân hội trường thôn, mấy bác cựu chiến binh và mấy em đoàn viên thanh niên đứng ngồi nhấp nhổm.
Một khung cảnh quen thuộc!
Nói là quen thuộc bởi người ta thường tổ chức “ra quân”. Ngày An toàn giao thông thì ra quân lập lại an toàn giao thông; ngày Môi trường thì ra quân làm vệ sinh môi trường; ngày Phòng cháy chữa cháy thì ra quân phòng cháy chữa cháy... Dịp tết lại nghe ra quân trấn áp tội phạm... Nói chung, khi dư luận bức xúc về một vấn đề nào đó sẽ thấy... ra quân.
Vì nghề nghiệp, tôi đã dự nhiều lễ "ra quân", và điều luôn khiến tôi băn khoăn là hiệu quả thực chất của các đợt ra quân này như thế nào, hay chỉ là những chiến dịch với các con số trong báo cáo?
Xét về mặt ý nghĩa, đây vốn là một từ rất hay và có khí thế, được hiểu như chính quyền, đoàn thể muốn huy động tổng lực để giải quyết một vấn đề nào đó trong một thời gian nhất định, mang lại một kết quả rõ ràng, sau đó thì có tổng kết, rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, trên thực tế, hai chữ “ra quân” có vẻ như đã bị lạm dụng quá mức, được sử dụng thiên về giá trị hình thức hơn là nội dung và ý nghĩa vốn có của từ này.
Đã có biết bao lần lực lượng chức năng ra quân tuần tra, kiểm soát để xử lý các hành vi phạm luật giao thông? Đã có biết bao lễ ra quân dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán? Năm nào mà chẳng có ra quân hưởng ứng Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm?…
Nếu những lễ ra quân thực sự đem lại kỷ cương thực thi pháp luật thì có lẽ công chúng đã không còn phải phàn nàn về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, bừa bãi trong xây dựng, hay rượu bia sau tay lái; không còn lo lắng bởi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm...
Nếu những lễ ra quân bảo vệ môi trường thực sự có hiệu quả, sẽ không còn thấy “những núi rác” trong lòng thành phố; không còn thấy rác vứt bừa bãi trên đường làng.
Như lễ ra quân kể trên, tôi đã từng hy vọng nhìn thấy một khí thế ra quân thực sự, cũng như những tác động mạnh mẽ của khí thế ấy lên ý thức của người dân, để họ tự giác hơn trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn đường phố, ngõ hẻm sạch đẹp.
Nhưng sau rất nhiều thời gian giục giã, thúc giục, chỉ có ít người tham gia, đa phần là trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, có thêm lực lượng dân quân tự vệ của phường tăng cường về. Đáng ngạc nhiên là số ít thanh niên xuất hiện nhưng chỉ đứng nhìn, chỉ trỏ hoặc chụp ảnh "tự sướng"...
Và, chỉ sáng sớm hôm sau, khi đi tập thể dục, tôi lại thấy trên đoạn đường mới được dọn dẹp hôm qua những bì nilon rác vứt tung tóe.
Tôi không phản đối hoàn toàn những lễ ra quân, khởi đầu công việc với một chút khí thế để làm việc hăng say hơn là điều hay. Có những cuộc ra quân là nét đẹp, mang lại ý nghĩa thực sự, đó là lúc ra quân xây dựng nông thôn mới đầu năm, hay là khi nông dân làm lễ ra quân xuống đồng sau những ngày nghỉ tết, vui xuân...
Tuy nhiên chúng ta không nên biến nó trở thành một hình thức hô hào, biểu dương lực lượng gây tốn kém tiền của và thời gian mà hiệu quả thật sự không cao.
Đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo vấn đề tưởng nhỏ mà không nhỏ, đó là: tính hiệu quả của những đợt phát động ra quân!
Thành Hưng