Cần đầu tư sửa chữa đoạn đường qua thôn 7, thị trấn Plei Kần
Đã nhiều năm nay, người dân ở làng Đăk Kon (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) và thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) phải “đánh vật” trên đoạn đường hơn 1km nối 2 địa phương. Đoạn đường này, vào mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi đất mù trời, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân…
“Đánh vật” trên “đoạn đường khổ ải”
Đường Kon Đào - Ngọc Tụ - Đăk Rơ Nga - thị trấn Plei Kần có tổng chiều dài hơn 15km; trong đó, hơn 14km nằm trên địa phận huyện Đăk Tô (từ Kon Đào đến khu vực cầu sắt qua sông Pô Cô thuộc làng Đăk Kon, xã Đăk Rơ Nga - điểm giáp ranh với thị trấn Plei Kần) đã được huyện này đầu tư thi công hoàn thiện từ năm 2012 bằng nguồn vốn JICA SPLVI và vốn đối ứng ngân sách nhà nước (tổng vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng).
Đoạn đường còn lại dài hơn 1km (từ cầu sắt đến đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn 7 của thị trấn Plei Kần), do không nằm trong dự án của huyện Đăk Tô nên vẫn là đường đất chưa được đầu tư xây dựng, sửa chữa. Vì vậy, bao năm nay người dân phải “đánh vật” trên đoạn đường này đầy khó khăn, vất vả.
|
Đi thực tế đúng vào hôm trời nắng, thế nhưng chúng tôi vẫn chứng kiến việc đi lại của người dân trên đoạn đường này hết sức khó khăn. Đường thì lầy lội, trơn trượt, những chiếc xe máy khi qua đây bánh quay tròn “đầu đi một nơi, đuôi đi một nẻo”, người điều khiển phải kết hợp hai chân chống xuống đất và đẩy mới đi qua được đoạn đường ở đầu cầu sắt. Chưa hết, vừa qua đoạn đường đó, người dân lại phải “gồng mình chống chọi” với con dốc cao trơn trượt...
Gặp chúng tôi ở đầu cầu sắt, chị Nguyễn Thị Phương (ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) cho biết: Nhà tôi làm rẫy bên xã Đăk Rơ Nga được gần 10 năm nay với diện tích hơn 12ha, gồm cao su, cà phê và một số loại cây khác; mỗi ngày tôi phải đi qua đoạn đường này ít nhất 2 lượt. Mỗi lần đi qua đây là cả một cực hình, nhất là vào những ngày mưa; nhưng không thể không đi qua đoạn đường này được, bởi không còn đường nào khác tiện hơn. Vào mùa thu hoạch nông sản, việc vận chuyển nông sản ra ngoài rất khó khăn nên tư thương ép giá, chúng tôi thường phải bán thấp hơn một vài giá so với ngoài thị trấn...
“Hôm nay trời nắng còn đỡ, mấy hôm trước trời mưa bùn ngập cao hơn nửa mét. Vất vả lắm, thậm chí có lần không đi được đành bỏ xe lại bên cầu lội bộ qua rẫy”- chị Phương ngán ngẩm cho biết.
Anh Nguyễn Văn Hùng (ở thị trấn Plei Kần) cũng tâm sự: Nhà tôi cũng làm 2ha cao su, cà phê ở bên phía xã Đăk Rơ Nga nên hàng ngày thường xuyên phải đi qua đoạn đường này. Dù qua lại đã quen nhưng mỗi lần đi là một lần thật sự bị ám ảnh bởi con đường, khổ nhất là vào mùa mưa. Chúng tôi thường gọi đây là “đoạn đường khổ ải”. Đường đất đỏ nên rất trơn, xe cuốn xích đi qua cũng rất khó. Nhiều khi tôi chở bao phân xuống dốc bị ngã, bao phân rơi xuống vũng bùn, hỏng hết. Chúng tôi mong đoạn đường sớm được đầu tư sửa chữa để bà con đi lại đỡ vất vả.
Mong đường sớm được nâng cấp
Điều đáng nói, “đoạn đường khổ ải” này là tuyến giao thông chính phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày của gần trăm hộ dân xã Đăk Rơ Nga và thị trấn Plei Kần.
Thông tin từ UBND thị trấn Plei Kần, thị trấn hiện đang có hàng chục hộ dân làm rẫy, làm trang trại bên khu vực làng Đăk Kon (xã Đăk Rơ Nga), bình quân mỗi hộ cũng có từ 1 đến vài héc ta. Vì vậy, số người thường xuyên đi qua lại trên đoạn đường này khá nhiều. Đó là chưa kể, rất đông bà con đồng bào dân tộc thiểu số làng Đăk Kon cũng thường xuyên đi qua thị trấn Plei Kần buôn bán, trao đổi hàng hóa phải qua lại đoạn đường.
Hằng ngày, số lượng người và hàng hóa vận chuyển qua đoạn đường này rất nhiều mà đi lại quá khó khăn nên người dân mong rằng Nhà nước sớm đầu tư sửa chữa đoạn đường, phục vụ đi lại của nhân dân địa phương.
Chị Nguyễn Thị Phương bộc bạch: Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên chính quyền địa phương mà đến nay đoạn đường vẫn chưa được đầu tư sửa chữa. Thực sự bà con chúng tôi mong Nhà nước sớm đầu tư, nâng cấp để tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa.
“Nếu kinh phí có hạn, không làm được đường nhựa thì làm đổ cấp phối đá dăm, như vậy mùa mưa đi lại đỡ khổ, không bị trơn trượt gây nguy hiểm cho người dân…” - chị Phương kiến nghị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Phượng - Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) cho biết: UBND thị trấn nhận được rất nhiều kiến nghị của người dân qua các lần tiếp xúc cử tri, họp dân. Đoạn đường này thuộc sự quản lý của Sở Giao thông vận tải nên chúng tôi đã kiến nghị lên huyện và cơ quan chức năng sớm quan tâm đầu tư sửa chữa nhằm tạo điều kiện cho bà con đi lại sản xuất; nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.
Chúng tôi tìm hiểu từ phía Sở Giao thông vận tải thì được biết, đoạn đường dài hơn 1km nói trên đã bàn giao về Sở quản lý, nhưng do không có nguồn vốn nên chưa thể sửa chữa. Hiện, Sở Giao thông vận tải đang tham mưu tỉnh sử dụng nguồn vốn khác để sửa chữa đoạn đường nói trên.
Hơn lúc nào hết, người dân mong muốn đoạn đường sớm được sửa chữa, nâng cấp để thuận lợi trong đi lại và trao đổi hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo…
Văn Phương