Cá thác lác sông Đăk Bla
Sông mẹ Đăk Bla ngày trước thuần là cá “trời”, chủ yếu với các loại cá lóc, cá rô, cá siêu, cá bống… Sau này, khi lòng hồ thủy điện Ya Ly, thủy điện Plei Krông được hình thành, nơi này cũng dần thêm các loại rô phi, trắm, chép… Riêng thác lác, lâu giờ vẫn là cá sông tự nhiên, thuộc hàng “đặc sản”.
Plung đang hướng vào bờ. Sau mấy ngày rả rích, sáng nay, trời đã tạnh. Người đàn ông người tầm thước, da nâu sạm khua thêm vài mái chèo cho mũi plung ghé sát bờ. Ở đó, chị vợ chờ sẵn, nhanh chân chạy đến sát mép nước. Chị nhoẻn cười, nói với anh một câu tiếng Ba Na, rồi ghé sang tôi, bảo: “Hỏi ổng hôm nay có được cá không đó”. Lặng gió, tiếng chị rõ mồn một.
Chưa kịp thấy tôi gật đầu, chị đã nhẹ nhàng bước lên lòng plung, dang tay giữ thăng bằng. Trong khi anh chậm rãi xuống nước, bám vào thành chiếc plung để neo vào bờ, chị nhẩn nha kéo cái túi lưới nằm bên mạn thuyền. Có vẻ nặng tay.
Lưới hôm nay “được cá”. Vẫn là một mớ lộn xộn cả trắm, chép, rô phi…, nhưng mẻ này có vẻ nhiều thác lác hơn mọi lần. Những con thác lác trắng dẹt, thuôn dài, mắt tươi ánh, được đổ ra nền đất vẫn còn giãy nhảy. Tôi phụ chị một tay, lựa những con thác lác thân bè bè, dài chừng hơn một gang tay sang chiếc rổ nan thưa. “Thích không? Nhiêu đó đủ chưa?…”- chị lại cười.
Đúng là cá sông Đăk Bla! Thác lác món ngon, “khoái khẩu”, nhưng tận mắt thấy cá tươi từ dưới sông lên thì với tôi, đây mới là lần đầu.
|
Chị bảo, sông mẹ Đăk Bla giàu cá tôm lắm. Vợ chồng chị ở với nhau đã hơn 20 năm. Thuở con gái, nhà chị không có anh em trai nên mấy chị em chẳng ai biết nghề chài lưới. Đến khi lấy chồng, anh lại là người giỏi tay chèo và thả rớ thả lưới nên chị cũng thành người của sông nước. Thường thì anh đi sông một mình, nhưng thỉnh thoảng, chị cũng theo chồng đi thu cá. Cá được đến đâu, bán ngay đến đấy.
Sông mẹ Đăk Bla ngày trước thuần là cá “trời”, chủ yếu với các loại cá lóc, cá rô, cá siêu, cá bống… Sau này, khi lòng hồ thủy điện Ya Ly, thủy điện Plei Krông được hình thành, nơi này cũng dần thêm các loại rô phi, trắm, chép… Riêng thác lác, lâu giờ vẫn là cá sông tự nhiên, thuộc hàng “đặc sản”. Ngày trước, thác lác trong lòng Đăk Bla khá to, bình thường cỡ năm ba lạng một con. Bây giờ, nhỏ hơn, chừng một, hai lạng một con thì phổ biến.
Thác lác sông màu trắng bạc, đuôi nhỏ, miệng rộng, phủ một lớp vảy lấm tấm dày. Để ý một chút như vậy, nhằm phân biệt với loại thác lác nuôi, màu trắng ngà sậm hơn và trên mình có “hoa” là những chấm tròn nhỏ màu đen viền trắng nằm về phía gần đuôi. Thác lác nuôi lồng bè hay trong ao được nhân giống từ loại thác lác cườm có trong tự nhiên, hình thù không lẫn.
Thác lác đầu nhỏ, khoang mang bé, nên thường bơi sát mặt nước, mình lật ngửa để thuận cho hô hấp. Nó thường kiếm ăn vào chiều, tối và ban đêm nên thời gian này cũng là lúc để những dân chài trên sông Đăk Bla thả lưới đánh bắt. Chị bảo, mùa mưa, nước lớn chính mùa cá thác lác.
Thác lác dễ chế biến, cá tươi chẳng cần đánh vảy mà chỉ rửa sạch, bỏ mang. Để nguyên con, dùng dao bén khứa ngang mình cá (dọc theo sống lưng), sau đó, lấy chiếc muỗng để nạo lấy phần thịt cá. Có thể dùng cối giã nhẹ, hay đơn giản hơn là bọc cá vào bì nilon rồi dùng tay lăn nhồi… Dù là cách nào, thì trước khi “quết” nhuyễn, thịt cá thác lác cũng phải được nêm gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi, muối, đường, bột ngọt) cho thấm tháp, dai ngon.
Thác lác là cá “đặc sản”, có thể chế nhiều món ngon, bổ dưỡng. Thác lác sông Đăk Bla lại càng ngon hơn.
Bình thường mà hấp dẫn, phải kể đến canh chua. Cá thác lác sau khi đã nhuyễn dẻo được viên thành viên, hoặc dùng muỗng “dích” thành từng cục nhỏ, thả vào nồi nước sôi; sau đó mới “chêm” các loại đồ nấu gồm thơm, cà chua, bạc hà, đậu bắp… và nêm thêm hành, ngổ (hay thì là)… Cá thác lác chín dai, vị ngọt, thơm ngon… Với bọn nhỏ, cá thác lác chiên là món “khoái khẩu”. Cách làm khá đơn giản, thác lác đã nêm gia vị và dẻo nhuyễn nặn thành viên tròn, lăn qua chút dầu ăn cho khỏi dính bết nhau, thả vào chảo dầu sôi, để lửa liu riu, chín vàng hấp dẫn.
Đơn sơ, bình dị, nhưng thác lác nhồi khổ qua lại là món không chỉ có trong bữa cơm hàng ngày mà còn ở các bữa giỗ, tiệc. Khổ qua trái lấy hết ruột được nhồi vào đầy khít thịt cá thác lác dẻo nhuyễn đã được tẩm ướp vừa miệng. Khi “áo” khổ qua chín mềm cũng là lúc nước hầm đã ngọt lừ, mà miếng cá thác lác bên trong vẫn dai ngon, thanh mát.
Mùa mưa là mùa của cá thác lác. Chị bảo, trong lòng hồ thủy lợi, thủy điện bây giờ, đã có người làm lồng bè thả nuôi, nhưng trên dòng Đăk Bla đang vào kỳ nước dâng, vợ chồng chị và bà con trong làng vẫn miệt mài thả lưới, đặt đơm đặt đó.
Cá sông giúp mọi người thêm ấm thêm no. Thác lác giúp nhiều nhà thêm vui thêm mừng.
Nghĩa Hà