Bóng gùi
Tôi cứ bâng khuâng mãi khi thấy mấy người phụ nữ chậm rãi cõng gùi từ dưới bãi sông lên đường Bạch Đằng. Chiều thở phập phồng trên mặt nước Đăk Bla. Những tia nắng cuối cùng đã hắt lên không gian, làm cho bóng gùi, bóng lưng đổ dài trên đường.
Mặc cho xe cộ xuôi ngược dưới lòng đường, họ vẫn an nhiên đi bên lề đường, trên lưng là cả một gùi vui. Nhưng biết đâu, đó là một gùi buồn.
Tôi đã lặng lẽ đi theo những bóng gùi ấy suốt hành trình, từ bãi sông, qua phố rồi về làng, trong đầu miên man nghĩ đến sự gắn bó qua nhiều thế hệ giữa người và gùi.
Với người Ba Na nói riêng, người DTTS ở Kon Tum nói chung, gùi không đơn thuần là vật dụng, mà còn thể hiện sự khéo léo, óc thẩm mỹ, gửi gắm tâm tư tình cảm của người làm ra nó. Trải qua năm tháng, gùi là bản sắc văn hóa.
Ở bất cứ đâu, chỗ nào có Plei, có Kon, Đăk (làng) thì ở đó có bóng dáng của chiếc gùi. Nó hiện ra hàng ngày, theo bước chân người đi rẫy, đi ruộng; vào rừng, xuống suối, ra sông.
Phụ nữ đi rẫy, chiếc gùi đeo sau lưng đựng cơm trưa, quả bầu khô đựng nước, chiếc rựa... Chiều về, trong gùi lấp ló mớ rau rừng tươi non, trái bắp chuối tím đỏ, nhúm cà đắng xanh giòn. Có khi chỉ là mấy bó ngo (gỗ thông) chẻ nhỏ, để nhóm bếp những ngày mưa gió.
Đàn ông đi rẫy không thể thiếu k’lek (gùi dành riêng cho đàn ông). k’lek có 3 ngăn, ôm trọn lấy lưng để dễ luồn lách, leo trèo trong rừng, trong 3 ngăn gùi có đủ đồ dùng cho những ngày lang thang đây đó.
Rồi bước chân đưa tôi đến với căn nhà sàn của A Hung nằm nép mình trong một khu vườn xanh ngằn ngặt cuối làng. Nơi ấy, có Y Mai ngồi dệt ở nhà chồ, còn A Hung ngồi đan gùi bên cạnh cửa sổ luôn mở rộng đón gió.
Tôi gặp A Hung và Y Mai lần đầu cũng vào một buổi chiều, khi 2 người từ bãi sông lên. A Hung đi trước, khỏe khoắn, mạnh mẽ, con dao đeo bên hông kêu lạch xạch. Y Mai nền nã theo sau, dù cái gùi đầy bắp, bí, rau, nặng trĩu trên lưng, nhưng bước đi vẫn uyển chuyển, bắp chân tròn trắng sáng cả bờ cỏ.
Thấy tôi đưa máy ảnh lên, trong khi A Hung cười hiền, còn nhịp chân vẫn đều đặn, thì Y Mai lại ngượng ngịu cúi xuống, mái tóc che nụ cười nhẹ và kín đáo.
Từ hôm ấy tôi quen với vợ chồng A Hung.
Trong làng, A Hung là một người đan giỏi. Ban đầu là đan những thứ đơn giản như sọt, sau đó đến rổ, rá, dụng cụ bắt cá… Nhưng điều làm gia đình tự hào nhất về A Hung chính là anh ta biết đan gùi. Bây giờ tìm được người trẻ biết đan đã ít, biết đan gùi lại càng hiếm.
Đều là nhờ ông nội và cha dạy cho- A Hung khiêm tốn. Còn Y Mai thì nói: Do A Hung thích đan thôi. Không thích thì học mấy cũng không giỏi được. Với lại, anh ấy có đôi mắt sáng, có trí nhớ tốt, chỉ nhìn qua vài lần đã có thể làm theo; có đôi tay khéo léo, biết bắt cái nan nghe theo mình.
A Hung cũng chẳng nhớ mình có thể thay ông và cha đan gùi từ khi nào. Có lẽ từ khi cha mất, còn ông nội đau không thể ngồi chuốt nan đan gùi được nữa, trong khi còn mấy cái gùi bà con trong làng đặt chưa hoàn thành.
|
Những cái gùi đầu tiên, ông còn phải ngồi bên chỉ bảo tỉ mỉ từ cách chuốt nan, trang trí hoa văn, làm đế, dây gùi… Đến một ngày, ông thở phào, vỗ vai “Hung à, mày làm được rồi đấy”, rồi từ đó không ngồi bên nữa. A Hung lâng lâng mất mấy ngày.
Mỗi lần đến chơi, tôi đều thấy A Hung chuốt nan. Như bất cứ người đàn ông Ba Na giàu kinh nghiệm đan lát, A Hung luôn chuẩn bị trước nguyên vật liệu để đan.
Anh vào rừng vào những ngày cuối tháng âm lịch, không có trăng của mùa khô, tìm chặt những cây tre, lồ ô bánh tẻ (không còn non nhưng chưa già quá), những dây mây già.
Về đến nhà, mây thì gác lên gác bếp để dùng dần. Tre và lồ ô được cắt thành ống, khi rảnh rỗi sẽ chẻ, vót nan sẵn, rồi cũng gác trên gác bếp, khi cần dùng mới đem ngâm nước cho mềm, để ráo mới đan. Nan đan gùi phần lớn dùng nan cật, rất ít khi dùng nan mặt lòng.
Từ những ngày ngồi xem A Hung đan mà tôi mới biết, hóa ra “họ hàng” nhà gùi cũng “đông đúc” vô cùng. Tuy đều mang tên là gùi, nhưng lại có nhiều “chi họ” khác nhau, theo kiểu dáng, công dụng và kích cỡ.
Có loại gùi một lớp được đan dày dùng đựng hoặc cõng lúa gạo; có gùi đan thưa để đi lấy củi, rau, măng, lấy nước; có loại gùi nhỏ (teo) dùng khi trỉa lúa, tuốt lúa. Cũng có loại gùi được đan 2 hoặc 3 lớp khá công phu, có nắp, dùng đựng quần áo, vải vóc, như chiếc rương nhà mình vậy. Có gùi dành cho đàn ông; gùi cho phụ nữ; gùi cho trẻ em.
Nhưng một điều kì lạ, dù đàn ông làm ra cái gùi, nhưng phụ nữ mới gắn bó với gùi hơn cả, gần như hết cuộc đời. Từ 4-5 tuổi đã thấy chiếc gùi be bé trên lưng, đến 60-70 tuổi rồi vẫn thấy cõng gùi trên đường.
Cho đến khi nằm một chỗ trên giường thì đôi vai gầy mới tạm rời chiếc gùi, và chỉ đến khi chết đi thì mới vĩnh biệt chiếc gùi. Với cái gùi đơn sơ, họ đã gùi từ quá khứ cho đến hiện tại, và có thể đến cả tương lai.
Dù đã đan nhiều rồi, quen tay đến mức nhắm mắt lại cũng có thể đặt nan, nhưng mỗi lần bắt tay vào đan gùi mới, A Hung vẫn thấy run run, như chạm đến một miền huyền thoại, vượt qua thể vật chất bằng mây tre kia.
Thế nên, Y Mai mới nói, A Hung không chỉ đan gùi, mà còn gửi vào đó tất cả tình cảm của mình.
Bỗng dưng lại nhớ đến những câu thơ giàu hình ảnh của tác giả Rơ Chăm Long: “Mẹ mang cái gùi suốt tháng năm. Tháng năm dần trôi, gùi không mỏi. Mẹ gùi cái bầu nước. Mẹ gùi cái lúa để ăn... Một đời mẹ bao nhiêu đời gùi”.
THÀNH HƯNG