Bông đậu biếc
Sau mấy lần gieo hạt không thành, đến khi thả xuống đụn đất sát hàng rào một bụi cây có cả gốc, thì đậu biếc đã nhanh chóng mọc lên như mong đợi. Chỉ sau vài cơn mưa lưa thưa cuối mùa, xen giữa những chùm lá chưa phủ kín thân cành, đã thấp thoáng mấy bông hoa tim tím.
Thay vì mua bông đậu biếc khô bán sẵn ở quầy hàng ngoài phố, chị hạ quyết tâm trồng một cây, để tiện dùng.
Những cánh hoa mỏng manh, nhẹ nhõm bồng bềnh trong làn nước bốc khói từ chiếc bình thủy tinh trong suốt dường như ngay lập tức loang ra một màu xanh tím dịu nhẹ. Đưa cốc nước lên hít hà, nghe thoang thoảng một mùi hương rất nhẹ, rồi chị nhấp vào một ngụm nhỏ để cảm nhận cái vị rất riêng từ đậu biếc.
Đậu biếc, có nơi còn gọi là ngọc biếc, đậu hoa tím thuộc loại cây dây leo, thường mọc ở chỗ hàng rào hay lùm bụi. Ngày chị còn nhỏ, ở nhà từng có một bụi leo trên bờ tường khá to. Mẹ bảo, cây đậu biếc có thể dùng rễ, dùng thân, song gần gũi và quen thuộc nhất, chính là những bông hoa của nó.
|
Bông đậu biếc thường nở quanh năm, hết đợt này lại sang đợt khác. Mỗi bông mềm mại hình chụm cầu được kết từ những cánh hoa tím biếc tròn tròn mỏng manh. Riêng phần nhụy hoa được đánh dấu bằng màu trắng tinh nổi bật.
Xinh xắn, nhẹ nhàng, song đậu biếc không dùng để trang trí, cắm bình, mà lợi ích của nó nằm ở chế biến thức ăn, đồ uống. Cũng như lạc tiên, lá dứa, lá cẩm, chị đã biết đến thứ bông này từ nước uống hằng ngày và món xôi đẹp mắt, ngon lành.
Nước đậu biếc thường chỉ được pha từ năm - bảy bông hoa tươi (hay khô) cũng cho ra màu xanh tím trong veo thật là bắt mắt. Bằng cảm nhận rất riêng của mình, chị luôn thấy đó chính là màu mực Cửu Long được pha loãng. Cái màu gợi nhớ về thời còn học cấp 1 cấp 2, học trò viết bằng bút mực. Mỗi lọ mực xanh nhãn hiệu “Cửu Long” sau khi dùng cạn đáy, thường được đem ra rửa sạch để làm đồ chơi. Chính thứ mực pha loãng ấy chị đã nhận ra trong sắc màu nước bông đậu biếc.
Riêng món xôi được nhuộm màu bông đậu biếc thì không làm thường xuyên, mà chỉ được mẹ nấu vào những dịp lễ, tết, hay những khi nhà có việc. Xôi đậu biếc màu biêng biếc thanh thanh dịu nhẹ.
Trước khi ngâm nếp để hấp xôi, mẹ đã chuẩn bị sẵn một nhúm bông khô được để dành, rồi cho vào chiếc nồi nhỏ, đun sôi lên cho màu xanh tím của hoa hòa vào trong nước. Nước này được chế chung với nước cốt dừa và nêm thêm ít đường. Khi gạo nếp đang được hấp “chạm nóng”, chỉ nở nhẹ hạt chứ chưa chín, thì rưới nước đậu biếc cốt dừa vào; rồi xới nhẹ, đảo đều cho nhuốm màu, sau đó tiếp tục đun cho đến khi nếp dẻo. Màu xôi đậu biếc thanh tao, vị ngon riêng có.
|
Cây đậu biếc dễ trồng. Bông đậu biếc mỏng manh. Mỗi kỳ nó đua nhau nở, chị lại giúp mẹ hái vào, phơi khô dưới nắng. Bông đậu biếc khô bỏ vào hũ thủy tinh, dùng dần thì rất tiện lợi mà sắc màu thì vẫn y nguyên.
Không chỉ dùng pha nước uống hay nấu xôi với cốt dừa như ngày trước, sau này, đậu biếc còn được chế biến thành một số loại nước giải khát rất ngon và bổ dưỡng, được cả người lớn và bọn trẻ ưa thích. Có thể kể đến, từ nước bông đậu biếc truyền thống, thêm đường và nước cốt chanh, thành món trà đậu biếc cốt chanh thanh tao, giải nhiệt. Nước bông đậu biếc kết hợp với chanh và mật ong được các chị em sử dụng để giữ dáng, giảm cân. Hay như tinh chất bông đậu biếc được dùng cùng nước hoa hồng hay sữa chua tác dụng dưỡng da, làm mờ vết thâm, chống mụn. Có điều, kinh nghiệm lưu truyền là không lạm dụng quá nhiều và phải chú ý đến đối tượng sử dụng.
Đậu biếc nhẹ nhõm, mỏng manh, song ích lợi hoạt huyết, giảm đau, êm dịu thần kinh, hỗ trợ giữ dáng, giảm cân... vốn được biết đến từ xưa, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên nhiều giá trị. Dẫu mộc mạc, đơn sơ, song trải qua tháng năm, người lớn, trẻ con vẫn ưa thích, tin dùng.
Vậy nên, góc vườn nhỏ vẫn luôn có một bờ rào phủ kín những bông hoa xanh tím.
Thanh Như