Bó hoa, phong bì và lòng biết ơn
Quà tặng ngày 20/11, dù là bó hoa hay phong bì, nếu được trao tới thầy cô giáo- những người đã dạy dỗ, chăm sóc con em mình- với lòng biết ơn và sự chân thành thì đều đáng quý.
1. Đã cận ngày 20/11 mà vẫn thấy Hòa bình chân như vại, chẳng bù cho mọi năm cứ tất bật chạy tới chạy lui, cân nhắc, tính toán, anh chồng sốt ruột nhắc: Em xem thế nào chứ, đến ngày 20/11 rồi mà không chuẩn bị gì cả. Hòa cười cười: Mấy bố con cứ yên trí. Đã xong hết rồi.
Anh chồng tò mò hỏi dò mãi thì Hòa mới bật mí. Mọi năm, cô tất bật cũng phải, vì lo tìm mua quà sao cho vừa ý nghĩa vừa hợp túi tiền. Nhưng năm nay, cô học theo kinh nghiệm của mấy chị bạn, quyết định sẽ đi “phong bì”, vì “không biết tặng gì cho hợp ý cô”.
Với lại, tặng quà hay phong bì cũng chỉ là cách thể hiện tình cảm với cô giáo; là món quà để cảm ơn công lao cô đã tận tình dạy dỗ con em mình mà thôi- cô lý giải.
|
Anh chồng im lặng, nhưng có vẻ không bằng lòng với cách giải thích ấy. Điều đó thể hiện rõ khi anh phàn nàn với tôi về chuyện này.
Tôi cười: Đúng là mỗi thời mỗi khác. Thời của tôi với ông, cứ đến ngày 20/11 là bận túi bụi, nào là sưu tầm, sáng tác văn - thơ làm báo tường. Rồi tự tay làm thiệp, viết lời tri ân tặng thầy cô. Rồi ríu rít kéo nhau đi đến nhà cô giáo “phá phách”, tình cảm cô trò sâu đậm vô cùng.
Còn bây giờ khác. Mấy ngày nay, về nhà hay đi ra đường, đến công sở đều thấy thiên hạ bàn chuyện thăm hỏi thầy cô giáo của con nhân dịp 20/11. Đại khái cũng là những câu hỏi kiểu như: mua gì tặng thầy, cô của con? Hay là “đi” phong bì cho tiện?
Đấy, như chú em tôi có 1 cậu con trai mới học mầm non thôi mà đã “đau đầu” tìm món quà ý nghĩa tặng giáo viên của con nhân ngày 20/11. Nhưng cuối cùng anh lại chọn phong bì vì “có biết cô thích gì đâu mà mua”.
Nếu gửi phong bì, tôi vừa đỡ tốn thời gian, công sức chọn quà, giáo viên lại có thể mua được thứ mình muốn. Tôi nghĩ phong bì cũng đơn giản là một món quà để cảm ơn thầy cô giáo- anh nói- Không nên nghĩ ai tặng phong bì hay nhận phong bì đều không “tôn sư trọng đạo”.
Ngồi nghe mọi người bàn chuyện, tôi lại nhớ về ngày mùng 20/11 năm ngoái ở huyện Ia H’Drai. Ngôi trường tiểu học nằm dưới tán rừng, thỉnh thoảng lại có em học sinh đi học muộn, hớt hải chạy vào.
Cùng những đồng nghiệp khác, cô giáo Hiền đến lớp từ 6h30’ để đón học sinh, giống như mọi ngày. Hôm nay cô phải dạy 2 tiết Toán, 1 tiết Chính tả, 1 tiết Âm nhạc.
“Ngày 20/11 ấy à, có khác gì ngày thường hả anh. Không thể cho các em học sinh nghỉ học để tổ chức hoạt động cho ngày này được”- cô nói.
Tôi càng nhớ hơn gian phòng nhỏ mái lợp tôn, bên trong bài trí đơn giản nhưng ấm cúng nằm bên hông ngôi trường tiểu học nhìn ra dòng suối Đăk Song ở làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei.
Trên cái bàn đóng bằng gỗ tạp là trang giáo án soạn dở với những nét bút xanh, đỏ, bên cạnh là chiếc ly nhựa mất quai cắm bó hoa dại. Quà 20/11 của em đấy ạ- chủ nhân của gian phòng nói.
Nhìn cái “bình hoa” đặc biệt ấy, tôi không tránh khỏi suy nghĩ về sự thiệt thòi của những cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa trong ngày này. Không quà tặng đắt tiền, không kế hoạch tổ chức hoành tráng, họ vẫn đang miệt mài với công việc.
Rồi tôi thấy, bó hoa rừng đã có phần héo hon ấy vụt trở nên rực rỡ bên trang giáo án. Nó là biểu hiện của tình cảm chân thành mà học sinh và người dân nơi đây dành cho các cô giáo từ miền xuôi lên dạy học.
2. Chiều cuối tuần. Anh bạn dạy học ở một xã vùng sâu của huyện Đăk Hà mời lên nhà dự “bữa cơm thân mật” chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi nhận lời, và không quên mua một bó hoa thật đẹp.
Vợ anh cũng là giáo viên dạy ở một xã vùng xen. Khách mời cũng là những thầy cô giáo cùng trường với anh chị. Bữa cơm ấm cúng với những câu chuyện cảm động về tình thầy trò vùng sâu.
Nhắc đến chuyện quà cáp ngày 20/11, mọi người cười: Ở những trường vùng ven, vùng sâu, chỉ cần học sinh đến trường đông đủ đã là món quà lớn nhất đối với thầy cô rồi.
Chị vợ khoe: Hôm qua, có một phụ huynh nhờ con dẫn đến trường tặng cô giáo một bao nhỏ gạo mới. Dù em từ chối nhưng chị ấy cứ khẩn khoản mãi. Lúc ấy em đã cảm nhận được rằng, nếu không nhận, chị sẽ rất thất vọng. Còn cô bé thì hớn hở tặng em một bó hoa cúc quỳ vàng rực. Đấy, bó hoa em cắm trên bàn ấy.
Rời bữa cơm ấm cúng rồi, trong đầu tôi cứ luẩn quẩn với câu hỏi: Nếu là mình đi thăm hỏi thầy cô giáo của con, thì sẽ chọn bó hoa hay phong bì?
|
Tặng quà 20/11 cho thầy cô là truyền thống từ ngày xưa. Cũng có phụ huynh muốn con mình được quan tâm hơn nên chú ý đến giá trị món quà. Tuy nhiên, còn rất nhiều người tặng phong bì với động cơ trong sáng là bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã bỏ công sức dìu dắt con em mình.
Có lẽ đây vẫn là câu chuyện dài, bởi dù khác nhau về giá trị vật chất nhưng đều có thể được gửi gắm vào đó lòng biết ơn.
Bản thân tôi không cho rằng chuyện tặng phong bì hay nhận phong bì là “cơ chế thị trường”, làm hoen ố truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Bởi bì thư, hay quà tặng, nếu là để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã bỏ công sức dìu dắt con em mình thì vẫn đáng quý.
Nhưng tôi tin rằng, khi tặng quà 20/11 cho thầy cô, không phải phụ huynh nào cũng lấy ý nghĩa vật chất thay cho tình cảm trân trọng, chân thành. Và dù là bó hoa hay phong bì, đều được trao tặng bằng lòng biết ơn và tri ân chân thành với người đã thay mình dạy dỗ, chăm sóc con em.
Tôi càng tin chắc rằng, số đông những nhà giáo tâm huyết, yêu nghề đều không xem nặng giá trị quà tặng, điều họ mong mỏi nhất vẫn là sự trưởng thành của học trò.
Thành Hưng