Bình yên dưới hiên nhà
“Để thấy đôi khi ta lạc lõng giữa đám đông/Nếu con đường vô tình đưa ta đến với nhau/Thì cùng tìm về em nhé/Ngồi chuyện trò cùng anh dưới hiên nhà/Cần một ngày cùng em dưới hiên nhà/Ngồi chuyện trò cùng nhau dưới hiên nhà/Thèm một ngày bình yên dưới hiên nhà”.
Bản rap “Dưới hiên nhà” của Đen Vâu sao bỗng dưng lại trở nên thấm thía vào lúc này thế. Lúc cả nhà đang ngồi thong dong trước hiên nhà ngắm hoa lá vườn nhà, ba mẹ nhâm nhi ly cà phê, hai cu con cũng đua đòi làm ly bạc xỉu và cùng nhau nghe nhạc Đen Vâu. Với người cổ hủ như mẹ đã có lúc mắng con trai nghe nhạc gì mà nhắng nhít thế. Nhưng, để hiểu con và để trẻ lại cùng con, dần dà mẹ cũng nghe nhạc theo con… Riết thành quen, thấy hay hay, câu từ giản dị, gần gũi, khiến cho mẹ, cũng như nhiều người khác nữa dễ bắt gặp mình trong đó.
“Thèm một ngày bình yên dưới hiên nhà” - những câu từ trong bài hát cứ thế mà chầm chậm đánh thức ký ức của mẹ về hiên nhà.
Hiên nhà là đặc điểm kiến trúc của vùng nông thôn quê mẹ, là phần nối giữa sân nhà và trong nhà. Nhà nào cũng vậy, khi dựng nhà, dù lớn dù nhỏ đều có hiên nhà, một khoảng trống nho nhỏ trước nhà đủ trải chiếc chiếu cho cả nhà xum vầy bên mâm cơm chiều hè hay để đám nhỏ như mẹ ngày ấy vừa ngồi lê la hóng mát vừa cầm cuốn sách ê a đọc bài.
|
Những hôm rảnh rỗi, nằm trên chiếc ghế xích đu ông ngoại đặt gọn một góc đầu hiên nhà, mẹ nhìn theo những viên ngói còn in rõ tên, năm – mà sau này hỏi ông mới biết đó là tên hợp tác xã và năm hợp tác xã đó sản xuất ra những viên ngói ấy. Chúng nhiều tuổi lắm, nhiều hơn tuổi mẹ những cả chục năm. Nên những viên ngói trên mái hiên theo những cơn mưa dầm miền Trung đã phủ lớp rêu xanh thâm thẫm. Còn nền hiên nhà, theo những bước chân đi, theo những lần đám bạn bè của mẹ, của các anh chị mẹ tập hợp lê la chơi đồ hàng… cũng trở nên nhẵn thín. Đến giờ, mẹ vẫn nhớ hiên nhà yêu dấu ấy. Nhớ góc đầu hồi bên trái ông ngoại để chiếc xích đu, đầu hồi bên phải là nơi sáng sáng mẹ giúp bà vằm chuối thái rau cho đàn lợn ủn ỉn, chiều chiều trở mát lại là nơi rộn ràng tiếng cười vui của cả nhà.
Mẹ nhớ những ngày hè, tranh thủ được nghỉ dạy, bà ngoại cần mẫn qua đò, ngược lên chợ Cổ Hiền mua đủ thứ hàng hóa. Những ngày hè bên sông lại có đủ các thứ nông sản, nào là lạc, đỗ xanh, khoai, ngô, các loại rau màu… Gần trưa mẹ chở hàng về. Cơm nước xong, cả nhà lại ngồi bên hiên nhà bóc vỏ lạc, nhặt nhạnh lại mấy bao rau chia thành bó để sớm mai chị gái xuôi về phố bán. Những ngày bóc lạc, bóc đỗ, nhặt nhạnh từng bao tải rau… cứ thế mà ăm ắp những nhớ thương và nuôi dưỡng bao khát vọng vươn xa của cả mấy anh chị em mẹ.
Mẹ nhớ những ngày còn nhỏ, ngoại kêu dậy nhưng vẫn còn mê ngủ. Lơ mơ chưa tỉnh hẳn, thể nào, mẹ cũng ra ngồi dựa vách tường ở hiên nhà. Sáng sáng, ăn chén cơm sáng với ít muối lạc ngoại chừa sẵn, mẹ lại ngồi bên hiên nhà nhìn theo bóng bà ngoại cọc cạch đạp xe đi trường và đến trưa khi soi theo chiếc bóng trước sân tròn tròn lại ngồi trước hiên ngóng ngoại về.
Những đêm trăng sáng, ngoại hay trải chiếc chiếu cũ bên hiên nhà. Tranh thủ chút thời gian thư thả, ngoại lấy lược tỉ mẩn chải lại mái tóc đen dài. Ánh trăng khi ấy như một dòng sông bàng bạc đổ tràn xuống sân, hắt lên hiên nhà, lên mái tóc đen dày của ngoại những vệt sáng loang loáng. Ngoại lại kể những chuyện của ngày xửa, ngày xưa... Những câu chuyện cũng ở dưới mái hiên nhà của ngoại. Chẳng được cứng cáp, mái hiên lợp ngói, tường xây, nền hiên nhà được lát bằng xi măng, mà hiên nhà của ngoại là những liếp tranh. Những ngày mưa, nhìn qua mái hiên, mưa theo những giọt tranh nhỏ đều, từng giọt, từng giọt mà ánh mắt ngập tràn khắc khoải lo âu…
Mẹ nhớ dáng lưng còng của bà nội mẹ, mỗi khi bước lên hiên nhà, tay thường vịn gối. Thấy nội khó nhọc, mẹ nhanh nhảu chạy tới hỏi sao nội bước lên hiên nhà vất vả thế, để cháu giúp nội nhé...
Hiên nhà của mẹ, cũ thôi, giản dị thôi, nhưng đã chứng kiến mẹ bước những bước đi chập chững đầu tiên, đến khi trưởng thành. Mấy chị em mẹ nhờ những ngày bóc lạc, bó rau bên hiên nhà mà trưởng thành, rồi đi xa, xa mãi, ít có dịp đoàn viên rộn ràng. Hiên nhà nay càng đậm dấu thời gian, mái ngói bạc màu xen nhiều rêu thẫm, vách tường cũ còn hằn những nét kẻ vẽ nguệch ngoạc đám con trẻ ngày nào. Còn ngoại nay đã như nội của mẹ ngày nào, mỗi lần bước lên hiên nhà, tay lại thường vịn gối… Những ngọt ngào xen lẫn đắng cay của dòng thời gian luôn vô tình chảy, chỉ mới nghĩ đến thôi đã khiến khóe mắt mẹ cay cay.
Mẹ nhớ hiên nhà xưa và thèm một ngày bình yên dưới hiên nhà xưa.
NGUYÊN PHÚC