Bình thường cũng là hạnh phúc
Có đi qua những ngày mưa triền miên mới mong sao ngày hửng nắng. Có đi qua bao gian khó mới biết trân quý lắm những khoảnh khắc bình yên, thương nhau gừng cay muối mặn của tình nghĩa vợ chồng. Và có đi qua những lần tưởng chừng như đổ vỡ, mới càng cảm nhận rõ hơn hai tiếng thiêng liêng: gia đình
Ông nằm trên gường nghe tiếng xe máy của bà nhỏ dần, nhỏ dần, rồi như hòa trong dòng người, xe phố phường ngoài kia mỗi sáng mà ước ao. Ước ao được hòa trong dòng người, xe lao xao đó. Ước ao được bình thường cũng là hạnh phúc.
Bình thường cũng là hạnh phúc. Nghĩ vậy, ông chợt thần người ra. Đã hơn ba tháng nay rồi, ông nằm bất động trên giường. Ngày ông ốm nặng, đi viện, con cháu có về thăm nom, chăm sóc, nhưng chẳng ai ở lại được lâu, còn công việc, còn gia đình nhỏ của chúng…. Mọi sinh hoạt ông phụ thuộc cả vào bà.
Sáng sáng, bà lúi húi dắt xe đi chợ, về lại cặm cụi băm thịt, băm tôm, chia nhỏ từng phần để nấu cho ông ăn; lau dọn nhà cửa, giặt giũ. Chuyện vệ sinh cá nhân của ông cũng trông cả vào tay bà. Sáng nào, bà cũng hỏi, ông thấy trong người đỡ hơn không? Ông muốn ăn gì, ăn cháo, ăn cơm? Hôm qua, ông ăn cháo rồi, hôm nay ăn cơm cho đổi vị nhé, tôi cho thêm chút nước, cơm mềm dễ ăn hơn… mà mắt ông cay cay…
|
Ròng rã mấy tháng trời nay bà đều như vậy. Còn ông, gói gọn thế giới trong căn phòng nhỏ, có ô cửa sổ mở ra khoảnh sân trồng cây lộc vừng đã gần hai chục năm tuổi. Vì cây này mà ngày đó ông bà đã cãi nhau một trận kịch liệt. Ông muốn trồng cây lộc vừng vừa ra hoa đẹp và thơm, vừa lấy bóng mát che chắn cho ô cửa sổ căn phòng ngủ mở về phía hướng tây. Còn bà thì muốn giữ khoảnh sân đó, làm mấy thùng xốp trồng các loại rau gia vị. Ông bà chẳng chịu nghe nhau, vậy là đùng đùng nổi giận, chuyện nọ xọ chuyện kia, chẳng nói chẳng rằng cả chục ngày trời…
Mà cả mấy tháng nay nằm bất động trên giường, thời gian dài đằng đẵng, ông càng nghĩ nhiều về những chuyện đã qua, những vui buồn cứ lẫn vào nhau, những cơn sóng trái chiều cứ xô đẩy gia đình bé mọn. Ông thấy mình nhiều khi quá vô lý, nào đâu riêng chuyện bà thích trồng rau, không thuận theo ý ông. Cả ông và bà cùng vượt qua bao gian khó để lấy nhau, để xây dựng gia đình. Nhớ lần hai vợ chồng đón chào đứa con trai đầu lòng; nhớ mãi ngày mua được chiếc xe máy sau bao năm tích góp; nhớ ngày đầu tiên được sở hữu căn nhà của riêng mình, cả ông lẫn bà thao thức không ngủ được, tối tối bật điện đi đi lại lại khắp căn nhà nhỏ, sờ vào từng mảng tường, lau dọn hết chỗ này chỗ kia...
Những tưởng cùng nhau vượt qua gian khó, bôn ba đủ việc, khi đủ đầy, hai con trưởng thành, cuộc sống gia đình ông bà càng thêm hạnh phúc. Nhưng có đồng ra đồng vào mà nhà cửa chẳng yên ả. Ông với những chuyến công tác liên tục, những buổi bù khú với bạn bè, và cũng có thời gian ngả nghiêng vì “say nắng”, ít quan tâm đến vợ con. Bà tham công tiếc việc, buôn bán đang đà phất lên, lại ham, lắm khi không thuận buồm xuôi gió đâm ra gắt gõng, cáu kỉnh. Tiếng bấc, tiếng chì. Mặt nặng, mày nhẹ. Ông đi đường ông. Bà đi đường bà. Căn nhà nhỏ rộn tiếng cười vui chỉ là nơi để về, chẳng phải là tổ ấm. Đã có lần ông bà đồng thuận ly hôn, đơn cũng đã thảo sẵn sàng, các phương án phân chia cũng đã xong, nhưng chút níu kéo vì các con, lại thôi…
Nhớ lại những gì đã qua…. Nếu… thì…, ông không dám nghĩ tiếp.
Ngoài căn bếp khẽ vang lên tiếng bước chân chậm chạp của bà. Tiếng chén bát va chạm; mùi đồ ăn phảng phất. Bà khi nào cũng vậy, chu toàn, cả một đời chăm chút cho gia đình, cho chồng con. Bà có gắt gỏng, có cáu kỉnh cũng là do ông chỉ biết vui niềm vui của riêng mình, “đứng núi này trông núi nọ”, không biết chia sẻ với bà, không quan tâm các con, không dành thời gian cho gia đình. Ông lại đổ cho bà tính tình khó chịu, xem đó như là cái cớ để tự cho phép mình được quyền “say nắng”. Bà gắt, xem thử ông “say” được bao lâu. Như thách đố bà, đúng là cũng lâu – ông tự dằn vặt mình.
Nhưng đúng là có đi qua những ngày mưa triền miên mới mong sao ngày hửng nắng. Có đi qua bao gian khó mới biết trân quý lắm những khoảnh khắc bình yên, thương nhau gừng cay muối mặn của tình nghĩa vợ chồng. Và có đi qua những lần tưởng chừng như đổ vỡ, mới càng cảm nhận rõ hơn hai tiếng thiêng liêng: gia đình.
Ông nhắm hờ mắt để lắng nghe rõ hơn âm thanh thường ngày của cuộc sống. Để nghe, để cảm nhận hơi ấm từ bước chân chầm chậm của bà. Để nghe rõ hơn câu hỏi đã hơn 3 tháng nay ngày ngày bà vẫn hỏi: Ông thấy trong người đỡ hơn không? Ông muốn ăn gì, ăn cơm hay ăn cháo?...
Vậy là ông mỉm cười - nụ cười bình thường, nụ cười hạnh phúc.
Nguyên Phúc