“Biếu” hay “cho”
Từ ngữ tiếng Việt rất đa dạng và phong phú. Nhiều từ có cùng nghĩa với nhau, nhưng trong từng hoàn cảnh lại có thể được hiểu theo những cách khác nhau. Đơn cử như, cùng hành động đưa cho ai đó một vật gì mà không lấy lại, có thể dùng từ “cho”, nhưng có khi phải dùng một từ khác thể hiện sự trân trọng hơn, là “biếu” hoặc “tặng”.
Ví dụ, con cái không nên nói là “cho tiền, cho quà” ba mẹ; mà nên là biếu, tặng quà ba mẹ.
Cũng như không ai gọi là “cho quà từ thiện” mà gọi là “tặng quà từ thiện”. Ấy mới là ý nghĩa, là thể hiện sự trân trọng.
Khi ai đó xin mình một món đồ gì, mình có thể nói là cho. Nhưng cho như thế nào để cho món quà mình cho đấy mang lại ý nghĩa đối với người nhận thì không phải ai cũng có thể làm được. Rõ ràng là có xin mới có cho, nhưng “cho” ở đây đối với người ở độ tuổi ngang bằng hoặc nhỏ hơn; còn với người lớn tuổi, dù họ có mở miệng xin thì tốt nhất vẫn nên dùng “biếu”, “tặng” cho phải phép. Đó là văn hóa ứng xử của người Việt.
Ấy thế mà, trong cuộc sống, đôi khi nhiều người cũng vấp phải những lỗi trong cách ứng xử này, ngay cả với những người thân yêu nhất của mình.
Đó là câu chuyện của nhà ông bà Hai mà tôi từng nghe và chứng kiến. Chuyện là, lâu lâu đứa con trai của ông bà ở thành phố về nhà ăn giỗ, lấy ra ít tiền nói “cho ba, mẹ cần mua gì thì mua”.
|
Ông Hai, dù chẳng vui lắm, nhưng vẫn cầm cho yên chuyện, nhưng bà Hai thì khác, lần nào cũng dứt khoát không nhận. Bà nói với con trai: Bao năm qua, không có tiền của con, ba mẹ vẫn sống được. Bây giờ, dù không dư giả gì, nhưng cũng chưa đến mức xin tiền con.
Câu nói cùng với thái độ giận dỗi của bà Hai lần nào cũng khiến cho anh con trai khó nghĩ. Mẹ anh buồn, anh cũng chẳng vui, nhưng anh cũng chẳng hiểu vì lý do gì.
Ông Hai là người kẹt ở giữa, phải tìm cách “gỡ”. Lần nọ, con trai về nhà, ông gọi đứa con lên nhà nói nhỏ: Mẹ bây bắt chữ đấy! Ba mẹ không xin tiền đâu mà con cho. Ba mẹ nuôi con từ khi lọt lòng đến lúc lớn lên, đi học rồi bây giờ thành tài có tính toán gì với con đâu, mà con nói là cho tiền ba mẹ. Con nói vậy khiến ba mẹ buồn lắm. Nếu thực tâm con muốn lo lắng cho ba, mẹ, con nên lựa lời mà nói.
Hóa ra là chuyện này! Với anh con trai ông bà Hai thì thực ra chỉ là vô ý, quen với cách nói như vậy mỗi khi đưa cho ai cái gì mà không cần lấy lại, chứ anh cũng không nghĩ cách nói của mình khiến mẹ anh buồn lòng đến như thế.
Lần về quê gần đây, anh không nói “cho tiền” nữa, mà là “biếu ba, mẹ ít tiền để mua sắm”, khiến bà Hai vui hẳn.
Bà Hai chẳng phải người nhỏ nhen hay bắt lỗi, nhưng bà nói phải làm vậy để dạy con trong ứng xử. Bởi ông bà xưa có câu, “của cho không bằng cách cho”, nghĩa là khi biếu, tặng hay cho ai món đồ gì đó điều quan trọng nhất là thái độ ứng xử của người đưa hơn là giá trị món đồ đó mang lại.
Rõ ràng “cho” hay “biếu”, “tặng” cùng chung nghĩa là đưa cho ai đó món đồ gì đó mà không cần lấy lại, nhưng khác nhau ở chỗ “biếu”, “tặng” thể hiện sự trân trọng hơn “cho”, và khi ai đó xin mình một món đồ mà thái độ “cho” không được thiện chí thì chắc gì người có chủ ý “xin” đã lấy.
Sông Côn