Biên cương thao thức
Trong sự trầm mặc của núi đồi, giữa đại ngàn biên cương, nơi chỉ nghe nói thôi, người ta đã nghĩ đến xa xôi, hoang vắng, có những con người vẫn luôn thao thức vì sự bình yên của quê hương, đất nước.
Vượt qua một cây cầu bê tông bắc qua con suối cạn, xe bắt đầu trèo lên núi. Mùa khô đang đi vào cao điểm, nắng tràn xuống các thung lũng.
Gã siết quai ba lô, nhìn về phía sau, chỉ thấy thấp thoáng trong màu xanh bao la của rừng là một vệt màu vàng, chính là đoạn đường mình vừa đi qua. Đi một lúc lâu, nhìn lại vẫn thấy cái vệt màu vàng đó.
Người lái xe nhìn gã cười cười: Mới đi lần đầu hả? Ngán không? Từ giờ chỉ có lên dốc như này thôi đấy. Gã lắc đầu, cười lại: Anh yên tâm. Em đi nhiều rồi.
Gã nói thật. Nghề nghiệp khiến gã mãi rong ruổi, mãi lang thang khắp nơi. Từ những ngôi làng nằm chênh vênh trên đỉnh núi, cả năm chỉ thấy “người ngoài” dăm ba lần, đến những mái nhà nằm chót cùng biên giới, mỗi người dân như một “cột mốc sống về chủ quyền” đất nước.
Gã từng ngủ bờ ngủ bụi; ngủ trong lán của người trồng rừng, người săn ong, ngủ trên sàn nhà lạnh cóng nơi đỉnh núi. Nhưng cũng từng được ngủ ở những khách sạn hạng sang.
|
Bước chân gã đã ngược dốc cheo leo đá núi lên Đăk Plô, vượt cung đường tuần tra biên giới từ Sa Loong, sang Mô Rai, xuống Ia Đal.
Nên cung đường này đâu có thể làm gã ngán.
Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần đến với biên giới, gã lại thấy nôn nao, bồn chồn. Từ trong thẳm sâu như có điều gì đó dội lên, vừa sâu lắng, da diết, vừa mạnh mẽ, nồng nàn.
Hẳn là vì trong gã luôn có những tình cảm và ấn tượng sâu đậm về những người lính quân hàm xanh đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Nắng biên giới bắt đầu như những quầng lửa hừng hực trên những cánh rừng, những ngọn đồi. Hắn mải mê ngắm mây trắng bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn khắp bầu trời. Chợt xe dừng lại. Lái xe quay sang nhìn gã: Tới rồi đấy. Khi nào ra thì gọi điện nhé.
Gã khoác ba lô lên vai, vẫy tay chào người lái xe vui tính. Chiếc xe rồ ga phóng vụt đi, để lại phía sau một quầng bụi đỏ.
Những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt nói thay tình cảm của anh em ở Đồn Biên phòng dành cho khách. Gã xúc động vì những người lính Biên phòng "nơi đầu sông đầu suối" vẫn thân thuộc và tình cảm.
Vậy là gã đã trở lại nơi này sau nhiều năm.
Khung cảnh vùng biên thay đổi nhiều. Không còn những ngôi nhà gỗ tuềnh toàng không cửa, gió núi thoải mái vào ra, đêm về muỗi bay như trấu, mà thay vào đó là những nhà xây, mái lợp tôn xanh đỏ, bờ rào vươn lên những chùm hoa giấy đỏ thẫm.
Chuyến đi trước, con đường vắng hoe, đến mức anh bạn đồng hành đã mừng quá mà hét toáng lên khi nghe tiếng xe máy và nhìn thấy một chiến sĩ biên phòng hiện ra sau một hõm núi. Bây giờ, dọc đường đã thấy những quán tạp hóa bán đủ mặt hàng; xe khách, xe hàng qua lại khá nhộn nhịp.
Nhưng cũng có những điều không thay đổi. Từng vạt cao su xanh rào rạt vẫn phủ kín những sườn đồi. Người nơi đây vẫn chân thật đến bày cả gan ruột. Và vẫn có những đôi mắt không bao giờ ngủ, luôn thao thức vì sự bình yên, hòa bình và ổn định của biên cương Tổ quốc.
Cũng như lần trước, sau một ngày mò mẫm khắp các điểm dân cư, thân thể rã rời bởi những cú xóc trên các nhánh đường rừng, gã cùng chàng sĩ quan trẻ dẫn đường rệu rã trở lại Đồn.
Bữa cơm đơn giản và ấm cúng. Toàn những thứ anh em trong đoàn tăng gia được. Cuộc trò chuyện kéo dài về nhiều vấn đề, từ công việc, sinh hoạt hàng ngày, đến tuyên truyền, vận động nhân dân, kể cả những tâm tư, tình cảm sâu kín.
Từ đáy lòng, gã thật sự khâm phục "lính biên phòng". Bởi họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc, mà phải làm "tất cả những gì có thể làm".
Những năm qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã không ngừng tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Đồn và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đơn vị đứng chân trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh chính trị địa bàn.
Tin yêu Bộ đội Biên phòng, nhiều hộ gia đình đã làm lễ kết nghĩa với cán bộ, chiến sĩ. Với sự giúp đỡ của "anh em kết nghĩa", nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp, xây dựng nếp sống mới, thực hiện các mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chính vì vậy, không có gì bất ngờ khi hồi chiều, một già làng đã quả quyết nói với gã: "Già và dân làng tin và làm theo bộ đội biên phòng vì các anh nói điều hay, lẽ phải, làm việc tốt giúp dân làng".
|
Đêm biên giới lạnh se sắt, dù ban ngày nắng như đổ lửa. Gió núi thổi u u trên những vạt rừng cao su, những bóng cây chập chờn sương trắng. Càng về khuya càng lạnh, khiến mọi người xích lại gần nhau hơn.
Anh em giục gã đi ngủ để lấy sức mai còn làm việc. Hồi chiều, đồng chí đồn phó đã nhường phòng mình cho gã. Một cậu lính trẻ còn cẩn thận gắn bóng đèn ngủ trong phòng vì “sợ bóng đèn tuýp sáng anh không ngủ được”.
Nhưng làm sao gã ngủ được, khi ở bên các anh, những người đã thức, đang thức hàng đêm để giữ gìn đường biên hòa bình, ổn định.
Một đêm rất dài. Gã nhìn qua cửa sổ, trong quầng sáng nhờ nhờ của trăng thượng tuần, vẫn thấy bóng những người lính trực trong bốt gác.
Bây giờ gã mới hiểu thấu câu nói “trên đất nước mình luôn có một nơi luôn thao thức, không bao giờ ngủ, đấy là biên cương”.
Cứ vậy, gã thao thức đến khi chiếc xe hôm qua quay lại đón. Không hiểu sao gã cứ ngờ ngợ như mình đã quên cái gì, lục lạo lại thì đủ cả, nhưng sao vẫn thấy như bỏ quên gì đó, sâu đậm lắm.
Không lẽ là những đêm thao thức cùng biên cương?
THÀNH HƯNG