Bếp lửa ven đường
Có những thứ bình dị, giản đơn nhưng lại gợi lên trong ta nhiều cảm xúc tưởng đã chìm sâu trong ký ức. Bếp lửa ven đường của bọn trẻ ở làng trong những ngày trời chuyển lạnh đã đánh thức kỷ niệm ngày thơ ấu cùng chúng bạn đốt lửa sưởi ấm ven đường trong ngày đông lạnh giá hay những ngày giáp Tết ở quê nhà trong tôi.
Nơi tôi đang sinh sống là một ngôi làng ở nội thành thành phố. Vì là “làng trong phố” nên dẫu cuộc sống có nhộn nhịp hơn, mang màu sắc hiện đại hơn cỡ nào thì vẫn vương vấn nét quê.
Những đêm trời trở lạnh, đường làng vắng vẻ hẳn. Sau bữa tối, nhà nhà gần như đều cửa đóng then cài. Chỉ có mấy đứa trẻ, có lẽ vì ham vui nên vẫn rì rầm hẹn nhau tụ tập bên đường, và để cho đỡ lạnh, chúng gom rơm, cành khô, lá khô nhóm lên bếp lửa, rồi chơi các trò chơi.
Một buổi tối đi làm về muộn, tôi đã ngẩn ngơ nhìn bọn trẻ nhóm bếp lửa như thấy hình ảnh của chính mình ngày nhỏ vậy.
Con đường dẫn vào làng đã được bê tông hóa sạch đẹp. Đang mùa thu hoạch lúa, bà con thường kéo lúa, rơm về phơi trên đường trước khi mang về nhà. Mùi thơm của lúa, của rơm mới cứ sực nức. Nhìn cảnh rê lúa của bà con để loại bỏ những hạt lép hay trưa trưa, các bà, các chị ra đường làng trở rơm cho khô mà thương mà nhớ hình ảnh của người dân quê tôi cũng tất tả sớm hôm trong những ngày mùa như vậy.
|
Rơm phơi khô được các gia đình mang vào sân vườn cất, chỉ còn lại những sợi rơm vương vãi bám chặt trên bãi cỏ hay bên mép đường được bọn trẻ thu gom lại để làm chất đốt. Chuẩn bị đốt lửa, các bạn nhỏ còn phân công nhau đứa thì đi nhặt những cành củi khô, đứa thì quét lá khô, đứa thì hốt những hạt lúa lép được bà con rê xong bỏ ở đám đất trống bên đường để cho vào bếp lửa, giữ cho lửa lâu tàn.
Bếp lửa âm ỉ cháy, bọn trẻ con xúm xít lại sưởi ấm. Mùi thơm của lúa, của rơm, của lá khô đặc trưng không lẫn vào đâu được đã đánh thức kỷ niệm ngày thơ ấu cùng chúng bạn đốt lửa sưởi ấm ven đường trong ngày đông lạnh giá hay những ngày giáp Tết ở quê nhà trong tôi.
Ngày ấy, mùa Đông, áo ấm chỉ để dành đến trường, còn tối đến để cho đỡ lạnh, bọn trẻ trong làng tôi cũng tập trung nhóm bếp lửa ven đường hoặc có khi ở sân vườn nhà để sưởi ấm. Nhà đứa nào có khoai, có bắp còn mang đến lùi vào bếp lửa nướng rồi chia nhau cùng thưởng thức. Mà hay là ngày ấy, đứa trẻ nào ở làng cũng quấn quýt bên bếp lửa ven đường như vậy.
Có lẽ mùi của bếp lửa ven đường hay ở góc vườn đã ăn sâu vào tâm thức nên bây giờ hễ đi đâu ngửi được mùi khói của rơm, của những hạt lúa lép, của lá khô, của khoai nướng là thấy gần gũi, thân thương lắm. Mùi thơm tỏa ra từ bếp lửa ven đường ấy chẳng những sưởi ấm tâm hồn mà còn cho ta cảm giác yên bình đến lạ.
Mà chẳng phải chỉ bọn trẻ, những ngày lạnh giá ở quê tôi, người lớn cũng hay nhóm bếp lửa ven đường vào buổi tối hay sớm mai để sưởi ấm, nhất là vào những ngày giáp Tết. Tôi nhớ, cứ từ tờ mờ sáng, đã nghe tiếng chổi xào xạc của ba tôi, rồi ông Dư, bác Hai ở trong xóm quét lá khô trên đường làng. Lá được quét dồn thành đống rồi đốt. Bên ánh lửa, các ông, các bà thường ngồi trò chuyện rôm rả, chủ yếu là về chuyện tết nhất.
Những ngày này trời đang lạnh. Mà cũng chẳng còn bao lâu nữa là Tết. Mùi thơm của rơm, của cành khô, lá khô từ bếp lửa ven đường của những đứa trẻ ở “làng trong phố” như níu chân những người con xa quê muốn được trở về.
Có những thứ bình dị, giản đơn nhưng lại gợi lên trong ta nhiều cảm xúc tưởng đã chìm sâu trong ký ức.
SÔNG CÔN