Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 2 lò đốt chất thải rắn y tế hoạt động 10 ngày rồi “đắp chiếu”
Đầu năm 2014, 2 lò đốt trị giá hơn 3 tỷ đồng phải ngừng hoạt động chỉ sau 10 ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng, nguyên nhân là do gây khói và bụi nhiều và “đắp chiếu” cho đến nay. Đến bao giờ 2 lò đốt này được sửa chữa đưa vào hoạt động để tránh tình trạng lãng phí trang thiết bị y tế đã đầu tư?
Cuối năm 2016, nhiều cử tri phường Quang Trung, thành phố Kon Tum sinh sống xung quanh Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp về việc quá trình xử lý rác thải rắn y tế của Bệnh viện gây ra mùi hôi, khói rất khó chịu, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân trong khu vực, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và các cháu Trường Mầm non Hoa Phượng ở sát khu lò đốt chất thải y tế của Bệnh viện này.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, UBND phường Quang Trung tiến hành đối thoại với người dân, kiểm tra thực tế về tình hình hoạt động của lò đốt chất thải y tế thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
Qua kiểm tra quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đã có 2 trong 3 lò đốt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh không đảm bảo về môi trường, các thông số vượt ngưỡng cho phép, gây ô nhiễm về khói thải như cử tri phường Quang Trung kiến nghị.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2659/UBND-NNTN ngày 26/10/2016 yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh không tổ chức vận hành và đưa vào sử dụng các lò đốt chất thải y tế không đảm bảo các điều kiện về môi trường theo kết quả quan trắc môi trường và phản ánh, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, khẩn trương có kế hoạch đầu tư nâng cấp, di dời các lò đốt rác thải y tế gần khu vực dân cư và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Làm việc với chúng tôi, ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Bệnh viện đã dừng sử dụng 2 lò đốt gây ô nhiễm, chỉ sử dụng lò đốt đảm bảo các điều kiện về môi trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được Bộ Y tế đầu tư 3 lò đốt chất thải rắn y tế. Trong đó, lò đốt loại Hoval MZ2 do Cộng hòa Áo sản xuất có công suất 200 kg/ngày, trị giá trên 2,051 tỷ đồng, lắp đặt từ năm 2001 đến nay là 16 năm và hiện tại đang được sử dụng.
Hai lò đốt chất thải rắn y tế còn lại là lò đốt Model F-1k do hãng Chuwarstar của Nhật Bản sản xuất (tổng giá trị 3,157 tỷ đồng), có công suất 20 kg/giờ, được lắp đặt năm 2013. Đến ngày 3/1/2014, sau khi nghiệm thu thiết bị lắp đặt đưa vào sử dụng được 10 ngày thì 2 lò đốt chất thải rắn này hoạt động không đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do lò đốt chất thải y tế này hoạt động gây khói và bụi nhiều. Qua kết quả quan trắc định kỳ, chỉ tiêu bụi và khí CO vượt giới hạn cho phép quy định tại QCVN 02:2012/BTNMT của Bộ Tài nguyên Môi trường.
Kể từ đó đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhiều lần mời đơn vị lắp đặt 2 lò đốt chất thải y tế loại Chuwastar F-1K để bảo trì, khắc phục, sửa chữa, nhưng lò đốt vẫn hoạt động chưa đạt yêu cầu. Đồng thời, Bệnh viện cũng đã gửi văn bản đến nhiều đơn vị đề nghị khảo sát sửa chữa lò đốt đạt tiêu chuẩn khí thải, nhưng các đơn vị gửi văn bản trả lời không đủ khả năng khắc phục, sửa chữa.
Vậy, đến bao giờ 2 lò đốt chất thải rắn loại Chuwastar F-1K được sửa chữa đưa vào hoạt động để tránh tình trạng "đắp chiếu” làm lãng phí trang thiết bị y tế đã đầu tư?
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc