Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ chuyện rác
Vứt rác bừa bãi không phải là chuyện nhỏ, bởi nếu cũng tiện đâu vứt rác đó thì sẽ thành chuyện lớn, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…
Tối tối, sáng sớm đi bộ tập thể dục, cụ bà trong xóm cũng có thêm nhiệm vụ nhặt nhạnh lại một số bao bì, giấy vụn, bì đựng bánh, cốc nhựa đựng nước… vứt dọc đường, bỏ gọn vào thùng rác được đặt ngay gần đó.
Chả là, trong xóm có tới mấy thầy cô giáo dạy thêm. Chiều chiều, khá đông học sinh tập trung đến xóm. Vì học xong buổi chiều ở trường lại vội vàng đến chỗ học thêm nên hầu như em nào cũng mang theo các món ăn vặt. Trước khi học, ăn nhẹ. Sau khi học, uống nước. Ăn xong, uống xong, tiện đâu các em vứt rác đó. Chai nước nhựa, ly đựng nước nhựa, hộp xốp đựng xôi, giấy cuộn bánh mì, bì bóng…các em vứt bỏ khắp nơi.
Cụ bà than thở, chẳng hiểu sao các cháu lại thiếu ý thức đến thế, thùng rác ngay đó chẳng chịu bỏ, lại vứt bỏ khắp nơi. “Có lẽ các cháu nghĩ là chuyện nhỏ” một người hàng xóm góp chuyện. Nhưng cụ bà không đồng tình, không thể là chuyện nhỏ được. Vứt bỏ rác bừa bãi trước mắt là phố phường không sạch đẹp, còn về lâu dài nếu không có ai dọn dẹp sẽ dần tạo thành đống rác, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.
Nghe cụ nói, mọi người dân trong xóm đều đồng tình. Đúng không thể là chuyện nhỏ được. Nếu ai cũng tiện đâu vứt rác đó thì sẽ thành chuyện lớn, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…
Những năm gần đây ai nấy đều nhận thấy rõ sự biến đổi của khí hậu: Nắng nóng, hạn hán, lụt bão; xuất hiện những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan. Ngay ở tỉnh Kon Tum chúng ta lâu nay vẫn được đánh giá có khí hậu mát mẻ, dễ chịu, thuận hòa nhưng những năm gần đây đã thấy sự thay đổi: nắng nóng gắt, hạn hán kéo dài và xảy ra ở nhiều địa phương. Hết hạn hán, người dân lại tiếp tục đối mặt với giông lốc, mưa đá, sạt lở… ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt.
|
Những tác hại của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống ngày càng nặng nề, mà nguyên nhân chủ yếu do chính con người đã tác động quá nhiều đến môi trường. Trong đó, ít nhiều xuất phát từ việc xả rác thải bừa bãi của một số người thiếu ý thức.
Ở vùng phố thị, dạo qua các tuyến phố, qua bờ kè, các công viên, các hàng quán vỉa hè…, không khó để bắt gặp nhiều người vô tư quẳng ngay vỏ bánh, vỏ kẹo, hộp sữa, chai nước hay mẩu thuốc lá khắp nơi….Thậm chí, dù thùng rác ngay cạnh, nhưng cũng có người chẳng thèm bước chân đến để bỏ rác vào thùng, mà đi từ xa xa quẳng lại, trúng đâu thì trúng. Vậy nên, những chiếc biển báo với dòng chữ như “Cấm xả rác nơi công cộng”, “Hãy bỏ rác vào thùng”…cũng chỉ là cảnh báo hoặc để cho có.
Còn ở khu vực nông thôn, nhiều địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn cảm thấy vướng mắc khi thực hiện tiêu chí 17 (môi trường). Trong khi chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt tăng nhanh về số lượng thì các địa phương lại thiếu các điểm tập kết thu gom, xử lý rác thải, nguồn kinh phí eo hẹp, thiếu nhân lực, chưa có phương tiện chuyên dụng, ý thức của một bộ phận nhân dân chưa cao…Trên đồng ruộng, vườn rẫy, đường ra khu sản xuất, cũng không khó để bắt gặp hình ảnh vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng xong vứt bừa bãi.
Từ thói quen xấu khó thay đổi được của không ít người nên tình trạng vứt xả rác bừa bãi từ thành thị đến nông thôn vẫn luôn là chuyện “biết rồi”nhưng vẫn phải “khổ lắm, nói mãi”. Nếu chúng ta cùng nêu cao quyết tâm bắt đầu thay đổi từ chính việc nhỏ, không tùy tiện vứt xả rác, vứt rác phải đúng nơi quy định, sẽ góp phần tích cực trong gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp. Những tác động tích cực đối với môi trường trong những ngày cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19 là một ví dụ.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dịch bệnh Covid-19 đã gián tiếp tác động đến chất lượng không khí ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành. Trong những ngày giãn cách xã hội, lượng người, phương tiện tham gia giao thông giảm, một số cơ sở sản xuất hoặc giảm hoặc tạm ngừng hoạt động…đã giảm lượng khí thải, rác thải, góp phần tích cực vào việc cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Cả xóm sau khi cùng nhau phân tích những hệ lụy của việc vứt xả rác bừa bãi, ai nấy đều thống nhất cần nhắc nhở các gia đình có tổ chức dạy thêm phải căn dặn các cháu học sinh không được vứt xả rác bừa bãi. Cùng với đó, các gia đình trong xóm tự giác bỏ rác thải đúng nơi quy định, tiến hành phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng khoảng trống tạo không gian xanh để vừa đẹp nhà, đẹp xóm, vừa là hành động cụ thể góp phần bảo vệ môi trường chung.
Phúc Nguyên