Bao giờ đường mới làm xong?
Bao giờ đường mới làm xong? Đó là câu hỏi và cũng là băn khoăn của người dân khi nhắc đến con đường từ Sê San 3 đi Quốc lộ 14C (hay còn gọi là tỉnh lộ 675A). Bởi, dù đã thi công 7 năm nay nhưng con đường vẫn còn dang dở.
Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường từ Sê San 3 đi Quốc lộ 14C dài 58km, kinh phí hơn 520 tỷ đồng. Dự án do UBND huyện Sa Thầy làm chủ đầu tư và giao cho Bản quản lý Đầu tư và Xây dựng huyện quản lý. Đơn vị thi công là Công ty CP Trường Long, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Duy Tân và Công ty TNHH Tuấn Dũng. Dự kiến, tuyến đường hoàn thành vào tháng 6/2014, nhưng sau 7 năm vẫn còn dang dở, không thể thông tuyến.
Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài 58km, nhưng trên thực tế chỉ có 54km, bởi 4km còn lại trùng với đường vào thủy điện Sê San. Do tuyến đường này ít người qua lại, mục đích trước đây là phục vụ an ninh quốc phòng cũng như việc giãn dân (xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai).
|
Mặc dù tuyến đường dài 54km và đang thi công, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, có rất ít công nhân thi công và chỉ có một số máy móc nằm rải rác bên đường. Tất cả tuyến đường mới chỉ hoàn thành xong việc san ủi nền và rải lớp đá đầu tiên. Một số đoạn qua các con suối được làm tạm bợ, chỉ một số ít được xây dựng có hệ thống cống ngầm. Bên cạnh đó, một số đoạn được làm mương thoát nước nhưng rất sơ sài, dễ hư hỏng khi có mưa lớn. Đặc biệt, từ đoạn suối Ia Tơi về Sê San 3 mới chỉ hoàn thành việc sản ủi mặt đường.
Anh Lê Duy Khánh- một người dân thường xuyên đi qua tuyến đường này cho biết: Đoạn đường này rất ít người qua lại vì rất khó đi. Vào mùa khô còn đỡ, mùa mưa thì gần như không đi được. Nếu đi đoạn đường này thì cứ xác định sẽ phải sửa xe liên tục.
Trong khi đó, một công nhân của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Duy Tân đang thi công tại công trình này cho biết, đơn vị anh thi công chiều dài khoảng 19km, hiện đã rải đá cấp phối lớp 2 được khoảng 10km, số còn lại mới chỉ rải đá cấp phối lớp 1.
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao tiến độ thi công chậm, chúng tôi đã làm việc với đơn vị được giao quản lý dự án là Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng huyện Sa Thầy. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũ- Phó trưởng Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng huyện Sa Thầy cho biết, dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2009. Theo thiết kế ban đầu, dự án có chiều dài 58 km, mặt đường rộng 3,5m. Tuy nhiên, do nguồn vốn không đủ nên sau đó dự án bị cắt chỉ làm phần nền đường và các công trình thoát nước. Mặt đường cũng chỉ làm những đoạn có độ dốc lớn. Vì vậy, đến nay dự án mới được đầu tư 137 tỷ đồng và đã giải ngân toàn bộ cho đơn vị thi công theo khối lượng đã thực hiện.
Cũng theo ông Dũ, hiện tuyến đường đang bị đứt một số đoạn nên không lưu thông được. Một số đoạn hiện nay do mưa lớn đã bị trôi hết ngầm, phải chờ khắc phục.
“Do đầu tư không đồng bộ nên nền đất làm hoàn thiện cứ có mưa là bị xói lở. Hiện nay chúng tôi là đơn vị quản lý chỉ sửa cầm cự giữ nền để giao lại mặt bằng khi có nguồn vốn ADB”- ông Dũ nói và cho biết hiện nguồn vốn ADB vẫn đang trong quá trình xin, chứ chưa xin được.
Ông Dũ cho biết thêm: Trong quá trình chờ kinh phí mới, hàng năm đơn vị phải huy động máy móc sửa chữa, khắc phục để giữ mặt đường. Hiện tại không dám làm đúng thiết kế, để mặt đường cao hơn 1m khi mưa xói sẽ ban gạt nhiều lần hao hụt bớt đi…
Điều đáng nói, theo thiết kế trên tuyến có 8 cầu nhưng mới làm được 1 cái, còn lại do không có vốn nên chỉ làm ngầm. Nhưng việc làm ngầm không bền vững nên chỉ sau mỗi mùa mưa là ngầm lại bị trôi, do đó hiện nay cứ mùa khô làm lại thì mới đi được.
Con đường đã đổ vào hơn 130 tỷ đồng và sau nhiều năm thi công vẫn dang dở. Với tình hình nguồn vốn đang khó khăn như hiện tại không biết đến bao giờ con đường mới có vốn để tiếp tục đầu tư. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc chưa biết đến khi nào con đường này mới được hoàn thành?
Phúc Nguyên