• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
THƯ TÒA SOẠN    Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh    [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới    SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền cấp xã tại thành phố Kon Tum   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Bánh Khảo- hương tết đậm vị cố hương

05/02/2019 13:12

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, trong mỗi căn nhà nhỏ của gia đình người Nùng làng Đăk Xuân (xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) lại phảng phất hương vị thanh mát của bánh khảo. Với người dân nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ đều tâm niệm, thấy bánh khảo là thấy tết.

Vậy là cũng đã ba chục năm có lẻ các gia đình từ vùng núi non Cao Bằng trùng điệp vào Tây Nguyên nắng gió, lập làng bên đập mùa Xuân êm đềm. Và, cũng từng đó thời gian, vị tết trên vùng quê mới vẫn hiển nhiên mang hương vị của thức bánh khảo cố hữu, như một cuống rốn nối liền những người con xa xứ về hướng đất mẹ.

Chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng quê mới, ngoài hồi ức qua những câu chuyện bên bếp lửa bập bùng của những người già trong làng, chưa bao giờ được hưởng trọn một ngày tết thực sự của cố hương. Nhưng với chúng tôi, từ cái tết khi thơ bé cho đến cái tết của những đứa trẻ đã trưởng thành, đều có vị bánh khảo. Chúng tôi đều hiểu một điều: vị bánh khảo chính là vị tết quê hương.

Tết năm nào cũng vậy, cứ độ 20 tháng Chạp, khi cành mai bên góc nhà bắt đầu hé nụ chờ xuân là mẹ lại rục rịch chuẩn bị làm bánh khảo đón tết. Khi đó, nếu nhà chưa có sẵn loại nếp dẻo thơm nhất (thứ nguyên liệu chính làm bánh khảo), mẹ sẽ đi loanh quanh mấy nhà hàng xóm đổi ít nếp ngon, đem về đãi sạch, ngâm nước vài canh giờ cho gạo nở.

Đêm đến, trên chiếc chảo gang to oạch có tuổi đời hơn cả tuổi tôi mà mẹ vẫn đùa là “của hồi môn” mang từ ngoài quê vào, mẹ cần mẫn đong từng lon gạo nếp no tròn mây mẩy, rang ngả vàng giòn rụm. Mẹ vẫn hay nhắc, rang gạo làm bánh khảo là phải rang vàng đều, chín tới độ thì bánh làm ra mới thơm ngon, gạo rang bị cháy vàng thì bột sẽ bị đen và mất đi mùi vị của bánh. Cũng phải mất cả vài tiếng đồng hồ, đến khi gò má mấy đứa nhỏ đã đỏ lựng vì ngồi lâu bên bếp lửa hồng hóng hớt, mẹ mới rang xong cả vài chục lon gạo nếp thơm lừng rồi gói lại cẩn thận trong chiếc bao ni lông to, chờ ít hôm đem xay bột. Vẫn nhớ khi ấy, mấy tụi nhỏ ở nhà chơi, thể nào cũng lén bốc lấy vài nắm nhai rồm rộp, không quên cột lại bao cẩn thận để gạo không bị ỉu và không để mẹ phát giác.

Đợi mấy ngày tranh thủ dặm xong đám ruộng xa nhà, mẹ lạch cạch đạp xe chở đùm gạo nếp rang đi xay thành thứ bột trắng mịn, thơm nức, bột càng mịn bánh càng ngon. Kì công và “dài hơi” nhất vẫn là công đoạn phơi bột. Mùa bánh nào cũng vậy, trên mấy chiếc nia tròn tròn, mẹ lót mấy lớp giấy hoặc ni lông rồi trải lớp bột mỏng đều phơi trên mái nhà hứng sương đêm. Thức bánh này, muốn ngon và đẹp mắt phải “uống” đủ cả chục đêm sương, đến khi bột hút đủ ẩm, ỉu ra là có thể đem đóng khuôn bánh.

Mấy ngày cận kề tết, khi bố cùng mấy chú, mấy bác bắt đầu đốn củi chuẩn bị cho nồi bánh chưng, bánh tét, rồi bàn qua tán lại chuyện nhà nào đụng chung heo, chuẩn bị mấy con gà, khi những đứa nhỏ bắt đầu khoe nhau bộ quần áo mới tinh mới được người lớn sắm chuẩn bị đi chơi tết… là mẹ cũng bắt tay vào làm bánh khảo.

Bên góc nhà khuất gió, những mẻ bột đã phơi đủ sương, đủ ẩm được mẹ trộn đều với đường, rắc thêm vài ba giọt dầu chuối để bánh thơm hơn, sau đó, nhào đều tay và liên tục cho đến khi bột kết dính lại với nhau. Muốn biết bột đã đủ độ kết dính chưa, chỉ cần nắm bột đập vào mâm, nếu bột không bị vỡ là đã có thể bỏ vào khuôn đóng làm bánh.

Công đoạn cuối cùng này, bọn trẻ chúng tôi vẫn thích nhất nên đứa nào đứa nấy đều thuộc làu làu như bảng chữ cái. Đầu tiên là rải một lớp bột thơm mềm vào trong chiếc khuôn bánh khảo vuông vức được ghép bởi bốn mảnh gỗ phẳng, sau đó, rắc đều lên một lớp nhân, có thể là mè hoặc lạc rang trộn sẵn đường, và cuối cùng là rải thêm một lớp bột vừa tầm và nén chặt bằng một miếng gỗ trơn phẳng để bánh sau khi thành phẩm không bị vỡ vụn. Sau cùng là, dùng dao cắt bánh ra từng miếng hình chữ nhật và gói lại trong những tờ giấy đủ sắc xanh, đỏ, tím vàng, vô cùng bắt mắt. Công đoạn này, tụi nhỏ loai choai chúng tôi có cơ hội chen vào thử tay nghề khéo léo. Có đứa tập tễnh gói méo xiên méo xẹo, ấy vậy mà, mẹ vẫn tấm tắc khen rồi thưởng cho mỗi đứa một cái bánh vừa thành phẩm làm quà động viên.

Đêm ba mươi tết, bên cặp bánh chưng xanh hãy còn nóng hổi, con gà luộc vàng ươm đặt cạnh mâm ngũ quả tươi rói là từng chồng bánh khảo đủ màu sắc sặc sỡ được xếp ngay ngắn đối xứng hai bên trên bàn thờ gia tiên, như lòng thành kính của cháu con hướng về tổ tiên, nguồn cội. Những ngày tết, người người, nhà nhà trong làng Đăk Xuân và cả khách thập phương đi thăm hỏi, chúc tết nhau. Câu chuyện đầu năm trở nên càng thân tình, ấm cúng khi nhấp ngụm trà nóng thưởng thức cùng phong bánh khảo mát thanh, ngọt lành.

Bánh khảo ngày tết, chẳng còn là một thức bánh kẹo được dân làng chúng tôi dâng lên ông bà tổ tiên và đãi khách mỗi dịp tết đến xuân về, mà tự bao đời đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Nùng, qua bao năm tháng xoay vần vẫn không bao giờ bị mai một. Và, chẳng riêng gì mấy ngày mồng tết, vị bánh khảo cùng với cúc, mai, đào, dâng trọn hương, trọn vị cho cả những mùa xuân.

Chung Loan

   

Các tin khác

  • Nhớ lắm Kon Tum
  • Nơi yêu thương khởi nguồn
  • Những chuyến đi nối dài bao thương nhớ
  • Chút tâm tình tháng Sáu
  • Tháng Sáu trong tôi
  • Kết nối những yêu thương
  • Người ta là hoa của đất
  • Chập chờn tháng Sáu
  • Gió nước Ia Chim
  • Mãi mãi một tình yêu
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • THƯ TÒA SOẠN
  • Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • THƯ CẢM ƠN
  • Thông báo về việc hợp nhất các ấn phẩm báo in, báo điện tử; chương trình phát thanh, truyền hình của Báo Quảng Ngãi và Trung tâm Truyền thông tỉnh Kon Tum
  • Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập
  • Vững niềm tin, xây khát vọng
  • Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh
  • Hợp nhất để đi xa hơn, bền vững hơn

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • Kon Tum: Sự hào sảng của đất và nét hiền hòa của người
  • Chùm ảnh: Đồi chè ở vùng Đông Trường Sơn
  • Điểm tựa yêu thương

Đất & Người Kon Tum

  • Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở thôn Kon Hia 1
  • Chiều tối thứ Sáu hằng tuần, sân nhà ông A Bi ở thôn Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) lại vang lên tiếng cồng chiêng rộn ràng. Đó là lớp học dành cho các em nhỏ trong thôn do ông A Bi mở và duy trì đều đặn suốt nhiều mùa hè để truyền dạy những nhịp chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ niềm đam mê thuở nhỏ, ông A Bi trở thành người thắp lên tình yêu cồng chiêng cho thế hệ sau, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 258A Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by