Bánh chưng đón Tết
Miếng bánh chưng vừa chạm vào đầu lưỡi, hương vị dẻo thơm của nếp, của đậu xanh, của thịt ba chỉ, của lá chuối đã như hòa trộn, lan tỏa, đánh thức mọi giác quan. Và chỉ trong phút chốc, một hương vị khác vô cùng kỳ diệu cũng bỗng dâng lên ngập tràn - hương vị của những ngày trôi về phía cũ tỏa về, cái hương vị mà chỉ nhớ đến thôi tôi đã thấy chan chứa bao món nợ ân tình.
Tôi nợ cánh đồng kết tinh vị mặn mòi của đồng đất, của nước, của nắng mưa, của bao giọt mồ hôi thấm đẫm từ ngày còn là những hạt giống cho đến lúc xanh xanh mạ non, rồi đến ngày màu vàng trĩu hạt. Nợ những buổi chiều trên cánh đồng lúa rợp hương mùi nếp mới, mùi thơm dìu dịu vấn vương được vun lên bởi những đôi tay chai sạn sần sùi, hết cuốc xới đất, lại đến gieo hạt, bắt sâu, thu hái. Nợ những giấc mơ trên cánh đồng với bao nhọc nhằn bám vào vai áo mẹ, bám vào lưng cha trong những mùa lúa dằng dặc tháng ngày. Tôi nợ cả những lần hăm hở, chen chúc trên chuyến xe ken đặc người và hàng hóa chỉ mong sớm được về ngôi nhà ngập tràn mùi bếp, ngập tràn hương thơm nồng của nếp, vị thanh thanh của đậu xanh, ngầy ngậy của thịt ba chỉ và ngai ngái của mùi lá chuối những ngày cuối tháng Chạp như thế.
Năm xưa, cứ độ này, tôi lại thấy mẹ tất bật sắm sắm, mua mua, tất bật để dành đến Tết. Mẹ bảo, ngày tết có thể thiếu thứ nọ thứ kia nhưng gì thì gì phải có món bánh chưng, bánh tét. Vậy mới đậm đà không khí tết, mới hân hoan no ấm cả năm. Phải, ngày chưa xưa lắm ấy, cuộc sống khó khăn, đồng quà tấm bánh hiếm hoi, có chiếc bánh chưng, bánh tét là ngon nhất đời, là một thứ gì đó cao lương mĩ vị lắm phải ngóng chờ đến Tết mới được dịp tận hưởng. Cao lương mĩ vị đến độ mà ngày còn thơ bé, tôi cứ nghĩ phải đến Tết mới có bánh chưng, bánh tét và cũng chỉ ở quê mình mới có bánh chưng, bánh tét. Lớn lên rồi, chân trời rộng mở, mới biết dọc khắp dải đất hình chữ S thân yêu, những ngày cuối tháng Chạp, trong gian bếp ấm nồng, bao đứa trẻ cũng háu ăn như tôi quây quần bên mẹ háo hức đón chờ từng chiếc bánh chưng, bánh tét. Mùi bánh mới vớt ra thơm lừng quyện trong khói bếp, tỏa hơi ấm nóng khắp không gian đã trở thành hương, thành vị, thành thanh âm báo hiệu Tết đã về.
|
Tôi nhớ năm nào cũng vậy, thu hoạch vụ mùa cũng là lúc Tết thấp thoáng về ở đầu làng. Lúc này, trên những thửa ruộng, mặt nước xâm xấp gốc cây, lá cây lúa nếp dần chuyển sang màu vàng úa, còn những bông lúa chín vàng uốn cong mình như nghiêng soi trên mặt nước. Xóm làng bao phủ trong sắc xanh cỏ cây non mơn mởn, trong những cơn gió bấc thổi mang theo hương lúa chín từ ngoài cánh đồng về. Các mẹ trong câu chuyện mỗi chiều í ới thăm hỏi nhau, thể nào cũng là lúa nếp năm nay đẹp quá. Giống lúa nếp mới này sau vụ trồng thí điểm đã sang gieo trồng đại trà, hạt nào hạt nấy vàng óng ả, xay xát thử nấu nồi cơm nếp rồi, vừa dẻo vừa thơm đáo để, để dành đến Tết gói bánh chưng thì ngon khỏi phải bàn.
Vụ mùa năm nào, cha mẹ cũng đều dành một đám ruộng nhỏ cấy lúa nếp. Mẹ bảo, là của để dành chờ Tết làm bánh chưng, bánh tét, trước thắp nén nhang dâng lên ông bà tổ tiên, sau nữa con cháu hưởng lộc. Của để dành chờ Tết – chờ cả mấy tháng trời từ làm đất, từ gieo hạt đến bắt sâu, dẫn nước, thu hoạch nên chiếc bánh chưng luôn thấm đẫm hương vị ngòn ngọt của đất đai, đồng ruộng, vị mặn mòi mồ hôi của đôi bàn tay cha tảo tần cày cấy, của đôi bàn tay mẹ khéo léo gói những yêu thương trong từng miếng bánh dẻo thơm.
Mà để dành đến Tết, mẹ tôi vẫn luôn để dành mọi thứ chờ đón Tết, càng về cuối năm càng để dành đón Tết. Cái gì mới nhất, đẹp nhất, tốt nhất đều để dành đến Tết. Từ đám rau cải mới gieo, từ mấy cây hoa lay ơn, thược dược, đến con gà, quả trứng, bộ ấm chén mới, chiếc bình bông mới, hay chiếc khăn trải bàn mới… cũng đều để dành đến Tết. Càng gian khó, càng để dành đến Tết. Càng để dành đến Tết lại càng chờ mong Tết. Mong ngày Tết tinh tươm, ngon ngọt, cả năm sẽ được hanh thông, đủ đầy. Mong ngày Tết để được xúng xính trong bộ quần áo đẹp, được ăn miếng bánh chưng, bánh tét kèm thêm miếng dưa hành ngày thường không có, được theo mẹ ra chợ ngắm bao nhiêu là thứ hàng bắt mắt, từ những bó lá chuối cuộn tròn gọn gàng, những hoa trái lạ mắt đến những bức tranh trang trí, những bộ áo quần rực rỡ sắc màu.
|
Đấy, mỗi lo cho nồi bánh chưng mà cha mẹ dành cả đám ruộng cấy lúa nếp, rồi đong đậu xanh từ sớm, dặn dò mấy chị em giữ gìn, không được bứt lá mấy cây chuối hột ở góc vườn. Nhìn cha tảo tần, nhìn mẹ nâng niu để dành bì gạo nếp, lon đậu xanh, mà tôi cảm giác bánh chưng, bánh tét như gọi xuân về, như nhịp cầu nối con cháu ngày hôm nay với tổ tiên, với những Lang Liêu của mấy nghìn năm trước.
Để dành mọi thứ từ sớm, cận tết, cả nhà sum vầy gói bánh. Có năm, mẹ chỉ gói bánh chưng, có năm mẹ làm thêm cả bánh tét. Bánh chưng để thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên nhìn vuông vắn đẹp mắt, bánh tét khi ăn tét thành lát mỏng gọn gàng. Dù bánh chưng hay bánh tét, lượng nếp mẹ đều giữ ổn định qua các năm. Nếp mẹ đã ngâm từ tối hôm trước, đãi sạch để vào thúng cho ráo. Đậu xanh hấp chín, ướp với tiêu, hành, ém thành từng miếng vuông cho chiếc bánh chưng và vo từng thỏi dài cho chiếc bánh tét. Thịt ba chỉ mẹ cũng ướp tiêu hành, muối, bột ngọt cẩn thận, cắt thành khoảnh dài cho bánh tét, thành miếng vuông cho chiếc bánh chưng. Bên thúng lá chuối mẹ đã xé sẵn, xếp xuôi ngược từng phần để khi gói cho nhanh, tôi và cậu em trai, mỗi đứa mỗi chiếc khăn nhúng ướt, đặt từng miếng lá chuối lên chiếc mâm tỉ mẩn lau sạch cả hai bên. Mọi việc đã xong, mẹ trải chiếc chiếu ra trước hiên nhà, sắp xếp mọi thứ lên, rồi thoăn xếp lá, bỏ nếp, nhân, rồi gói, rồi buộc.
Mấy mẹ con rộn rã bên hiên nhà, còn cha hết lấy chiếc nồi to dùng để nấu bánh kỳ cọ sạch sẽ úp để ráo, rồi kê mấy viên gạch làm kiềng đặt nồi, ôm đống củi khô bên góc vườn chất đều quanh bếp. Đống củi đó cha để dành cả mấy tháng rồi. Mỗi lần làm vườn, chặt cây, chặt cành, đào gốc cây, cha đều xếp gọn vào góc để dành nấu bánh chưng ngày tết.
Bánh gói xong, cha chất đều vào chiếc nồi to và bắt đầu nổi lửa. Cha mẹ còn lo toan bao việc, chị em tôi được phân công thay nhau canh lửa, để ý mực nước phải xâm xấp bánh, nước cạn thì châm thêm nước ấm cho chiếc bánh dẻo thơm, để được lâu. Trong chiếc nồi to đang đượm lửa sôi sùng sục, mùi lá chuối, mùi gạo nếp thơm đến tứa nước miếng. Bánh luộc xong, bao giờ chúng tôi cũng được thưởng thức trước. Đó là mấy chiếc bánh rò làm từ chút gạo nếp thừa, được mẹ cẩn thận buộc thêm sợi lạt cuộn tròn để khi nấu xong chị em tôi đeo chiếc bánh vào tay chạy khoe với chúng bạn khắp xóm, có bánh chưng rồi, Tết đã về rồi.
Sau bao nhiêu mùa tết, sau bao nhiêu mùa rộn ràng bên nồi bánh chưng, bánh tét, chúng tôi nên vóc, nên hình, lần lượt đi xa. Mỗi dịp tết về, lại nhớ về những xúm xít, sum vầy, mới thấy đôi khi phía sau những nồi bánh chưng, bánh tét, phía sau những nồi thịt đông, hũ dưa hành, mẻ gừng mứt rim không chỉ là nồi bánh chưng, bánh tét, là nồi thịt đông, hũ dưa hành, mẻ mứt gừng rim mà gói ghém trong đó cả trời thương nhớ.
Lắm lúc tôi tự hỏi, bánh chưng gợi nhớ Tết, hay Tết gợi nhớ bánh chưng? Cũng khó mà phân định rạch ròi. Chỉ biết rằng sự hòa hợp đó khiến cho bánh chưng, bánh tét dẫu ngày nay có quanh năm nhưng để cảm nhận được hết hương vị thơm ngon thì cứ phải chờ đến Tết. Cái hương vị mà chỉ mới nhớ đến thôi đã chan chứa bao món nợ ân tình, đã thấy xuân đang về giữa những âm thanh tĩnh lặng của đất trời, giữa những bâng khuâng của lòng người và cũng vì thế mà chất chứa bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là nhớ thương.
Nguyên Phúc