Bâng khuâng cỏ đuôi chồn
Dưới ánh nắng vàng vọt, những sắc tím, sắc hồng của cỏ đuôi chồn lung linh, nhẹ nhàng, xào xạc, đẹp đến nao lòng. Bên những bờ cỏ đuôi chồn trải dài mênh mông theo nương rẫy là hàng trăm trò chơi chờ đón với tiếng cười rộn rã.
Gió hanh hao, trời se sắt lạnh. Lang thang trên các con đường, những đám cỏ đuôi chồn miên man ôm lấy từng bước chân khiến lòng bâng khuâng đến lạ. Chầm chậm nhìn đồng cỏ tạo thành lớp sóng chạy dài dưới cơn gió, cả miền ký ức thuở thơ bé trong veo như một thước phim quay ngược ùa về.
Cỏ đuôi chồn kỳ lạ lắm, không như những loài hoa khác, khi trời sang đông, gió hanh hao, loài cỏ dại này mới nở rộ, ra bông. Dù ở bãi đất cằn cỗi hay bãi đá khô thiếu sức sống, cỏ đuôi chồn vẫn vươn lên, mọc san sát nhau, trải dài theo nương rẫy. Những bông cỏ chuyển từ hồng tím sang ngả vàng tiếp tục theo làn gió, bay khắp nơi, sinh sôi, nảy nở. Có lẽ vì sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ ấy mà với người nông dân, cỏ đuôi chồn luôn là “kẻ thù”, thế nhưng, với những đứa trẻ được sinh ra từ bờ tre, gốc rạ, cỏ đuôi chồn là người bạn thân thiết, gắn với một bầu trời kỷ niệm.
Thuở ấy, đám trẻ chúng tôi thường chăn bò ở một thung lũng với bạt ngàn cỏ đuôi chồn. Dưới ánh nắng vàng vọt, những sắc tím, sắc hồng của cỏ đuôi chồn lung linh, nhẹ nhàng, xào xạc, đẹp đến nao lòng. Nhưng ngày ấy, có mấy ai để ý đến vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của loài cỏ này. Cả lũ trẻ thơ nhem nhuốc chỉ biết rằng, bên những bờ cỏ đuôi chồn trải dài mênh mông theo nương rẫy là hàng trăm trò chơi chờ đón với tiếng cười rộn rã.
|
Xế chiều, khi đàn bò thủng thẳng gặm cỏ, cũng là lúc đám mục đồng thi nhau làm và đua bò đuôi chồn. Mỗi đứa chọn những lá cỏ ưng ý nhất, ngắt bỏ hai đầu để dài tầm 7-10cm. Sau đó lại chọn hai bông cỏ đuôi chồn to, trông “khỏe nhất”, còn cuống dài, đâm khéo léo vào lá cỏ để làm 1 cặp bò. Làm bò, làm ách xong, mỗi đứa lại hái thân cỏ để làm roi điều khiển. Chuẩn bị hoàn tất, cả nhóm tìm chỗ đất bằng phẳng, kẻ vạch, lấy roi khéo léo đập lên những chú bò đuôi chồn. Cứ thế, cặp bò nào tới đích trước sẽ chiến thắng. Và chủ nhân của cặp bò đuôi chồn chiến thắng sẽ được “miễn” đi đuổi trâu, bò.
Trò này vừa chơi xong, cả đám lại rủ nhau hái cỏ đuôi chồn để làm những bó hoa, vòng nguyệt quế đội lên đầu người chiến thắng trong các trò chơi giải mã câu đố. Rồi lại ngắt cọng cỏ đuôi chồn được thắt hình tròn, hình trái tim để trang trí, làm rạp đám cưới, vào vai cô dâu, chú rể. Những bó hoa cỏ đuôi chồn mềm mại được chú rể trao cho cô dâu với ước mong về một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Sau những trò chơi, sau những trận đuổi bắt, trốn tìm, nằm dài trên cỏ, ngắm trời xanh qua những vòng câu; chiều tối trở về, bông cỏ bám đầy trên tóc, trên vai, bám vào cả những giấc mơ hồn nhiên thơ trẻ.
Có lẽ, chỉ có những đứa trẻ sinh ra từ làng mới yêu mến cỏ đuôi chồn đến vậy. Cũng đúng thôi, những bông cỏ đuôi chồn đâu chỉ có mặt trong các trò chơi, người bạn thân thiết ấy còn giúp lũ trẻ thơ gửi gắm tình yêu thương, thay lời muốn nói. Cứ đến dịp 20/11, những đứa trẻ nhem nhuốc lại ngượng ngùng giấu sau lưng những bông cỏ đuôi chồn, nhờ những bông hoa mộc mạc gởi đến thầy cô lòng kính yêu vô bờ. Hay những dịp lễ, cỏ đuôi chồn lại phất phơ trên những chiếc gùi, trong các tiết mục văn nghệ.
Thời gian trôi qua, những đứa trẻ đầu trần, chân đất năm xưa, trong đó có tôi cũng theo những cánh hoa rời xa khoảng đất trống, xa những triền cỏ để viết tiếp ước mơ. Ra phố thị, xe cộ tấp nập, đông vẫn về, gió vẫn hanh hao nhưng hiếm lắm mới thấy bóng dáng cỏ đuôi chồn. Xa nhà, xa quê, lắm lúc hoang hoải nhớ những bông hoa ký ức.
Nhiều năm trở về, những vạt cỏ đuôi chồn ít dần, nhường chỗ cho những đám cà phê, cao su bạt ngàn. Thỉnh thoảng, ta sẽ bắt gặp những vạt cỏ đuôi chồn bình dị ven đường. Ngắt lấy một bông, cuộn tròn, như thấy đang cùng lũ bạn ngây thơ ngày nào, hồn nhiên nắm tay nhau chơi đùa, trong veo, vô tư như hoa cỏ dại, chẳng lo toan, suy nghĩ giữa cuộc sống bộn bề…
Bình An