Bàn tay mẹ
Nhè nhẹ nắn bóp từ vai xuống dọc theo cánh tay, rồi đến bàn tay mẹ. Dường như mỗi ngày, mẹ lại gầy đi một chút. Sáng nay, trên mu bàn tay đã chằng chịt nổi gân, mấy ngón giữa còn có vẻ co quắp hơn, bởi từng cơn ho khàn khàn mệt nhọc. Trải bao vất vả, nhọc nhằn, bàn tay của tuổi 90 khiến các con nắm vào, cứ thấy nghèn nghẹn.
“Bàn tay mẹ/ bế chúng con/ Bàn tay mẹ/chăm chúng con. Cơm con ăn/ tay mẹ nấu/ Nước con uống/ tay mẹ đun...”.
Chị nhớ, chừng 10 tuổi, mỗi lời thơ cùng từng giai điệu nhẩn nha, tha thiết ấy đã thấm vào trong lòng. Lời thơ được cô giáo nắn nót chép lên bảng đen bằng nét phấn hồng nổi bật. Rồi cô ân cần tập cho cả lớp từng câu hát một. Thế là, sau những giờ sinh hoạt cuối buổi, trong gian lớp mái tranh thấp cũ, từng lời ca nhẹ nhàng, bay bổng cứ rộn rã ngân lên. Món quà bé nhỏ, đơn sơ này, đứa nào cũng hớn hở, tung tăng mang về tặng mẹ.
“Trời nóng bức/ Gió từ tay mẹ/ Con ngủ ngon. Trời giá rét/ Cũng từ tay mẹ / Ủ ấm con.
Từng lời, từng lời... rành rọt và in sâu. Mộc mạc mà gần gũi, chân thành mà thiết tha, cứ như là những cái vuốt tóc, xoa đầu, cái ôm lưng, khoác vai... vỗ về của mẹ thương yêu dành cho từng đứa con bé bỏng.
Ai lớn lên rồi mà chẳng nhớ những ngày thơ?! Cảm ơn bao khúc hát và những lời thơ, dù cho dâu bể đến đâu vẫn cứ mãi vang ngân, để cho mỗi chúng ta luôn sống cùng kỷ niệm. Có những hồi ức dẫu không hề nhẹ nhàng và dễ chịu, cùng bao vất vả, nhọc nhằn mà mẹ một đời đã lặng lẽ hy sinh.
|
|
Ngày bé, dẫu luôn ở bên mẹ cận kề và được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, nhưng chẳng biết thế nào, mà trong tâm hồn non nớt của chị, vẫn luôn thích nhất là mỗi khi được mẹ dắt đi học. Nhà trong xóm nhỏ, trường ở ngoài làng. Thường thì mỗi buổi, bọn trẻ đều rủ nhau đi bộ đến lớp rồi lại trở về, qua một cánh đồng hẹp, trên con đường nhỏ vòng vèo. Thi thoảng rảnh rỗi, mẹ mới đưa mấy chị em đi học. Mẹ ở giữa, hai đứa hai bên, nắm chặt lấy tay. Mẹ lặng yên nghe con trẻ lao xao chuyện trường chuyện bạn, lâu lâu mới xen thêm, như nhắc nhở một lời.
Kỷ niệm về những ngày mẹ học “xóa mù” sau Cách mạng Tháng Tám thành công thì cũng từ hồi lớp một, lớp hai, cả mấy chị em trong nhà đều luôn ghi nhớ. Hồi ấy, chân lấm tay bùn nên ở vào cái tuổi của mẹ, thích lắm cũng chỉ vừa đọc ê a, vừa cố “quen mặt chữ”... Mẹ bảo: “Nhưng các con bây giờ thì đã khác rồi. Miền Bắc đang đi lên Chủ nghĩa xã hội, người người dốc sức dốc lòng vì tiền tuyến thân yêu”.
Cũng từ những ngày thơ bé, mỗi khi ôm chặt lấy mẹ, hít hà cái mùi mồ hôi ngái ngái, càng thấy thương hơn. Cầm bàn tay mẹ, chị còn nghĩ được rằng sao tay mẹ lại ngăm sạm và thô, chứ không trắng trẻo và mềm mại như tay của cô Nụ, bác Lan làm chung cơ quan của mẹ...Vốn cùng công việc nhà nước, nhưng mẹ hằng ngày luôn cặm cụi tăng gia, tất tả việc nhà. Bàn tay vỡ đất, tỉa trồng. Bàn tay chăn nuôi, chăm bón... Ở một góc vườn khu tập thể, mẹ tự mình làm chiếc chuồng nhỏ vững chãi để mỗi lần nuôi đến 2-3 con lợn. Mẹ bảo: “Để dành, mai này đất nước thống nhất, ba lại trở về, sẽ mua một chiếc xe đạp, chở các con đi...”.
“Bàn tay mẹ/ Bế chúng con/ Bàn tay mẹ/ chăm chúng con...”.
Chị khe khẽ hát thành tiếng. Mẹ móm mém: “Hay nhỉ!..”. “Cả ông viết nhạc và ông làm thơ, ai cũng rất hay, mẹ ạ!...” - Chị vừa bóp tay cho mẹ, vừa cười.
Các con lớn lên từng ngày, càng cảm nhận rõ hơn khi bàn tay mẹ đâu chỉ bế bồng, ẵm nâng từ thuở nhỏ. Bàn tay gầy như thêm gân guốc, sạn chai, mỗi khi nhà gặp đổi thay, hay cuộc sống hằng ngày đứng trước từng lần thử thách.
Sau ngày giải phóng 1975, cha về đồng khổ cộng cam, chia sớt toan lo, song không hẳn nhờ thế mà mẹ đã bớt đi phần nào vất vả. Đất nước còn nghèo trong thời bao cấp khó khăn, khiến đôi tay mẹ đã chai tự năm nào, càng phải cứng cáp hơn với nhiều vết sạn.
Đồng cạn, ruộng sâu, rẫy xa, vườn vắng..., có đôi tay đưa đường, mẹ chẳng quản sớm hôm. Có lần, mải làm ngoài ruộng đã chiều, lội qua con suối vốn quen, thì trận mưa lâu chợt dồn thành nước lớn. Dò dẫm theo từng bước chân dưới lòng suối sâu thì bỗng “thụt” một cái. May sao, bàn tay thoắt kịp bám vào nhành cây ngang sà, nên mẹ thoát khỏi dòng nước đang hung.
Bàn tay cứng cáp, lo toan. Bàn tay dường như chẳng hay lúc nào sẽ cần ngơi nghỉ. Có những đêm mưa, mẹ ngồi tỷ mẩn đan áo, khâu khăn, trước khi gió lạnh kéo về. Từng mũi kim nhẫn nại chạm vào nhau, khiến đôi tay mẹ bỗng như mềm ra, cho lòng trở nên thư thái.
Lúc ngủ, mẹ thường nằm nghiêng, một cánh tay dọc bên hông, bàn tay lỏng nơi vòng bụng. Có lúc nắng trưa, cả mấy chị em lén chạy đi chơi, trèo cây hái ổi. Trở vào, chọn trái thật ngon, bỏ vào trong lòng bàn tay, mẹ không hay biết. Đến khi tỉnh dậy, chẳng nỡ rầy la một lời.
Bàn tay của tuổi 90, ngày một ngày qua, càng thêm gầy gò và thô ráp thế! Dẫu ngả bóng cuộc đời, mẹ vẫn ấm nồng mãi thuở thương yêu.
THANH NHƯ