Băn khoăn du lịch cộng đồng
Những năm qua, với nét hoang sơ, bình yên, làng cổ Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) trở thành điểm đến du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc phát triển du lịch cộng đồng nơi đây còn gặp phải nhiều khó khăn.
Là một trong những người đầu tiên làm du lịch cộng đồng tại làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc hiểu rõ những tiềm năng, lợi thế cũng những bất cập trong việc phát triển ngành nghề này.
Chị Ngọc cho biết, không giống với những nơi khác, Kon K’tu thu hút du khách bởi đặc trưng làng cổ hoang sơ; lợi thế dòng sông thơ mộng với những chiếc thuyền độc mộc nhẹ nhàng trôi; với điệu cồng chiêng dội vào vách núi ngân vang; bởi điệu múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển… Thế nhưng, thời gian trở lại đây, những tiềm năng về cảnh quan đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng.
|
“Việc khai thác cát dưới lòng sông khiến con sông bị lở, cuốn trôi cả những gốc cổ thụ trăm tuổi, làm mất cảnh quan thiên nhiên. Hơn thế, việc vứt rác bừa bãi khắp dòng sông gây mất mĩ quan, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển du lịch” – chị Ngọc chia sẻ.
Anh A Nun – Thôn trưởng Kon K’tu cho biết, hiện nay, tại đây có khoảng 15 hộ làm du lịch cộng đồng. Trong đó, khoảng 10 hộ đã làm, còn 5 hộ đang làm thủ tục đăng kí. Bên cạnh những lợi thế, người dân nơi đây cũng lo lắng về cảnh quan trên địa bàn.
“Cánh rừng bên dòng sông đang bị chặt phá, xâm hại nghiêm trọng. Nơi đây phát triển du lịch dựa vào rừng vào sông, vậy mà rừng bị chặt phá, để lại đồi trọc, chúng tôi rất lo” – anh Nun giãi bày.
Bên cạnh đó, những người làm du lịch nơi đây còn băn khoăn chính về việc xử lý rác thải trong làng. Theo lời bà con, hiện trong thôn chưa có bãi tập kết rác. Ngoài những hộ tự đào hố, xử lý rác, nhiều hộ vẫn còn vứt rác bừa bãi.
“Chúng tôi đã đề nghị, mong muốn hàng tuần có xe vào thu gom rác, bà con sẽ nộp tiền theo quy định. Ngôi làng bình yên nhưng nếu rác rưởi lung tung sẽ “mất điểm” trong lòng du khách” – anh Nun nói.
Ngoài ra, con đường vào Kon K’tu bị hư hại quá nghiêm trọng, gây khó khăn đến việc đưa khách vào du lịch. Theo lời người dân nơi đây, để đến được ngôi làng, du khách phải băng qua con đường bị hư hỏng với hố gà, hố voi sâu hoắm, đá lổm chổm. Ban ngày đường khó đi, ban đêm, rất dễ gây tai nạn.
Cùng với những yếu tố về thiên nhiên, đường sá, việc phát triển du lịch cộng đồng còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố về con người.
Chị Ngọc cho biết, khoảng 13 năm về trước, chị làm du lịch rất thuận lợi, bởi người dân rất mặn mà với văn hóa truyền thống của người Ba Na. Nay, những đội cồng chiêng, múa xoang phục vụ du khách rất khiên cưỡng.
“Đội cồng chiêng, múa xoang không phục vụ bằng cái tâm để giới thiệu nét đẹp văn hóa đến mọi người. Nếu nhiều tiền, họ biểu diễn lâu hơn, sâu sắc, bài bản; còn không, họ phục vụ lấy lệ, rất nhạt nhòa. Nếu cái đà này kéo dài, du khách sẽ không tìm đến đây” - chị Ngọc nói.
Bên cạnh đó, thuyền độc mộc cũng là một trong những vấn đề được quan tâm. Hiện tại, ở làng có khoảng 10 thuyền độc mộc với những người chèo lái rất kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều đáng nói, qua thời gian, số lượng thuyền bị hư hỏng rất nhiều.
“Thuyền độc mộc bị mục, thủng, gây nguy hiểm cho du khách khi đi trên sông. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện phát triển đội thuyền độc mộc cả về số lượng lẫn chất lượng để phát huy giá trị văn hóa cũng như đảm bảo an toàn cho du khách” – chị Ngọc nói.
Thực tế Kon K’tu có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng và việc làm du lịch trước mắt đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, để nơi đây trở thành điểm đến ấn tượng cho nhiều du khách, điều quan trọng, phải tháo gỡ những nút thắt, khó khăn. Nếu cứ phát triển làm mà không nghĩ đến thiên nhiên, môi trường; không tính đến chuyện đảm bảo an toàn cho du khách thì du lịch khó phát triển, và tiềm năng có thể lại bị… bỏ ngỏ.
Bình An