Ba tôi
Cả đời cơ cực, ba sống rất giản dị và tiết kiệm, những tính đó dần ngấm trong anh em tôi. Chưa bao giờ ba tự thưởng cho mình bữa ăn ngon ở ngoài, hay sắm cho mình một bộ đồ mới… tất cả dồn hết cho các con, chỉ mong các con khôn lớn, trưởng thành.
Tình cha ấm áp như vầng thái dương
Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn
Suốt đời vì con gian nan
Ân tình đậm sâu bao nhiêu
Cha hỡi cha già dấu yêu…
Mỗi lần đi đâu hay làm gì hễ nghe ca sĩ Ngọc Sơn hát bài “Tình Cha”, tôi phải nán lại nghe cho hết bài mới thôi. Lời bài hát thuộc nằm lòng, nhưng cảm xúc mỗi lần nghe mỗi khác luôn kéo tôi về với quá khứ tuổi thơ.
Ba tôi là người đàn ông của công việc, nhưng khi bước chân về tới nhà ba lại hóa thân thành "phụ nữ đảm đang”. Bao nhiêu năm “gà trống nuôi con” trông ba già hơn tuổi rất nhiều, người thì nhỏ con, lại quá gầy, gầy lắm, chưa bao giờ ba nặng lên được quá 50kg. Đơn giản thôi, vì ba tôi quá vất vả, chỉ với suất lương của mình mà phải gồng lên nuôi 5 miệng ăn, lại không có người vợ đồng hành.
Nhưng với tôi, ba thật vĩ đại! Ba luôn là thần tượng, từ bé tôi đã bám ba như đỉa, chưa rời ba nửa bước, ba đi đâu tôi cũng đòi đi. Cho đến lúc lấy chồng, người tôi chọn cũng dựa theo “bản sao” của ba.
Ba tôi sinh vào năm Nhâm Thân, mọi người thường bảo ai sinh vào tuổi Thân thì số thường vất vả lận đận, mà quả cũng đúng với ba tôi thật! Mới chín tuổi ba tôi đã mồ côi mẹ, ông nội lại đi bước nữa. Rồi ba thoát ly gia đình đi theo các chú hoạt động chống Pháp tại mặt trận Bắc Tây Nguyên đóng ở huyện Kon Plông. Năm 1955, tổ chức đưa ba tập kết ra Bắc học tập và công tác ở ngành Than Quảng Ninh. Nhờ vậy, ba mới có cơ hội “kết tóc se duyên” cùng với mẹ và hai người có với nhau bốn mặt con. Do lấy vợ muộn nên 36 tuổi ba mới có con đầu lòng.
Khi Bắc Nam sum họp một nhà, cũng là lúc tổ chức lại điều ba tôi nhận công tác mới tại tỉnh Gia Lai – Kon Tum cũ. Là một người lính luôn trong tư thế sẵn sàng chấp hành mọi mệnh lệnh của tổ chức, ba tôi gói ghém chuẩn bị mọi việc đâu ra đó. Thế nhưng, đến lúc lên đường vào Nam, mẹ tôi lại đổi ý không chịu đi. Thuyết phục mãi không được, thế là ba tôi đành đứt ruột chia đôi con, hai đứa lớn theo ba, còn hai đứa nhỏ ở lại với mẹ.
Vì chăm sóc các con từ bé, không chịu nổi cảnh xa con, nên sau khi sắp xếp ổn thỏa công việc trong Nam, ba tôi quay lại miền Bắc thăm các con và thuyết phục mẹ tôi thêm lần nữa, nhưng vẫn không thành. Thương con, nhìn thấy cảnh hai đứa còn quá nhỏ, lại thường xuyên ốm đau, ba lấy lý do công việc của mẹ quá bận rộn (vì mẹ tôi làm cấp dưỡng đi từ mờ sáng đến tối mịt mới về) nên không thể chăm sóc các con chu đáo được, vì vậy mà ba quyết định dẫn cả 2 con nhỏ vào Nam. Và cũng từ đó ba tôi một nách nuôi bốn anh em tôi cho đến khi trưởng thành.
Tới giờ khi có gia đình rồi tôi cũng không thể nào hiểu nổi, ba tôi cũng chỉ là người phàm, không phải thần thánh gì, mà sao ba sắp xếp mọi việc tài tình đến thế? Tôi chỉ là nhân viên, làm việc trong giờ hành chính, nhưng bên cạnh còn có chồng cùng chăm sóc các con, không phải đi trực hay đi công tác xa, vậy mà đôi lúc cảm thấy áp lực bởi công việc. Trong khi ba vừa làm lãnh đạo Nhà máy Sứ, quản lý hơn tám trăm con người, vừa phải đi công tác, đi trực, vừa phải chăm sóc bốn đứa con còn nhỏ, lại không có vợ bên cạnh. Câu hỏi này đến giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời.
Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, tôi không khỏi rùng mình, vào năm 1980, khu vực gần Nhà máy Sứ, Ful Rô về trà trộn trong dân làng. Vì vậy mà tối nào cơm nước xong cho các con, ba tôi cũng đến cơ quan để trực, trước khi đi động tác đầu tiên là ba dắt khẩu súng ngắn vào trong người. Khi đó tôi mới học lớp 3, tôi còn rất nhỏ nhưng cũng hiểu được sự nguy hiểm sẽ đến với ba bất cứ lúc nào, vì thế mà lần nào ba trực, tôi cũng đòi theo, nhưng ba nhất quyết không cho, còn trấn an bảo không ai dám động tới ba đâu. Ba đạp xe đi rồi, tôi ở nhà lo lắm, lo rằng người ta mà giết ba mất, mà ba có chuyện gì thì không biết anh em tôi sẽ ra sao? Ai nuôi mấy anh em tôi?
Hay những năm tám mươi, mọi thứ đều thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc, chỉ cần đáp ứng “cơm ăn, áo mặc” thôi đã hạnh phúc lắm rồi. Thời đó nhà nào cũng phải ăn độn mì và khoai lang hơn một nửa, cả năm chỉ được ăn thịt, cá vào ngày lễ tết. Quần áo thì may bằng vải tám, sang lắm là vải nỉ, một năm mới được một bộ vì thế mà anh em tôi rất thích tết, mong tới tết để được ăn ngon và được mặt đẹp. Ba tôi thì ngược lại, càng tới tết trông ba càng lo lắng và tất bật hơn, chưa có tết nào ba mặc được bộ đồ mới, lúc nào đi làm cũng chỉ đúng một bộ đồ đã sờn cũ.
Cứ mỗi lần hồi tưởng lại chuyện quá khứ là tôi không thể nào quên hình ảnh ba tôi bị ốm phải vào viện điều trị. Khi khỏi bệnh, nhưng do sức khỏe còn yếu người ta chuyển ba tôi vào Viện Điều dưỡng bắt phải ở nội trú. Nhưng ba tôi không yên tâm về các con còn nhỏ ở nhà một mình, vì vậy mà chiều tối ba tôi xin về nhà, sáng hôm sau lại đạp xe đến. Mà mỗi chiều về là ba giấu các cô điều dưỡng mang về một túm đồ ăn nào thịt, nào trứng, nào đồ xào… cho anh em tôi. Hóa ra là ba tôi không dám ăn nhường lại gần hết phần ăn của mình cho các con, đó là lý do mà hết một tháng nằm điều dưỡng mà ba không lên được lạng nào.
Gà trống nuôi con, ba vừa đóng vai trò người cha và cũng kiêm luôn vai trò người mẹ, dạy con từ những việc nhỏ nhất cho đến việc lớn, từ cách đi đứng, ăn nói, ứng xử với mọi người… Ba còn động viên khuyến khích con gái nên học thêm nữ công gia chánh để sau này có gia đình mà còn vận dụng.
Cả đời cơ cực, ba sống rất giản dị và tiết kiệm, những tính đó dần ngấm trong anh em tôi. Chưa bao giờ ba tự thưởng cho mình bữa ăn ngon ở ngoài, hay sắm cho mình một bộ đồ mới… tất cả dồn hết cho các con, chỉ mong các con khôn lớn, trưởng thành.
Tới khi ba dựng vợ, gả chồng xong cho các con, tôi thấy ba cười rất mãn nguyện. Tôi cứ nghĩ từ nay chắc ba sẽ không còn vất vả nữa, nhưng không, ba tôi lại chuyển sang trông cháu để cho các con yên tâm đi làm. Suốt cả cuộc đời chữ “cho” luôn vận vào thân ba, chưa bao giờ đòi hỏi ở các con điều gì, con cái đi đâu về biếu những món ngon, vật lạ cũng không dám ăn, để dành rồi mang đến cho những đứa con, đứa cháu khác.
Rồi buổi chiều cuối tháng Tư định mệnh không mong đợi ập đến, thời tiết đột nhiên nóng khủng khiếp, không may ngày đó lại mất điện, người già như ba tôi không sao chịu nổi nên đã đột quỵ. Khi đưa ba vào viện cấp cứu, con cháu ai cũng lo, cũng sợ ba không qua khỏi. Mạnh ai nấy khấn cầu mong ba tỉnh lại. Rồi như hiểu được tấm lòng của anh em tôi nên ba đã tỉnh lại, nhưng không còn minh mẫn như trước nữa mà lúc nhớ, lúc quên.
Trong thời gian ba nằm viện, khi sắp xếp lại các vật dụng của ba, tình cờ tôi thấy cuốn sổ nho nhỏ màu xanh. Tò mò tôi giở ra đọc, đó chính là cuốn nhật ký ba viết về các con.
Đọc cuốn nhật ký, tôi thêm hiểu về ba, đối lập với vẻ ngoài cứng rắn, cương quyết là sâu thẳm bên trong trái tim chất chứa dạt dào tình cảm. Lật dở những trang đầu ba viết rất chi tiết từng giờ, từng phút, ngày tháng năm sinh của tất cả các con, và mốc thời gian các con khôn lớn trưởng thành. Khi đọc đến trang viết về tôi, tôi không sao ngăn được dòng nước mắt tuôn trào làm nhòe ướt những dòng chữ vốn dĩ rất ngay ngắn và cứng cáp của ba. Đọc đến đoạn: “ngày... tháng... năm... Con gái thương của Ba lên đường vào Thành phố để thi, khi đưa con ra xe mà ba không dám chờ xe chuyển bánh vì ba sợ nhất phải chứng kiến cảnh xa con. Về nhà Ba cứ bần thần cả ngày, bởi từ bé đến nay Ba có phải xa con gái ngày nào đâu. Ngay đêm nay Ba không chợp mắt được vì cứ nghĩ về hình ảnh của đứa con cưng của Ba một mình nơi đất khách quê người, chưa bao giờ dám đi đâu xa, có biết tự lo được cho bản thân không? Ba lo lắm...”
Chưa đọc xong hết phần viết về tôi thì tiếng chuông điện thoại trong túi reo lên, đầu dây bên kia, anh Hai gọi bảo tôi vào gấp, ba đã tỉnh lại và gọi tên tôi. Vội vội, vàng vàng xếp cuốn nhật ký vào chỗ cũ, tôi phóng xe chạy thật nhanh vào với ba. Nhìn thấy ba tỉnh lại, mừng quá tôi ôm chầm lấy ba và khóc như một đứa trẻ. Trong tiếng nấc nghẹn tôi chỉ nói được “Ba ơi! Từ nay con hứa sẽ quan tâm và chăm sóc ba nhiều hơn, không để chuyện này xảy ra với Ba nữa đâu!”. Tôi thấy bàn tay ba tìm nắm lấy tay tôi bóp nhẹ, đôi mắt ba từ từ mở, nhìn tôi thật trìu mến!
Vào tháng Tư này cũng vừa tròn tám năm ba tôi ngã bệnh, cảm giác có lỗi với ba dường như đã vơi đi phần nào, vì tôi đã và đang làm được điều mình hứa với ba!
P.H