Bà Hai
Tôi kiếm bà Hai – như kiếm tìm một phần của ký ức. Bà Hai – ngày trước, ở cùng xóm trọ. Ngày ấy, chúng tôi trọ học lớp 10, còn bà, người xa xứ, tìm về Kon Tum buôn bán với ước vọng có một tương lai tươi sáng hơn.
Hồi đó, xóm trọ chỉ toàn là học sinh, sinh viên. Chỉ có bà Hai là lớn tuổi. Bà từ tỉnh Bình Định lên ở trọ bán khoai lang nướng, ốc ở gần bùng binh Duy Tân. Bà Hai lớn tuổi nhưng lại có hai đứa con nhỏ nên vất vả.
Tôi nhớ như in, bà Hai về, xóm trọ có sự thay đổi lớn. Một phần, vì sự ồn ào, náo nhiệt của 2 đứa trẻ con; một phần vì công việc của bà cứ lạch cạch chà rửa, nấu nướng cả ngày. Ban đầu chưa quen, lũ học trò chúng tôi thấy khó chịu. Nhưng dần, ai nấy đều thương sự tảo tần, vất vả ấy. Thời gian rảnh, được bà nhờ việc, bọn tôi vui vẻ phụ một tay để bà kịp giờ đi bán.
Để con ở nhà không yên tâm, bà phải chở con theo ra vừa bán, vừa trông ngó. Nhiều lúc, nhìn thấy bà trở về, đứa bé ngủ gật trên chiếc xe cà tàng với đủ thứ bao bì, xoong nồi, chúng tôi lại lau nước mắt.
Thấy con cái khổ cực, mấy bận về quê, bà lại gửi con ở dưới quê cho người thân để các con được học hành và bà cũng yên tâm với công việc. Nhiều lúc, đêm khuya, bà khóc rưng rức vì nhớ, vì thương con. Nhưng cuộc sống, biết sao được, bà phải lao động mà bọn trẻ cần được đến trường.
|
Tảo tần nhưng bà luôn lạc quan. Ba mẹ ở xa, chính bà dạy cho chúng tôi cách cư xử, những cách đề phòng với kẻ xấu. Bà cũng dạy chúng tôi cách bán mớ rau, quả chuối để có thêm tiền ăn. Bà bênh chúng tôi khi bị chủ trọ trách mắng vô cớ. Bà cũng đuổi đám côn đồ mấy lần đòi phá cổng nhà trọ.
Làm cả năm cũng chỉ để có một cái Tết sum vầy cùng gia đình nên bà Hai trông chờ Tết như những đứa trẻ. Những ngày giáp Tết, thấy bà Hai là thấy rộn ràng. Bà mua sắm nhiều lắm. Toàn là những thứ lặt vặt. Bà sắm một mớ me về ngâm để làm nước me. Bà mua gừng về làm mứt gừng; mua bột về đổ bánh thuẫn và các loại bánh khác.
Ban ngày, quần quật với công việc, song bà vẫn dành quỹ thời gian để làm bánh. Ngồi học bài, mùi bánh, mùi mứt cứ thơm lừng, khiến lũ học sinh nghèo chúng tôi khó kìm lòng. Thế rồi, chẳng đợi phải tìm sang, bà mang bánh, mứt bảo chúng tôi ăn thử xem vừa vị chưa. Chỉ đợi có thế, chúng tôi ăn ngấu nghiến rồi khen ngon. Nhìn thấy bộ dạng ăn của chúng tôi, bà cười hiền: “Mua thì nhanh nhưng không ngon, không chất lượng như mình làm đâu. Bà làm mang về quê. Mấy đứa nhỏ ở quê, thích mấy món này lắm”.
Bà có mấy bộ đồ thun mặc đi mặc lại, nhưng gần Tết, bà sắm cả chục bộ cho các con. Nào là đồ bộ, quần jean, áo khoác, mũ, giày dép đủ cả. Bà khoe khắp xóm trọ rồi ôm đống đồ vào người, cười vang. Bà còn chuẩn bị cả sấp bao bì lì xì, cẩn thận bỏ sẵn vào từng phong bao mấy tờ 2.000, 5.000 mới tinh. Chuẩn bị xong xuôi, bà lại lôi cái bóp cũ sần sùi, đếm lại tiền hàng. Là những tờ tiền cũ kỹ đẫm mồ hôi, sương gió. Xong việc, bà ăn vội chén cơm chan canh đã nguội lạnh rồi đi ngủ với niềm vui sắp được trở về nhà.
Dù dịp Tết việc bán buôn nhanh hơn, nhưng năm nào cũng vậy, bà đều về trước ngày 23 tháng Chạp. Bà nói, làm quần quật cả năm, Tết đến, phải về nhà để đưa rước ông Táo rồi lo việc ở nhà. Trước khi về, bà chẳng quên cho xóm trọ một ít bánh, kẹo tự tay mình làm.
Thế rồi, từ sáng sớm, bà lên xe với lỉnh kỉnh đồ đạc. Khỏi phải nói, bà vui mừng thế nào. Chúng tôi, lũ trò nghèo chẳng có gì ngoài câu chúc bình an, mạnh khỏe và hứa sẽ trông nom căn phòng, chiếc xe đạp cà tàng của bà thật cẩn thận. Chỉ có thế, bà đã hào phóng lì xì mỗi đứa 1.000 đồng để có thêm động lực học tập.
Bẵng một thời gian, ra trường, đi học xa, chúng tôi chẳng còn liên lạc với bà Hai. Một hôm, ngang qua dãy trọ cũ, ngang qua khúc đường bà Hai hay bán, nhìn thấy bà, chúng tôi mừng rơn, trò chuyện tíu tít, dù bà chẳng nhớ rõ tôi tên gì, trọ học ở đây năm nào. Cũng đúng thôi, bởi bà nặng gánh, ở trọ, gặp biết bao nhiêu người, đâu thể nào nhớ hết được.
Giáp Tết, đường xá nhộn nhịp người qua lại. Hai bên vỉa hè, mùi khoai lang nướng, bắp nướng thơm lừng. Dừng xe, nhìn quanh, không thấy bà Hai đâu. Thấy chúng tôi tìm kiếm, một người phụ nữ liền bảo, bà Hai nghỉ bán, về quê lâu rồi.
Nghe tin, cũng mừng cho bà Hai. Tảo tần sương gió, rồi bà Hai cũng có thể yên tâm kiếm sống gần nhà, gần các con. Cũng mừng hơn, khi biết hai đứa con được học hành đàng hoàng, giờ đã có việc làm.
Nổ máy, chạy xe trở về nhà, trong đầu chợt nghĩ, chắc giờ này bà đang cặm cụi đổ bánh thuẫn, làm kẹo, mứt rồi trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Không gặp bà để mừng tuổi, chúc sức khỏe, thầm mong bà mạnh khỏe, cuộc sống tràn ngập niềm vui.
Bình An