Áo nay
Chỉ mai mốt thôi, thằng cháu lớn thêm, chiếc áo bây giờ sẽ thành chật chội. Bà sẽ lại dệt nên một tấm vải khác, may thành chiếc áo vừa hơn… Những chiếc áo mới vẫn lần lượt ra đời, cho nghề dệt không bao giờ mai một.
Sáng nay có đoàn khách từ xa tới, bà dậy sớm, sắp đặt công việc. Ít măng tươi, mớ lá mì, cây chuối non, mấy con gà rẫy… chờ để nấu nướng. Xong phần chuẩn bị, bà mới đánh thức thằng cháu, rồi nhẩn nha lấy từ chiếc gùi cũ có nắp đậy những bộ áo, váy thổ cẩm dành cho từng thành viên trong gia đình.
Bà choàng tay, khoác vào người thằng cháu chiếc áo nền đen sọc vàng, đỏ, xanh hãy còn thơm mùi sợi. Chiếc áo mới mấy hôm trước bà còn miệt mài ngồi dệt từng hàng ngang sọc dọc, rồi kết tay, may lại. Sợi dệt được bà cất công se tay, nhuộm màu, đơn giản mà kỳ công. Lá rừng, củ rừng không còn sẵn nữa, chịu khó đi xa mới có thể tìm về.
Chiếc áo đơn sơ thằng cháu mặc lên người khiến bà ngẩn người, say sưa nhìn ngắm. Năm nay ngoài 60, bà trải qua hơn 40 năm làm bạn với khung cửi. Ngày trước, con gái Ba Na mà không siêng dệt vải, con trai đâu muốn ngó nhìn. Con gái say sưa ở bên khung cửi thì ông bà, mẹ cha thêm mừng vui. Từ mẹ, cha, cho đến ông bà, và cả chồng con…, không ai không sẵn trong gùi, trong rương đôi bộ váy áo, khố khăn, tấm dồ thổ cẩm… Bây giờ không như ngày xưa, nhưng mỗi năm, trong làng cũng còn bao nhiêu ngày hội, ngày mừng… rất cần diện đẹp.
|
Riêng ở nhà bà, từ ngày nếp nhà sàn xinh xinh được chăm chút thành “homestay”, thì nhiều khách gần khách xa tìm đến tham quan, trải nghiệm… Bà ở hẳn nhà và chuyên tâm dệt. Thổ cẩm của người Ba Na cũng như sản phẩm dệt thủ công của các DTTS anh em vùng Bắc Tây Nguyên, hoa văn đẹp và không thiếu sắc màu.
Chiếc áo đơn sơ thằng cháu mặc hôm nay, là chiếc áo kiểu riêng cho đàn ông, sắc màu, cỡ nhỏ. Mặc vào vừa in, nó nhoẻn miệng cười. Hôm nay, vẫn bài cồng chiêng đón khách mở đầu, nó thấy trong lòng lâng lâng vui sướng.
Đón khách hôm nay, ông bà, mẹ cha, các chú các cô, và luôn cả nó…; ai cũng diện áo, váy, khố, khăn may bằng thổ cẩm… Lại thêm bao nhiêu vị khách phương xa hào hứng khoác lên mình những chiếc áo, tấm dồ tươi tắn. Cả những cô nàng mới đến nơi đây, lân la ở bên khung cửi đơn sơ, những mong sẽ được hiểu thêm từ người “phiên dịch”.
Một vị khách cao niên cười vui, nói với bà rằng: người Ba Na quả là khéo léo, giỏi giang, từ thuở xa xưa đã cho ra đời thân thương thổ cẩm. Từ mẫu dệt giản đơn cho đến kỳ công đường nét hoa văn chỉ người đủ tay nghề cao mới tạo thành.
Chiếc áo trẻ con, sắc màu truyền thống. Bà chợt nghĩ ra, chỉ mai mốt thôi, thằng cháu lớn thêm, chiếc áo bây giờ sẽ thành chật chội. Bà sẽ lại dệt nên một tấm vải khác, may thành chiếc áo vừa hơn… Những chiếc áo mới vẫn lần lượt ra đời, cho nghề dệt không bao giờ mai một.
Bà vui vì chiếc áo thô, thằng cháu bây giờ đang mặc. Cậu con trai út đi làm ở xa, hôm rồi ghé về thăm nhà, cũng mang theo tấm thổ cẩm mới tinh, hãy còn thơm mùi sợi nhuộm.
Bà vui vì tấm áo nay vẫn được trân quý như xưa.
Thanh Như