An toàn thực phẩm Tết: Còn đó nỗi lo!
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm từ thực phẩm tươi sống đến các loại đồ khô, thực phẩm công nghiệp. Vì vậy, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” được đặt ra, khiến cơ quan chức năng và người tiêu dùng quan tâm, lo lắng.
Mỗi năm đến Tết, chị bạn tôi lại loay hoay với việc tìm mua các loại thực phẩm “sạch” từ thịt, cá, giò, chả đến bánh kẹo, rượu, bia, trái cây. Vì theo chị, cả năm có một mùa Tết, gia đình sum họp nên phải cố gắng để có những bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe, không thể để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng, đây lại vấn đề không đơn giản, việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, giá cả phù hợp là cả một bài toán khó với những bà nội trợ như chị.
An toàn thực phẩm mùa Tết là chuyện không mới và luôn được bàn luận, trở thành nỗi lo thường trực mỗi dịp Tết đến Xuân về. Bởi đây là khoảng thời gian thị trường sôi động nhất trong năm với hàng hóa đa dạng, phong phú, sức mua tăng cao. Cũng từ đây, một số đối tượng, cơ sở sản xuất, kinh doanh không chân chính vì lợi nhuận đã tìm cách đưa vào thị trường các loại thực phẩm “bẩn”, nhập lậu, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, thực phẩm có chứa các chất phụ gia không an toàn, quá hạn sử dụng để bán cho người tiêu dùng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm là giải pháp quan trọng hàng đầu để giảm nỗi lo của người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm.
|
Thực tế, trong năm 2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh ta từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện 516 cơ sở không đạt yêu cầu tiêu chuẩn và xử phạt hành chính 22 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu hủy nhiều mặt hàng vi phạm.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của “tảng băng ”, an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo đối với người dân.
Không lo sao được khi thời gian gần đây, tại nhiều nơi trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm. Trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn xuất hiện những thông tin về việc các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các vụ việc buôn bán thực phẩm bẩn, bánh kẹo giả; sử dụng các hóa chất, phụ gia độc hại đối với thực phẩm. Rồi nhiều vụ nông sản “bẩn” từ ngoài chợ được tuồn vào hệ thống siêu thị và gắn mác VietGap hay rau củ, trái cây Trung Quốc được “hô biến” thành hàng Việt diễn ra nhiều nơi trong cả nước.
Trong khi ở thị trường tỉnh ta, ngoài nguồn thực phẩm tại chỗ, một lượng lớn hàng hóa thực phẩm được nhập vào bằng nhiều con đường khác nhau để tiêu thụ với số lượng rất lớn, đa dạng về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thì cũng vô chừng. Đặc biệt, tại các chợ dân sinh - kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa phổ biến và nhiều nhất trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, một bộ phận người dân có xu hướng đặt mua các mặt hàng thực phẩm qua mạng Internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi không kiểm soát được thông tin về nguồn gốc, nguyên liệu đầu vào cũng như chất lượng sản phẩm.
Để người dân được đón Tết tươi vui, an toàn, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc, ngày 8/12/2022, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023.
Theo đó, từ ngày 15/12/2022-12/3/2023, Sở Y tế cùng các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung vào các nhóm thực phẩm tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Nguyên đán có nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng.
Tuy nhiên, dù cơ quan chức năng có kiểm tra, xử lý rốt ráo đến đâu, tuyên truyền, nhắc nhở cặn kẽ thế nào, nhưng nếu những người kinh doanh vẫn cố tình vi phạm, còn người tiêu vẫn “dễ dãi” trong tiêu thụ thực phẩm thì vấn đề an toàn thực phẩm vẫn đáng lo ngại. Do vậy , điều quan trọng là ý thức trách nhiệm của cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đối với sức khỏe cộng đồng.
Thiên Hương