Ấm áp và ngọt ngào
Rốt cuộc thì tôi cũng dứt ra được sự bịn rịn, níu kéo của mảnh đất ven sông này mà đi. Để lại sau lưng, giấu kín trong lòng, là ấm áp và ngọt ngào.
Nghĩ cũng lạ, cứ mỗi lần qua sông, rẽ vào con đường bê tông khúc khuỷu rợp bóng cây xanh là tôi có cảm giác được về nhà.
Cái cảm giác ấy khá lạ lùng. Bởi ở đây, tôi chẳng có mối quan hệ ruột rà nào, vì không sinh ra ở đây, không từ đây lớn lên, cũng không phải là nơi, như bạn bè hay chọc ghẹo, có mối tình nào đó.
Ấy vậy mà vẫn thương, vẫn gắn bó một cách kỳ lạ. Vẫn nghĩ ngôi làng hiền hòa bên sông kia là quê, là nhà mình.
Thật ra, dù cách không bao xa, chỉ mười mấy phút chạy xe là tới, nhưng cũng lâu lắc mới đến được. Phần vì cuộc sống vốn bộn bề lo toan, nhưng chủ yếu là công việc níu chân, níu tay, khó dứt ra được.
Nếu có ai đó hỏi cắc cớ rằng, cái rẻo đất ven sông ấy gieo thương, gieo nhớ vào lòng từ hồi nào, hẳn là tôi sẽ lắc đầu mà rằng “không biết nữa”. Chỉ biết, mỗi lần trở lại, được đi trên đường làng, được chào hỏi, cười nói với dân làng, tôi lại thấy niềm vui ngọt lành nhè nhẹ dâng lên.
Ờ, mà có lẽ từ cái thuở mới vào nghề, ngày tôi chân ướt chân ráo tìm vào làng với ý định viết gì đó về ngôi làng “nhiều tuổi” nhất nhì vùng này.
Hôm ấy, là lúc đất chuyển mùa. Gió phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, sông Đăk Bla bắt đầu nôn nả dâng nước.
Khi tôi đang lơ ngơ giữa những lối đi chằng chịt, chạy hun hút vào những mảnh vườn xanh, thì gặp bạn. Với chất giọng đặc ri "xứ nẫu”, bạn hỏi tôi có cần giúp gì không. Tôi mừng rơn, nói “có”. Thế là quen.
Hóa ra bạn đang chuẩn bị đi lưới cá, thấy tôi có vẻ lạ, giống như không biết đường nên hỏi thử. Mừng quá, tôi bám riết luôn. Đang mùa cá theo nước lên, con nào con nấy thịt chắc, ngon, tươi roi rói. Kho, nấu cháo, hay nấu canh, đều ngọt lừ, béo ngậy
Tối về, quần áo ướt mèm, bụng đói cồn cào, tôi được mẹ bạn chiêu đãi một tô cháo cá, dù chỉ nấu theo kiểu "quê kiểng" mà ngon nhớ đời. Bà ngồi bên hỏi “có lạnh không con”, rồi xuýt xoa: Tội nghiệp, ở phố không quen sông nước, khéo cảm lạnh.
Tôi thưa rằng không, mà trong lòng ấm áp và ngọt ngào như đang ngồi bên bếp lửa, hay uống ly nước dừa tươi mới chặt.
Hẳn là từ ấy, tôi đã thấy gắn bó với làng rồi.
Mà nói không phải khoe, đi lại nhiều, tôi thân với nhiều nhà trong làng. Và cũng có nhiều bạn bè cùng trang lứa, sẵn sàng đưa tôi đi đánh cá đêm trên con thuyền nhỏ dập dềnh giữa sông.
Hay cùng nhau làm vài ly đế sương sương với cá nướng, rồi nằm gác chân nhau nghe bài chòi giữa bãi bắp xanh mơn mởn, lồng lộng gió sông.
Mỗi lần nhắc đến là một lần thèm.
Thèm được về làng chơi mùa gặt. Khi ấy, các nhánh đường làng vàng óng những cọng rơm vàng tươi, thoang thoảng mùi thơm nồng nàn, đánh thức ký ức tuổi thơ tưởng đã ngủ quên đâu đó.
Thèm được thảnh thơi ngồi thuyền gỗ trôi theo dòng Đăk Bla lừ đừ chảy qua làng. Được đi trên con đường len lỏi giữa những vườn cây trái. Hay đạp xe qua con dốc dưới bóng tre rợp mát từ bến sông lên làng.
Thèm cảm giác ấm áp, vô tư bên những người bạn ít nói hay cười, chân thật đến bày cả gan ruột, chứ không giao tiếp chiếu lệ.
|
Chiều nay, tôi về làng chơi. Sau màn tay bắt mặt mừng, tôi mê mải đi giữa khu vườn xanh.
Tôi thích cái cách mà dân làng cư xử với khu vườn của mình. Nó không được quy hoạch bài bản, mà chật chội, ngẫu hứng, như ai đó vô tình cầm một nắm hạt nhiều loại, rồi vung ra khắp khu vườn.
Như khu vườn của bạn tôi chẳng hạn. Ngay trước sân là cây dừa trầm tư tỏa bóng che cho khóm địa lan; hai bên sân là những gốc mít Thái và hàng rào bằng chè tàu mọc bề bộn đang đợi chủ nhân cắt tỉa; cây bưởi da xanh dựa bên gốc sầu riêng xù xì; rồi cam, chôm chôm, ổi... Mùa nào thức nấy.
Tôi cũng là nông dân “nòi”, quê tôi cũng quanh năm cây trái tốt tươi, mà nhìn thấy còn mê, còn ngẩn ngơ nữa là.
Phải chăng trong sự “chật chội” ấy chứa đựng triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, vạn vật bổ sung cho nhau, nương tựa vào nhau, ôm ấp, che chở nhau để cùng lớn lên, tỏa hương thơm, cho quả ngọt dâng đời.
Điều lạ là những người bạn của tôi ở làng cũng không hề có ý định thay đổi những mảnh vườn ấy. Cây cối trong vườn vẫn bình yên rụng lá khi Đông về và nảy chồi xanh khi Xuân đến. Như một cách để họ thể hiện sự trân trọng, bảo tồn lịch sử gắn liền với mồ hôi của ông cha.
Về điều này thì tôi phục lắm. Gắn bó nhiều năm nên tôi biết, làng có tiếng về giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Ngày ngày, người già thường nhắc nhớ và rì rầm kể cho con cháu về những ngày khai hoang lập làng xưa cũ của các bậc tiền hiền, để "chúng mày biết và tự hào về cha ông mình".
Và bất cứ đứa trẻ nào sinh ra, lớn lên tại làng cũng có thể kể vanh vách về lịch sử hình thành của làng, bởi chúng được dạy từ hồi bé cỏn con như vậy. Cho đến khi đủ lông mạnh cánh bay xa, trong lòng luôn có làng.
Có lẽ vì vậy mà trước sức ép đô thị hóa ngày càng đè nặng lên những khu vườn, nhưng làng vẫn vậy, bình yên, ấm áp và ngọt ngào.
Một ngày rong chơi, phải khó khăn lắm tôi mới dứt ra được sự bịn rịn, níu kéo của mảnh đất ven sông này mà đi. Để lại sau lưng, giấu kín trong lòng, là ấm áp và ngọt ngào.
Câu chuyện về làng có thể rời rạc và chắp vá, thiếu văn hoa và không bóng bẩy, vì được viết bởi một người khô khan và vụng về. Nhưng hẳn rằng người đọc sẽ bỏ qua, bởi cảm thông cho tình cảm của người viết với vùng đất gây thương gây nhớ.
HỒNG LAM