30 Tết
Có một ngày duy nhất trong năm, cả nhà sum họp mà như không sum họp, bởi ai nấy túi bụi với việc của mình. Có một ngày làm luôn tay luôn chân mà không thấy mệt, vẫn còn cười đùa, vẫn còn nghịch ngợm và háo hức. Ấy là ngày 30 Tết.
Đang túi bụi với công việc những ngày cuối năm thì chị dâu gọi điện dặn: Chú bận gì thì bận, nhưng ngày 30 Tết cũng phải thu xếp xuống phụ anh lau dọn bàn thờ đấy nhé.
Buông điện thoại xuống, mới thẫn thờ nhớ ra đã cận Tết rồi. Và chợt thấy mấy tiếng “30 Tết” xếp chật cả ký ức!
Những Tết nghèo trong tuổi thơ anh em tôi trôi qua bình yên, dù khó khăn nhưng vẫn cũng có “thịt mỡ, dưa hành”, có cành đào chặt ngoài vườn tươi roi rói; có vài bánh pháo Bình Đà (cái thời pháo chưa bị cấm) dành cho ngày đón ông bà tổ tiên và đêm giao thừa; người già, trẻ em có tấm áo mới.
Nhưng quý nhất, yêu nhất, và cũng mệt nhất là ngày 30 Tết! Bởi thế, nó luôn chiếm “diện tích” nhiều nhất trong ký ức ngày tết thời thơ ấu của tôi.
|
Do hoàn cảnh khó khăn, Tết của mẹ dài thăm thẳm, bắt đầu đâu cỡ… tháng 10 âm lịch. Mẹ có hẳn một cuốn sổ ghi trăm thứ nhì nhằng cần cho một cái Tết không to nhưng cũng không lùi xùi. Có những thứ “truyền thống”, có những thứ mới này sinh, mới nghĩ tới.
Khi tháng Chạp tới, từ đầu tháng đến giữa tháng là mẹ đi chợ mua dần những thứ nhà không có. Qua rằm là bà bắt đầu hì hụi với bánh mứt, dưa muối, thịt gác bếp.
Dù vậy, như bao gia đình khác, ngày cuối cùng của năm cũ- tức ngày 30 Tết, à mà cũng có thể là ngày 29, nếu tháng Chạp năm đó không có ngày 30- ở gia đình tôi vẫn là ngày duy nhất trong năm, cả nhà sum họp mà như không sum họp, bởi ai nấy túi bụi với việc của mình; là ngày làm luôn tay luôn chân mà không thấy mệt, vẫn còn cười đùa, vẫn còn nghịch ngợm.
Do phải đi chợ sớm, nên mẹ là người đầu tiên kêu cả nhà dậy, hối thúc ăn sáng nhanh. Trước khi tất tả đội nón, dắt xe ra khỏi nhà, mẹ còn quay lại dặn với “mấy đứa ở nhà chịu khó làm việc đấy nhé”.
Và thế là một ngày bận tối mắt tối mũi của cả nhà bắt đầu. Bởi danh sách việc ngày 30 Tết mẹ lập ra dài dằng dặc. Mà việc nào cũng quan trọng, cũng không thể “để mai tính”, phải làm cho bằng hết, bằng xong, để sang năm mới là không được.
Cánh đàn ông lãnh nhiệm vụ làm đẹp nhà. Nào là dọn dẹp bàn thờ; quét mạng nhện nơi góc nhà; lau cửa, bàn ghế; vác hết đống củi khô dưới chuồng trâu đem vào bếp. Mệt phờ.
Hai chị em gái thì đánh vật với mớ mùng mền, quần áo, chén đĩa. Sau đó, chị cả bắt đầu ngồi lì một chỗ với mấy rổ củ cải, cà rốt, đu đủ làm dưa món. Chị khéo léo tỉa thành hình hoa, hình trái tim, ngâm nước muối.
Thỉnh thoảng tôi ái ngại nhìn dáng chị ngồi khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá nhưng vẻ mặt thì tươi rói, ngây ngất. Giống hệt mẹ, miệng kêu cực mà hớn hở, như thể ngày cuối năm này không có việc gì làm mới là niềm đau khổ lớn.
Còn đứa em gái thì giả bộ lăng xăng phụ giúp mấy anh, nhưng thực tế là tránh để chị không nhìn thấy, không bị biến thành chân sai vặt, kiểu “lấy cho chị cái tô lớn”, hay “đưa cho chị con dao nhỏ đằng kia”, rồi “ê, chạy ra quán mua cho chị gói muối, à thêm lạng đường”.
Khi mẹ về thì mọi chuyện đã đâu vào đấy, nhà cửa tuy tuềnh toàng nhưng sạch sẽ. Bộ bàn ghế đóng bằng gỗ xoan mộc được chà bằng bã chè khô đã bóng cả lên; các xó xỉnh đều sạch đất, không còn lấy một tý mạng nhện nào; mấy rổ bát đĩa sáng choang cả góc sân.
|
Mẹ hài lòng đi vào bếp. Một lát sau, mùi chiên xào dưới bếp bay lên. Lúc này mới thảng thốt nhận ra đã quá trưa. Bụng đói cồn cào. Cả nhà ăn bữa cơm trưa 30 Tết trong vội vàng, vì còn bao việc.
Ăn xong, anh em tôi tiến quân ra vườn cắt tỉa cành khô, cành sâu cho cây cối, quét dọn lá khô gom vào góc vườn rồi đốt, khói bốc lên mù mịt. Bố kiểm tra kỹ lưỡng xem gạo nếp ngâm tới chưa; thịt, đậu xanh, lá dong, dây lạt đủ chưa để chuẩn bị gói bánh chưng.
Còn mẹ và chị cả dường như không thấy mệt, tiếp tục hì hụi trong bếp, luôn tay luôn chân với mâm cỗ cúng rước ông bà tổ tiên. Cũng chẳng biết là vì làm việc đến mức quên mệt? Hay vì tiết trời vào Xuân phơi phới lòng yêu thương nên vui mà quên mệt chăng?
Nửa buổi chiều, dưới sự chỉ huy của bố, anh em tôi bày biện bàn thờ, rồi sắp xếp mâm bàn cúng rước ông bà. Lúc này, trên đường làng không còn nhộn nhịp, tấp nập như hồi sáng, mà đã vắng vẻ người qua lại.
Khi mâm cỗ rước ông bà đã hoàn tất; bánh chưng cũng đã gói xong, xếp vào nồi và chuẩn bị nổi lửa là lúc bố tôi “phát lệnh” đi “rước” đào. Người già gọi như vậy chứ không cho gọi là đi cắt đào, giống như rước vận đỏ, điều may mắn vào nhà.
Trước đó, ngày nào anh em tôi cũng ngắm nghía cây đào ở góc vườn, đã lấp ló những nụ hoa hồng như đốm lửa, để chọn được cành đẹp nhất, ưng ý nhất- thường là cành có chồi mập, tán tròn, các nhánh phân bố đều- rồi chờ ngày “rước” đào.
Ngày 30 Tết cứ thế trôi qua trong tất bật, rộn ràng. Cho đến cuối ngày, trong bầu không khí tết nhất, thêm chút mưa phùn và một chút rét ngọt, cả nhà quây quần quanh mâm cơm tất niên đầm ấm.
Ngày nay, đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, dọn dẹp, mua sắm cho Tết chưa bao giờ dễ dàng, thuận tiện hơn thế. Chỉ cần một cuộc gọi, một cú nhấp chuột máy tính là dịch vụ dọn dẹp nhà cửa lo hết, dù yêu cầu của chủ nhà có khó đến đâu.
Sau đó, cũng không cần bước chân ra khỏi cửa, cứ thoải mái chọn lựa trên “chợ online” đi, đúng ngày, đúng giờ, mâm cỗ tất niên đẹp chuẩn vị truyền thống sẽ được mang đến tận nhà, với đủ bánh chưng, giò chả, dưa hành, canh măng, cá kho, gà luộc.
Nhưng mỗi ngày 30 Tết đến, tôi luôn cảm thấy nhớ, thấy thèm không khí rộn ràng, tất bật dọn dẹp nhà cửa của cả nhà.
Ừ thì ngày 30 Tết ngày xưa ấy dù mệt, nhưng lại lung linh hơn bởi mồ hôi, bởi nụ cười, đem lại những khoan khoái, những ngọt ngào./.
Hồng Lam