Xung quanh về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường: Vẫn còn những băn khoăn
Ngày 18/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP với 4 chương và 63 điều, quy định chi tiết về các hành vi vi phạm, mức phạt, cơ quan thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017. Theo đó, mức phạt thấp nhất là 500 ngàn đồng và cao nhất đến hàng tỷ đồng.
Xét ở góc độ pháp lý, đây là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, rõ ràng, đầy đủ, phạm vi điều chỉnh rộng hơn, với mức xử phạt hành chính cao nhất áp dụng cho nhiều hành vi vi phạm mà Nghị định số 179/2013 trước đó chưa đề cập.
Bằng những biện pháp chế tài đầy thuyết phục, Nghị định 155 chắc chắn sẽ góp phần răn đe, phòng ngừa chung cũng như nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, xét từ thực tế tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay cùng với hạ tầng kỹ thuật xã hội, trang thiết bị còn thấp kém, thiếu đồng bộ, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn hạn chế; dư luận xã hội cho rằng, một số điều khoản quy định trong Nghị định nêu trên sẽ khó thực hiện và không tránh khỏi tình trạng “đánh trống bỏ dùi” khi triển khai thi hành Nghị định này trong thực tế. Điều này, theo các nhà nghiên cứu chính sách thì những băn khoăn trên không phải là không có lý.
Tại một số điều của Nghị định quy định xử phạt hành chính đối với một số hành vi như gây tiếng ồn (Điều 17); hay các quy định về vệ sinh nơi công cộng (Điều 20)… có thể sẽ “làm khó” cho các cơ quan chức năng khi thực thi công vụ.
Đơn cử, tại Điều 17 quy định: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA; phạt tiền từ 1.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 dBA đến dưới 05 dBA”…
Về mặt pháp lý, quy định trên phản ánh được ý chí của nhà làm luật. Ngoài những cơ quan chức năng chuyên ngành thực thi nhiệm vụ chế tài đối với hành vi vi phạm, Nghị định còn quy định chủ tịch UBND cấp xã, phường, cán bộ, công chức, chiến sĩ công an cấp xã, phường… trong thẩm quyền cho phép, được lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong thực tế thì những người này chưa hề được trang bị những trang thiết bị hiện đại, khoa học để phục vụ cho nhiệm vụ trên. Việc họ phải xác định được một hành vi vi phạm theo chuẩn “độ ồn” một cách chính xác, để đưa ra một quyết định đúng đắn, thì quả là câu chuyện không hề dễ, thậm chí là không thực hiện được. Điều này dẫn đến việc xử phạt sẽ mang yếu tố cảm tính, thiếu công bằng, đôi khi bị lợi dụng để trục lợi - nếu cán bộ thực thi ở cơ sở có phẩm chất đạo đức không tốt.
“Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng”…
Quy định tại Điều 20 mà chúng tôi vừa nêu ra chính là điều băn khoăn nhiều nhất của dư luận xã hội, kể từ khi Nghị định trên được ban hành. Bởi, thực tế ở nhiều địa phương trong nước, tại nhiều khu vực công cộng như nhà ga, bến xe, công viên, khu thương mại… chưa có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá hoặc xây dựng các nhà vệ sinh công cộng. Nếu như có khu vệ sinh công cộng thì cũng chưa được xây dựng hoàn thiện, thậm chí còn… không hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Trong lúc đang rất cần giải quyết “nhu cầu”, với một cơ sở hạ tầng vệ sinh tồi tàn, họ đành chấp nhận… chịu phạt, còn hơn là “vào nơi” mà họ không mong muốn…
Vậy, ai là người đứng ra để lập biên bản xử phạt hành chính đối với những hành vi này? Và làm thế nào để đảm bảo chế tài được nghiêm minh? Đây là câu hỏi dư luận đặt ra mà có lẽ khó có lời giải đáp thỏa đáng trong một sớm một chiều.
Đối với những tổ chức, doanh nghiệp… có hành vi vi phạm, nếu không thực hiện chế tài xử phạt hành chính thì sẽ bị đình chỉ, rút giấy phép hoạt động… Đây mới là quyền lợi sát thực mà họ hướng tới. Vì vậy, việc áp dụng các chế tài hành chính bằng phạt tiền, sẽ được các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc. Nhưng đối với những cá nhân là những người qua đường, khách vãng lai… thì việc áp dụng phạt tiền đối với họ quả là khó vô cùng. Bởi, nếu họ không chịu chấp hành biện pháp xử phạt, thì người xử phạt cũng không có biện pháp nào để buộc họ phải chấp hành. Vì không thể tạm giữ giấy tờ tùy thân của họ hay phương tiện đi lại… như trong xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, tại những khu vực công cộng nói trên, nếu nói để phát hiện các hành vi vứt đầu, mẩu thuốc lá hoặc vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện)… thì phải cần một lực lượng chức năng rất lớn mới có thể kiểm soát hết những hành vi này. Trong khi đó, trên thực tế thì lực lượng chức năng này ở nhiều nơi, nhiều địa phương vẫn còn rất mỏng…
Nghị định 155 được ban hành như một làn gió mới thổi vào hành lang pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được dư luận đồng tình và đón nhận. Nhưng với những quy định của một số trường hợp cá biệt nêu trên, e rằng vẫn chưa hết những băn khoăn trong quá trình triển khai trong thực tế.
Thiết nghĩ, một khi các văn bản luật và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bên cạnh tính hợp pháp, hợp tình thì cần phải tính đến cả tình hình thực tiễn khi triển khai áp dụng. Có như thế những văn bản mang tính pháp lý khi triển khai thực hiện mới tránh được những bất cập, không thể thực hiện được, gây ra "hiện tượng lờn luật"; từ đó, đảm bảo hệ thống pháp lý chặt chẽ, nghiêm minh, từng bước xây dựng tính thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội.
Dương Đức Nhuận