Xử phạt xe không chính chủ: Vẫn còn đó những boăn khoăn
Thời gian qua, dư luận xã hội “nóng” lên với đề tài “xe chính chủ và xe không chính chủ”. Sau một thời gian dài “tạm hoãn”, việc áp dụng xử phạt với xe máy, ô tô “không chính chủ” sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Không phải mới đây dư luận mới quan tâm vấn đề "xe không chính chủ, xe chính chủ", mà sự việc này mà nó đã từng là chủ đề tranh cãi trong nhiều năm qua, nhất là thời gian gần đây. Nhiều người lo lắng là làm thế nào để đáp ứng được tất cả nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình khi sử dụng phương tiện xe máy, tham gia giao thông mà không bị xử phạt?
Nếu như chỉ cách đây vài tháng, khi mà Nghị định 46/2016 của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” chưa ra đời thì mọi lo lắng của người dân đều có cơ sở. Người dân lo lắng cũng dễ hiểu, bởi nhiều người đã mua xe từ hơn 10 năm trước, đang sử dụng ổn định, nay biết tìm “chủ” đâu mà sang tên. Hoặc trong nhà có 4 thành viên thì phải mua đủ 4 chiếc xe, không thể mượn của người khác, cho dù là bố, mẹ, anh, chị, em trong gia đình để làm phương tiện đi lại. Gia đình nào khá giả thì có thể đáp ứng được nhu cầu của mỗi thành viên. Với những gia đình kinh tế khó khăn thì đây là điều không thể thực hiện được. Và, khi người dân “ra sức” sắm "phương tiện giao thông chính chủ" thì sẽ làm gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện giao thông, gây áp lực hạ tầng giao thông của Việt Nam vốn đã không đảm bảo với sự phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và như thế việc gia tăng ách tắc giao thông là điều không tránh khỏi.
Việc quy định xử phạt xe “không chính chủ” đã được ngành chức năng nhiều lần lấy ý kiến đóng góp trong khi soạn thảo ban hành nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực này. Vì vậy, những vấn đề bất cập trong thực tiễn đã được bàn thảo kỹ lưỡng nhằm khắc phục những hạn chế khi chính sách ban hành, tránh gây khó khăn, trở ngại cho người dân.
Trong quá trình lấy ý kiến để ban hành nghị định, Bộ Giao thông vận tải không ủng hộ và đề nghị bỏ chủ trương trên, bởi quy định này chưa thật sự phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước ta và thiếu cơ sở pháp lý, chưa nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, nguyên nhân chính khiến người dân không chuyển quyền sở hữu xe là do thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và lệ phí trước bạ cao. Bởi vì thủ tục hành chính rườm rà nên người dân không thể sang tên đổi chủ khi đã qua nhiều đời chủ sử dụng…
Song, cân nhắc trước yêu cầu thực tế, ngày 26/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 46 “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt” đã tháo gỡ những băn khoăn của người dân về xử phạt “xe không chính chủ”. Tại Điểm b Khoản1 Điều 30 của Nghị định ghi rõ: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô”.
Như vậy, chỉ có các trường hợp không làm thủ tục sang tên xe khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản thì mới bị xử phạt theo quy định nêu trên. Hoặc thông qua công tác đăng ký, cấp biển số, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định của Bộ Công an về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định… Còn trường hợp cả nhà đi chung 1 chiếc xe, mượn xe của bạn bè, người thân… thì không bị xử phạt.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, mặc dù người dân không còn lo lắng sẽ bị dừng xe kiểm tra, xử phạt lỗi khi đi xe “không chính chủ”, nhưng cũng làm nảy sinh một số vấn đề khác. Đó là sự quá tải về việc người dân ùn ùn kéo nhau đi sang tên, đổi chủ, gây áp lực lớn đối với cơ quan đăng ký xe cũng như tốn kém thời gian và tiền bạc của người dân. Việc xử phạt đối với hành vi này chỉ là biện pháp nhất thời, chứ chưa giải quyết được “cái gốc” của vấn đề là đảm bảo cho mọi người dân phải thực hiện đúng việc sang tên, đổi chủ khi mua, bán, tặng, cho xe…
Một vấn đề nữa được dư luận nêu ra là, khi người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng, bên cạnh việc người điều khiển phương tiện đó phải chịu trách nhiệm hình sự thì các trách nhiệm hành chính, dân sự, bồi thường… lại thuộc về chủ xe (bao gồm người cho thuê xe, cho mượn xe…) là chưa thỏa đáng; chưa kể vấn để nảy sinh là chiếc xe đã qua nhiều đời chủ mà chưa sang nhượng thì làm sao thực hiện được nghĩa vụ bồi thường. Như vậy sẽ không đảm bảo được các quyền lợi của bên bị thiệt hại khi lỗi của người sử dụng “xe không chính chủ” gây ra…
Chủ trương xử phạt các hành vi cố tình không sang tên, đổi chủ khi mua, bán, tặng, cho các loại xe là đúng đắn. Song, làm thế nào để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện thì ngành chức năng cần cân nhắc để vừa đảm bảo tính công bằng, minh bạch, vừa tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong quá trình tham gia giao thông là việc nên làm.
Dương Đức Nhuận
Bình luận (1)