Xin nghỉ hưu trước ngày 1/1/2018: “Tâm lý đám đông” và những hệ lụy
Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Nhà nước ta nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động khi nghỉ hưu, bảo đảm cuộc sống người cao tuổi; nhất là trong tình trạng già hóa dân số mà Việt Nam phải đối mặt trong 25 năm tới như các nhà hoạch định chính sách đã cảnh báo.
Hiện nay, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, do chưa nhận thức hết những cái lợi lâu dài của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội, nên ở nhiều địa phương trên cả nước, người lao động đang có xu hướng xin nghỉ hưu trước ngày 1/1/2018 (nếu đủ điều kiện nghỉ hưu), hoặc xin nghỉ việc nhận trợ cấp một lần (nếu chưa đảm bảo thời gian và các điều khiện khác), bởi họ lo sợ sẽ bị thiệt hại về kinh tế nếu nghỉ hưu theo quy định mới.
Tình trạng trên không chỉ gây sức ép chi trả của Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thời điểm hiện tại và tạo ra những hệ lụy về vấn đề bảo đảm an sinh xã hội với đối tượng người cao tuổi không còn đủ sức khỏe lao động trong tương lai; mà trong những trường hợp cụ thể, chẳng những người lao động nghỉ hưu trước ngày 1/1/2018 không có lợi về kinh tế và về lâu dài đời sống của họ sẽ chịu những hệ lụy xấu, một khi họ không thể lao động và hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Thông thường, những người lao động xin nhận trợ cấp một lần thường là những người có thời gian lao động, làm việc ngắn vì lý do sức khỏe hay chuyển sang kinh doanh ngoài mà thiếu vốn làm ăn… nên mới nhận “một cục” để trang trải các chi phí cần thiết.
Thực tế cho thấy, nếu như năm 2016 cả nước có 665.000 người xin lĩnh tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, thì năm 2017 dự kiến sẽ có 690.000 người. Và, theo thống kê, hiện số người mới tham gia bảo hiểm xã hội và số người lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đang tương đương nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tổng số lao động đóng bảo hiểm xã hội trên cả nước vẫn chỉ loanh quanh 13 triệu người và tăng không đáng kể trong thời gian qua.
Trong nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đang xảy ra hiện tượng số người xin nghỉ hưu trước tuổi tăng cao để tránh việc áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội mới, kể từ ngày 1/1/2018. Đặc biệt, trong thời gian qua, ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hàng ngàn người nộp đơn xin nghỉ hưu sớm. Ở một số tỉnh thành khác hiện tượng người lao động xin nghỉ hưu sớm cũng tăng đột biến trong năm nay.
Do chưa tìm hiểu kỹ vấn đề và tâm lý đám đông, người lao động làm đơn xin giải quyết chế độ nghỉ hưu ở các doanh nghiệp tăng cao, dưới một góc độ nhất định, chẳng những gây sức ép lên Quỹ bảo hiểm xã hội vào thời điểm hiện tại, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trong tương lai và người lao động bị thiệt hại về quyền lợi (như đã nêu trên) mà còn gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian vì chưa kịp thời đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao, có kinh nghiệm quản trị, kinh nghiệm sản xuất để quản trị và vận hành tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong vòng 4 năm trở lại đây, số người xin hưởng trợ cấp một lần trên cả nước khoảng 2,5 triệu người, bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người xin hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Theo dư luận xã hội, có rất nhiều lý do để người lao động rời xa quỹ lương hưu để chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, có lý do nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đào thải số lao động lớn tuổi để tránh đóng bảo hiểm xã hội; hay doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội làm cho người lao động lo lắng cho quyền lợi của mình sau này, nên xin nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần.
Dư luận cũng cho rằng, chính sự thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội đã tác động đến tâm lý của người lao động; đó là, việc thay đổi trong các chính sách bảo hiểm xã hội đã thắt chặt quyền lợi của người lao động với việc tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội thêm 5 năm để được hưởng tối đa lương hưu từ ngày 1/1/2018, hay dự định kéo dài tuổi nghỉ hưu…, khiến người lao động chọn giải pháp nhận trợ cấp một lần hay về hưu sớm.
Ở Kon Tum, thời gian vừa qua chưa xảy ra hiện tượng “bất thường” về việc người lao động xin nghỉ việc nhận trợ cấp một lần hoặc xin nghỉ hưu sớm như các địa phương khác. Cụ thể như: năm 2015 có 865 người xin nhận trợ cấp một lần với số tiền trên 18,770 tỷ đồng và năm 2016 tăng lên 1.123 người với số tiền chi trả trên 29,216 tỷ đồng; có thể nói rằng người xin nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng nhưng không lớn.
Theo ông Võ Công Đức - Trưởng Phòng chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội tỉnh), việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần và nghỉ hưu sớm đều theo quy định của pháp luật và Luật Bảo hiểm xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội không thể làm khác được khi người lao động có yêu cầu. Đối với những trường hợp người lao động đủ năm công tác, làm việc, đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà xin nhận trợ cấp một lần phải thuộc các trường hợp bệnh hiểm nghèo, và Bảo hiểm xã hội chỉ giải quyết khi có đầy đủ các hồ sơ, bệnh án theo đúng quy định của pháp luật. Việc người lao động xin hưởng trợ cấp một lần có ảnh hưởng đến quỹ lương hưu hay không thì nằm trong sự tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Việc nghỉ hưu trước tuổi cũng vậy...
Theo các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia đánh giá, về mặt tổng quan, người lao động phải chịu thiệt thòi không nhỏ khi hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Có nghĩa tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hàng năm bằng 2,64 tháng lương, nhưng nếu hưởng một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho 1 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, người chịu thiệt thòi nhất lại là người lao động chứ không ai khác, mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.
Sau khi giải thích về chế độ chi trả bảo hiểm mới (kể từ ngày 1/1/2018), ông Cao Văn Sang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định với báo chí rằng "không phải ai nghỉ trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi. Lương hưu được hưởng lâu dài, nếu mức lương hưu khi bắt đầu nghỉ thấp thì sẽ ảnh hưởng về sau. Vì vậy, người lao động cần đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để xem xét và đưa ra quyết định phù hợp".
Thiết nghĩ, vì quyền lợi lâu dài của mình người lao động cần cân nhắc khi xin nghỉ hưu sớm cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình chứ không thể chạy theo hiệu ứng của "tâm lý đám đông", đến khi tiếc nuối thì đã muộn. Đồng thời, ngành Bảo hiểm xã hội và các cơ quan, doanh nghiệp… cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu được vấn đề và hành động đúng đắn.
Dương Đức Nhuận