KỶ NIỆM 102 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH KON TUM (9/2/1913 – 9/2/2015)
Vươn tới những tầm cao
“Kon Tum” – theo cách gọi của người Ba Na là “Làng Hồ” - chỉ một làng nhỏ sống gần bên hồ nước cạnh dòng sông Đăk Bla. Trải qua 102 năm (9/2/1913 - 9/2/2015) hình thành và phát triển, từ Làng Hồ nhỏ bé ấy, với lợi thế về tự nhiên có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cộng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Kon Tum đã không ngừng nỗ lực vươn tới những tầm cao mới với bao sự đổi thay diệu kỳ.
ĐỔI THAY DIỆU KỲ
Có thể dễ dàng nhận thấy, trong hành trình 102 năm dựng xây và phát triển ấy, đặc biệt là khoảng thời gian từ năm 1991 – thời điểm thành lập lại tỉnh - đến nay, với bao nỗ lực của tỉnh, với sự huy động trí tuệ và nguồn lực từ nhiều phía cũng như sự chung tay góp sức của toàn dân, Kon Tum đã có những đổi thay vượt bậc. Sự thay đổi ấy thể hiện rõ trên từng tuyến đường góc phố, những ngôi nhà cao tầng mới mọc lên; từ những thôn, làng nông thôn mới trù phú, ấm no giữa những ngút ngàn cao su, cà phê; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều tăng cao, năm sau cao hơn năm trước; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao…
Cùng với thời gian, khối óc và bàn tay của mỗi người dân Kon Tum đã góp sức biến những dự định, ước mong trở thành hiện thực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng đều qua mỗi năm: giai đoạn 1992-1995 đạt 9,15%/năm; giai đoạn 1996-2000 đạt 9,85%/năm; giai đoạn 2001-2005 đạt 11%/năm; giai đoạn 2005-2010 đạt 14,51%/năm. Khi mới thành lập lại tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của Kon Tum trên 65%, thì đến cuối năm 2014 chỉ còn 14,7%.
Đặc biệt, năm 2014, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao và sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2014 ước đạt 9.907 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục có bước phát triển, phúc lợi xã hội và đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
CHỦ ĐỘNG PHÁT HUY NỘI LỰC
Để không ngừng vươn tới những tầm cao mới, trong những năm qua, ngoài việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, tranh thủ được mọi lợi thế, nguồn lực trong cũng như ngoài tỉnh để đẩy mạnh phát triển KT - XH.
|
Tỉnh đã chủ động huy động nguồn lực đầu tư các công trình có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Quốc lộ 14C, Quốc lộ 24, đường Hồ Chí Minh (đoạn còn lại qua tỉnh), Quốc lộ 40; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thành phố Kon Tum, trung tâm các huyện, xã trong tỉnh… Cùng với đó, tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh: phát triển cây lâu năm; trồng rừng và chăm sóc rừng; phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản; sản xuất sản phẩm từ khoáng sản; sản xuất, truyền tải và phân phối điện; khuyến khích phát triển các hoạt động của du lịch (du lịch lịch sử gắn với Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Lei, di tích Đăk Tô Tân Cảnh; kinh doanh tour du lịch sinh thái gắn với Măng Đen).
Tận dụng lợi thế của địa phương, tỉnh đã tập trung vào 10 sản phẩm chủ lực là: cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn; sâm Ngọc Linh; rau hoa xứ lạnh; sản phẩm cá nước ngọt (cá tầm, cá hồi); bột giấy và giấy; gạch, ngói; sản phẩm điện từ thủy điện; sản phẩm du lịch sinh thái Măng Đen.
Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh rất chú trọng triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống như: nhân giống các loại cây dược liệu sâm dây, sâm Ngọc Linh; nhân giống bằng cấy mô các loại hoa; sử dụng chế phẩm sinh học trẻ hóa vườn cà phê...; khuyến khích chuyên gia đầu ngành chuyển giao các chương trình, dự án khoa học, công nghệ phù hợp với điều kiện và tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tỉnh cũng đã tập trung hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn, ưu tiên vốn, thu hút nguồn đầu tư xây dựng 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh là các huyện Ngọc Hồi, Kon Plông và thành phố Kon Tum nhằm khai phá tiềm năng các vùng kinh tế trọng điểm. Cụ thể, xây dựng thành phố Kon Tum gắn với các khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình, các khu đô thị mới, để trở thành trung tâm công nghiệp-dịch vụ của tỉnh, phấn đấu thành phố Kon Tum trở thành đô thị loại II miền núi, vùng cao, biên giới trước năm 2020; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với phát triển thị trấn Plei Kần huyện Ngọc Hồi thành trung tâm liên kết kinh tế của Tam giác phát triển CLV; phấn đấu cuối năm 2015, huyện Ngọc Hồi trở thành thị xã; xây dựng và phát triển trung tâm huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Khu vực miền Trung và Tây Nguyên…
GIA NHẬP CÂU LẠC BỘ 2.000 TỶ ĐỒNG
Điều đáng mừng là trong năm 2014, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 2.050,426 tỷ đồng, vượt 3,6% dự toán và đạt 113,7% so với năm 2013. Như vậy, đây là năm đầu tiên, Kon Tum đạt mức thu này, đặt chân vào Câu lạc bộ 2 nghìn tỷ đồng.
Thành công này là nhờ nỗ lực, sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, điều hành hiệu quả của UBND tỉnh đã kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Những chính sách kịp thời và hợp lý của tỉnh đã phát huy tốt nội lực địa phương, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung, tỉnh đã đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững. Cùng với đó, tăng cường thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tổ chức gặp mặt doanh nghiệp định kỳ hàng quý để nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; rà soát quy hoạch đầu tư, xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum; quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương đã tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế; tổ chức thành công nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để quảng bá hình ảnh Kon Tum đến với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Trong đó, các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội được tỉnh thực hiện có hiệu quả...
Lý giải cho những gì mà Kon Tum hôm nay có được, đạt được; lý giải cho hành trình từ Làng Hồ nhỏ bé ngày nào vươn mình trỗi dậy trở thành vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, thế mạnh…, nhiều người cho rằng chính là nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời, địa lợi thì đã rõ; còn nhân hòa chính là ý chí, quyết tâm, khát vọng vươn lên của mỗi người dân Kon Tum. Và, đây chính là cội nguồn sức mạnh để đưa Kon Tum vươn tới những tầm cao mới.
Nguyên Phúc