Vươn lên tầm cao mới
Trong những ngày cuối năm, có nhiều sự kiện thúc đẩy cảm xúc, nhất là hành trình đầy quả cảm của đội tuyển bóng đá Quốc gia, thì sự kiện báu vật đại ngàn sâm Ngọc Linh ra mắt tại thủ đô Hà Nội và thu hút được sự quan tâm của dư luận đã đánh dấu bước phát triển mới của hành trình đưa “Quốc bảo” thành “quốc kế dân sinh”...
Suốt một tuần qua, tôi khá bận rộn với việc trả lời email của bạn bè gần xa. Họ đồng loạt chúc mừng, chia vui với tôi khi triển lãm chuyên đề mang tên “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh- Báu vật đại ngàn” do tỉnh Kon Tum và Bảo tàng lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức được khai mạc sáng 20/1.
Lâu nay vẫn nghe nói về sâm Ngọc Linh đắt đỏ, quý hiếm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi, cũng như rất nhiều người ở Hà Nội, được nhìn tận mắt, sờ tận tay sản phẩm sâm Ngọc Linh- một người viết.
Rõ ràng đây là một thành công, một dấu ấn mới của Kon Tum trong quá trình quảng bá hình ảnh một Kon Tum từ ngàn xưa với lịch sử hình thành từ rất sớm, sự phong phú đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ - những người sống dựa vào rừng, được rừng chở che, bảo bọc làm nên nét văn hóa đặc trưng riêng có ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng. Và, chính rừng ưu ái ban cho nhân dân ở đây những sản vật phong phú, trong đó có các loại dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh - một loại “Quốc bảo” - như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi về dự Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác do tỉnh Kon Tum và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức vào đầu tháng 9/2018. Không ít người, qua triển lãm này đã biết đến Kon Tum, biết đến sâm Ngọc Linh- một người khác viết.
Nhiều người còn đề nghị tôi cung cấp thêm tư liệu về sâm Ngọc Linh. Và tất nhiên, tôi sẵn lòng làm việc ấy trong niềm tự hào của một người đến lập nghiệp tại Kon Tum, chọn nơi đây làm quê hương thứ hai.
Như vậy, lần đầu tiên, báu vật đại ngàn sâm Ngọc Linh ra mắt người dân thủ đô Hà Nội trong triển lãm chuyên đề mang tên “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh - Báu vật đại ngàn” do tỉnh Kon Tum và Bảo tàng lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức.
Với hơn 200 tư liệu, hiện vật, triển lãm được chia làm 2 phần lớn. Phần thứ nhất giới thiệu về di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Kon Tum với các hiện vật, tài liệu, hình ảnh, phim tư liệu, clip… giới thiệu về vùng đất, con người đặc biệt là các di sản văn hóa tiêu biểu của Kon Tum; những sắc thái văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…
Phần thứ 2 và cũng là phần trưng bày ấn tượng nhất là về sâm Ngọc Linh. Tại đây, Ban tổ chức đã tái dựng mô hình rừng sâm để giới thiệu về môi trường, cảnh quan, sự đa dạng sinh học của vùng rừng núi Ngọc Linh- không gian sinh tồn của loài sâm quý này.
Không chỉ giới thiệu tới người xem các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh mà triển lãm còn đưa tới cho người xem mô hình khép kín từ việc ươm cây tới trồng, chăm sóc và thu hoạch loại sâm quý này.
Ngay khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khai mạc triển lãm, hàng loạt cơ quan báo chí đăng tải nhiều bài viết, trong đó đánh giá cao ý tưởng, sự phối hợp của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Kon Tum trong việc đưa di sản văn hóa, sản vật của tỉnh trong đó có sâm Ngọc Linh ra trưng bày ở Thủ đô Hà Nội ngay vào những ngày đầu của năm mới 2019.
Đây là hoạt động có ý nghĩa, bước đi quan trọng, kịp thời nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum. Đó là tập trung nguồn lực, phối hợp các cơ quan, bộ, ngành trong và ngoài nước để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu lịch sử, văn hóa, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh đến với người dân trong, ngoài nước, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch, thu hút khách, phát triển kinh tế tỉnh cũng như khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Và, mục tiêu cao hơn cả là xây dựng thương hiệu để sâm Ngọc Linh trở thành “Quốc bảo”, vươn ra tầm thế giới, giải quyết vấn đề “quốc kế, dân sinh” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã căn dặn tại Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác…
Dưới góc độ khách quan, trong những năm gần đây sâm Ngọc Linh đã trở nên nổi tiếng bởi giá trị y học đặc hữu và giá trị kinh tế. Tỉnh Kon Tum cũng chủ động có nhiều chương trình, kế hoạch để quảng bá, giới thiệu và khai thác nguồn lợi từ sâm Ngọc Linh phục vụ tốt cho phát triển kinh tế ở khu vực vùng núi Ngọc Linh, từng bước nâng cao đời sống nhân dân...
Từ năm 1995, tỉnh Kon Tum tiến hành tổ chức đánh giá về sâm Ngọc Linh và năm 1997 bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn sâm Ngọc Linh Kon Tum tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei thuộc dãy núi Ngọc Linh. Năm 2004, tỉnh triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”.
Từ nhận thức đến hành động cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền bằng những bước đi cụ thể, chắc chắn nhằm khai thác, bảo tồn nguồn lợi sâm Ngọc Linh một cách khoa học, bài bản, phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, hàng loạt những chính sách nhằm cụ thể hóa nỗ lực “cứu” sâm Ngọc Linh đã ra đời.
Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch 31.742ha. Trong đó, vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên là 16.988ha; vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm là 14.754ha (độ cao từ 1.200m - 1.500m).
Đặc biệt, tỉnh tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó có Phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh (với diện tích khoảng 10.000ha); ban hành chính sách ưu đãi đặc thù về giống, đất đai...
Gần đây nhất, lần đầu tiên Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác được tổ chức vào đầu tháng 9/2018 có quy mô lớn, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong nước. Tại Hội nghị này, sâm Ngọc Linh được Thủ tướng tặng danh xưng “Quốc bảo”...
Đặc biệt, với lần đầu tiên tổ chức triển lãm “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh - Báu vật đại ngàn” tại Hà Nội như thế, đã mở ra cơ hội tốt nhất, nhằm giới thiệu văn hóa, di sản, tài liệu, hiện vật, đặc biệt là sâm Ngọc Linh để người dân trong và ngoài nước biết.
Một thành công nữa đến từ chính việc lựa chọn địa điểm tổ chức triển lãm: Bảo tàng lịch sử quốc gia. Điều này “thể hiện sự nhạy bén của lãnh đạo địa phương”- như một cơ quan báo chí nhận xét. Bởi đây là nơi lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử, cội nguồn của dân tộc, là nơi bạn bè quốc tế, nguyên thủ các quốc gia, doanh nhân, nhà đầu tư, du khách quốc tế đến thăm và tìm hiểu về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam.
Tất nhiên, để đưa sâm Ngọc Linh thực sự trở thành “Quốc bảo”, phục vụ nhu cầu “quốc kế dân sinh” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phía trước là cả một hành trình dài với không ít khó khăn phải vượt qua. Như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đã nói, đòi hỏi chiến lược cụ thể về thông tin truyền thông, nghiên cứu phát triển, thu hút khởi nghiệp, phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm độc đáo cho hình ảnh cây sâm quốc gia để sâm Ngọc Linh và chế phẩm vươn ra thị trường thế giới…
Với khởi đầu tốt đẹp đầu năm 2019 từ triển lãm chuyên đề mang tên “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh - Báu vật đại ngàn” do tỉnh Kon Tum và Bảo tàng lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức tại thủ đô Hà Nội, sâm Ngọc Linh sẽ góp phần đưa Kon Tum vươn lên tầm cao mới…
Thành Hưng