Vững vàng thành phố trẻ
Sau 15 năm được công nhận trở thành thành phố trực thuộc tỉnh (10/4/2009 -10/4/2024), thành phố Kon Tum có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Vóc dáng một thành phố trẻ năng động, văn minh, hiện đại… ngày một hiện rõ hơn, xứng tầm vị thế trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh.
Ngày 10/4/2009, theo Nghị định số 15-NĐ/CP, thị xã Kon Tum được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Kon Tum. Đó là kết quả của một quá trình dài nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn để đưa Kon Tum từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, cơ sở hạ tầng hết sức thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn lên thành phố.
15 năm trên chặng đường mới, với sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, lựa chọn chính xác những mục tiêu trọng điểm, những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng với sự đồng lòng, ủng hộ các tầng lớp nhân dân, thành phố Kon Tum đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, ngày 10/1/2023, theo Quyết định số 12/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ, thành phố Kon Tum đã được công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tiếp tục nỗ lực, cống hiến hơn nữa, góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, phát triển.
|
|
Sự chuyển mình rõ nét nhất là diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị thay đổi theo hướng hiện đại, khang trang. Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư đồng bộ; không gian sống đô thị ngày càng được nâng cao với những khu nhà cao tầng, khu trung tâm thương mại, khu đô thị kiểu mẫu được xây dựng, trở thành những điểm nhấn quan trọng về kiến trúc.
Nhờ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm qua, tăng trưởng kinh tế của thành phố Kon Tum luôn duy trì ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước. Chẳng hạn, năm 2021 kinh tế tăng trưởng 10,06%, năm 2022 là 11,95%, năm 2023 là 12,48%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của thành phố ước đạt 63,2 triệu đồng/người, tăng hơn 4 lần so với khi mới thành lập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, chỉ còn 0,73%, hộ cận nghèo còn khoảng 2%; 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6/10 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Kinh tế phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2023 đạt 3.546 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2022. Đến nay, thành phố có 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được thành lập, trong đó 3 cụm đã đi vào hoạt động ổn định. Thành phố cũng đã đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch 8 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại xã Hòa Bình và xã Ia Chim với diện tích 570ha (giai đoạn 2021-2030), tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thương mại, dịch vụ sôi động, nhất là các hoạt động du lịch. Với tài nguyên văn hóa đặc sắc, cùng lợi thế về hạ tầng, thời gian qua, thành phố đã tích cực quảng bá, tổ chức nhiều hoạt động kết nối các tour, tuyến du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới, khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa trải nghiệm; đưa vào khai thác tuyến Phố đêm Đăk Bla nhằm thu hút du khách. Năm 2023, thành phố Kon Tum đã đón khoảng 450.000 lượt khách du lịch đến địa bàn.
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ với khoảng 1.947 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 15 trang trại chăn nuôi và đã hình thành một số cánh đồng lớn với những cây trồng chủ lực như củ quả, cây ăn quả, mía, cà phê…
Với vị thế là đô thị trung tâm và là 1 trong 2 vùng kinh tế động lực của tỉnh, thành phố Kon Tum còn là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2023, trên địa bàn thành phố đã có 3 dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 39.897 triệu đồng và 10 dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Kinh tế phát triển tạo điều kiện để thành phố đầu tư chăm lo phát triển giáo dục, y tế, đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Hiện tại, trên địa bàn có 27/57 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, cấp tiểu học và trung học cơ sở được củng cố và nâng cao. Các trạm y tế đều có bác sỹ, 100% xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. An ninh chính trị được giữ vững, quốc phòng được đảm bảo.
Cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các giá trị văn hóa truyền thống cũng đã được chú trọng gìn giữ, bảo tồn. Giữa nhịp sống của đô thị hối hả, tấp nập, nhưng trong lòng Kon Tum vẫn gìn giữ nét văn hóa đặc sắc, nghề truyền thống của đồng bào các DTTS.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của đô thị trẻ, 15 năm là quãng thời gian không dài so với lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất này, nhưng rõ ràng thành phố Kon Tum đã có những bước tiến dài.
Hẳn rằng, những người con xa quê hay bạn bè phương xa đã từng đến và nay có dịp trở lại đều sẽ ngạc nhiên trước sự chuyển mình của thành phố hôm nay.
Trong chặng đường mới, vai trò, vị thế, trọng trách của thành phố Kon Tum được đặt ra cao hơn. Theo quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố Kon Tum được đặt ở cực hạt nhân trong 4 cực tăng trưởng, nằm ở trị trí trung tâm của vùng kinh tế phía nam tỉnh- vùng động lực chủ đạo của tỉnh.
Những thành tựu đạt được trong 15 năm qua chính là tiền đề, động lực để thành phố Kon Tum tiếp tục vững bước xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, sôi động, phát triển bền vững với bản sắc riêng và là điểm nhấn về phát triển đô thị của khu vực Bắc Tây Nguyên.
Thùy Hương