Vun đắp tình đoàn kết hữu nghị
Lần đầu tiên, một sự kiện chính trị hết sức ý nghĩa - Chương trình “Giao lưu hữu nghị Biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia” - được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức nhằm khẳng định và tôn vinh tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa ba quốc gia, ba dân tộc đã thành công tốt đẹp.
1. Từ ngã ba biên giới Bờ Y - nơi tiếng gà gáy ba nước đều nghe - cho đến trung tâm thành phố Kon Tum - nơi diễn ra sự kiện “Giao lưu hữu nghị Biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia” cờ, hoa, biểu ngữ… rực rỡ trên khắp các tuyến đường. Không khí đó đã khiến người dân của ba nước, đặc biệt là người dân của 4 tỉnh Kon Tum, Rattanakiri, Attapư, Sê Kông hân hoan đón chào sự kiện.
Không chờ đón sao được khi Chương trình Giao lưu được tổ chức trong bối cảnh quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào - Campuchia phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác quốc phòng nói chung, hợp tác giữa lực lượng bảo vệ biên giới nói riêng tiếp tục được tăng cường với những hình thức, biện pháp ngày càng đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Và không chờ đón sao được khi nơi ngã ba biên giới Bờ Y, có vườn cây hữu nghị được các đại biểu vun trồng, có cột mốc đá hoa cương ba mặt nhìn về ba hướng với những thôn ấp bình dị của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Vùng đất năm xưa là túi bom của Mỹ Ngụy, là nơi sáng lên tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa quân - dân giữa các tỉnh cũng như ba nước, giờ đây tràn nắng mai và gió sớm, đang vươn lên phát triển từng ngày.
Bởi vậy, khi Chương trình Giao lưu rộn vang những bài hát thắm tình hữu nghị, những chia sẻ, những nụ cười rạng rỡ của các chiến sĩ bảo vệ biên giới của ba nước cùng nhau đi tuần tra, kiểm tra tình hình mốc quốc giới, trao đổi tình hình, cùng nhau trồng cây xanh ở vườn cây hữu nghị... đã khiến nhiều người rưng rưng cảm động về mối tình son sắt, thủy chung, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Suốt gần một thế kỷ qua, ba đất nước, ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia đã luôn đoàn kết, gắn bó, ủng hộ nhau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết, xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, giàu đẹp. Và mối đoàn kết, gắn bó đó đang tiếp tục được các lực lượng, các thế hệ, các địa phương trong khu vực vun đắp, dựng xây lên một tầm cao mới.
2. Những hình ảnh, cử chỉ hữu nghị giữa các đại biểu ba nước trong Chương trình Giao lưu đã khiến nhiều người ấn tượng. Những cái bắt tay thật chặt, thật nồng ấm như người thân lâu ngày mới gặp giữa những người nguyên là chiến sĩ đội trinh sát vũ trang tỉnh Gia Lai – Kon Tum năm 1975 với những người dân Campuchia mà họ đã tiếp đón, cưu mang thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Những ánh mắt rưng rưng vì xúc động của các em học sinh bốn tỉnh Kon Tum, Attapư, Sê Kông và Rattanakiri khi được trao tặng học bổng “Nâng bước chân em đến trường”…
|
Đó chỉ là một số hình ảnh, hoạt động trong muôn vàn những việc mà bốn tỉnh của ba nước đã không ngừng nỗ lực để cùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực thời gian qua.
Như chuyện trao tặng học bổng “Nâng bước chân em đến trường”, cho đến nay, trên cả nước đã có 2.844 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các đơn vị Bộ đội Biên phòng đỡ đầu cho đến khi học hết bậc THPT. Điều đáng nói, trong số đó có 99 em học sinh của Lào và 87 em học sinh của Campuchia cũng đã nhận được sự quan tâm của những chiến sĩ Biên phòng Việt Nam.
Hàng tháng, các cán bộ chiến sĩ Biên phòng Việt Nam đã không quản ngại xa xôi, gian khó, đến tận nơi để trao học bổng cho các em. Như mới đây, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đã cuốc bộ trên con đường rừng ngoằn ngoèo, lầy lội để đến thôn Đăk Ba, cụm bản Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) thăm hỏi, động viên, trao học bổng cho gia đình em A Xi (14 tuổi) được khắc họa trong các bài báo, các thước phim truyền hình khiến cho nhiều người xúc động.
Hay như ở “mái nhà chung” thôn Đăk Ba, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi hiện có 144 hộ gia đình thì trong đó có 61 hộ gia đình (trên 300 khẩu) từ thôn Đăk Ba, cụm bản Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) được chính quyền địa phương nhập tịch về đây sinh sống.
Chỉ trong vòng 6 năm (từ năm 2012 đến nay), đời sống của các hộ dân nhập tịch đã có nhiều chuyển biến. Từ những người di cư tự do giữa 2 bên biên giới, đến nay, cuộc sống của bà con đã an cư và phát triển hơn. Nhìn thấy cuộc sống của bà con dân làng Đăk Ba ổn định, mọi người sống trong tình yêu thương, chan hòa, đời sống kinh tế ngày một khấm khá, ai nấy đều hiểu hơn mối tình hữu nghị thủy chung Việt – Lào…
3. Vẫn còn rất nhiều những câu chuyện lay động lòng người chưa được kể hết. Mỗi khi nhắc tới mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung và bốn tỉnh Kon Tum, Attapư, Sê Kông và Rattanakiri nói riêng, bất cứ ai trong chúng ta đều cảm nhận được sự sâu sắc và đậm chất nhân văn được vun đắp từ thế hệ này đến thế hệ khác.
|
Bởi vậy, Chương trình “Giao lưu hữu nghị Biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia” lần đầu tiên tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa được xem là sự kiện đặc biệt quan trọng, là cột mốc đánh dấu sự phát triển lên tầm cao mới trong mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung, tỉnh Kon Tum/Việt Nam với tỉnh Attapư, tỉnh Sê Kông/Lào và Rattanakiri/Campuchia nói riêng trong giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và ngày càng phát triển.
Chương trình giao lưu đã mang lại những kết quả tích cực, đó là ý thức, nhận thức của các bên về ý nghĩa đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung, tỉnh Kon Tum/Việt Nam với tỉnh Attapư, tỉnh Sê Kông/Lào và Rattanakiri/Campuchia nói riêng vô cùng quan trọng trên mọi phương diện, mọi cấp độ. Và một khi nhận thức đúng, sẽ hành động đúng, các bên cùng nhau bảo vệ biên giới, gìn giữ và phát huy những nét đẹp về lịch sử, văn hóa truyền thống của mỗi nước, mỗi tỉnh. Tất cả vì một vùng biên Kon Tum, Rattanakiri, Attapư, Sê Kông hòa bình, hữu nghị, hợp tác và đang đổi thay từng ngày theo đà hội nhập, phát triển chung của ba nước.
Nguyên Phúc