Vinh dự và trách nhiệm
Một mùa tri ân nữa đã đến - Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Mùa tri ân và tôn vinh những thầy cô giáo đang ngày đêm thầm lặng cống hiến to lớn cho sự nghiệp trồng người của địa phương và của nước nhà.
Có thể nói, những năm qua, nhất là trong những thời điểm đại dịch Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, sự nghiệp giáo dục nước nhà đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, bởi nhiều trường học phải đóng cửa để đảm bảo phòng, chống dịch; các em học sinh phải nghỉ học ở trường, chuyển sang học bằng các hình thức khác cho phù hợp.
Bất chấp dịch bệnh hoành hành, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực, vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp, phương pháp dạy học vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa đảm bảo nhiệm vụ dạy và học, chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến và một số hình thức khác phù hợp với từng điều kiện, đặc thù của từng địa phương, kịp thời truyền đạt cho các em học sinh những kiến thức trong chương trình của năm học, đảm bảo yêu cầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra, chất lượng dạy và học vẫn đảm bảo và gặt hái nhiều thành tựu quan trọng.
Có thể thấy, trong thời điểm khó khăn, thách thức ấy không hề làm nản lòng đội ngũ những thầy cô giáo luôn tâm huyết đối với sự nghiệp trồng người. Các thầy cô giáo vẫn duy trì đứng lớp, dù trực tiếp hay gián tiếp với phương châm và mục tiêu “tất cả vì các em học sinh thân yêu”.
|
Nhờ những nỗ lực hết mình của thầy cô giáo và các em học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, nên tại các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022 vừa qua, khối lớp 12 có 214 thí sinh đoạt giải/421 thí sinh dự thi (chiếm tỷ lệ 50,83%) với 11 giải nhất (5,14%), 47 giải nhì (21,96%), 72 giải ba (33,64%) và 130 giải khuyến khích (60,75%); khối lớp 9 có 277 thí sinh đoạt giải/561 thí sinh tham gia dự thi (chiếm tỷ lệ 49,38%), với 13 thí sinh đạt giải nhất (chiếm tỷ lệ 4,69%), 59 thí sinh đạt giải nhì (chiếm tỷ lệ 21,30%), 98 thí sinh đạt giải ba (chiếm tỷ lệ 35,38%), 107 thí sinh đạt giải khuyến khích (chiếm tỷ lệ 38,63%). Đặc biệt, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông (THPT), tỉnh ta có 54 thí sinh dự thi ở 9 môn (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lí và tiếng Anh), mỗi môn có 6 thí sinh dự thi; kết quả có 1 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích.
Đó cũng chính là niềm tự hào và vinh dự của đội ngũ những thầy cô giáo và các em học sinh tỉnh nhà ngày đêm miệt mài dạy và học, bất chấp những khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch, nhưng vẫn gặt hái những thành quả quan trọng, đem vinh quang về cho sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà.
Vinh dự là thế, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, đòi hỏi các thầy cô giáo với lòng nhiệt huyết, yêu nghề phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để ngày càng có những đóng góp cao hơn nữa cho sự nghiệp trồng người. Và các thầy cô vẫn đang ngày đêm trăn trở tìm mọi phương pháp dạy học, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, trau dồi cho các em học sinh những kiến thức bổ ích nhất.
Trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để đảm bảo chất lượng dạy và học trên mọi bậc học. Chú trọng công tác nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên đảm bảo phù hợp đối tượng và chuyên môn nghiệp vụ, ưu tiên tuyển dụng đối với các bộ môn còn thiếu, nhất là giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giáo viên mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tham mưu các giải pháp ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, các trường phổ thông có học sinh bán trú và các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xây dựng, củng cố và phát triển có hiệu quả mô hình bán trú dân nuôi nhằm huy động có hiệu quả học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS. Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng đa dạng nhu cầu đến trường của trẻ em; quan tâm phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Đồng thời tăng cường đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng dạy bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trong thời gian tới; đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Triển khai thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở (THCS) và cấp THPT chất lượng, hiệu quả. Xây dựng chương trình phối hợp giữa các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên các huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh để phối hợp triển khai các hoạt động dạy học, đặc biệt là hỗ trợ giáo viên tham gia giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên ở các môn học. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành và các địa phương để thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, thu hút học sinh đến trường, phát huy tính tích cực trong học tập của học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Vinh dự lớn, luôn gắn với trách nhiệm lớn. Và với những cống hiến thầm lặng, quên mình vì các em học sinh thân yêu của đội ngũ nhà giáo cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng sẽ luôn nhận được lòng tri ân sâu sắc của các bậc cha mẹ, học sinh và sự tôn vinh của toàn xã hội. Lòng tri ân và sự tôn vinh ấy sẽ thắp sáng thêm ngọn lửa niềm tin của mỗi người thầy cô giáo để họ vững lòng say mê, yêu nghề, thực hiện tốt mục tiêu của sự nghiệp trồng người.
Dương Đức Nhuận