Vì một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật
Tự hào với bề dày truyền thống vẻ vang, ngành Tòa án nhân dân (TAND) quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó.
Với tầm nhìn xa của một lãnh tụ kiệt xuất, chỉ sau 11 ngày, kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945), ngày 13/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 33c/SL về việc thành lập Tòa án quân sự trong phạm vi cả nước để xét xử tất cả người nào vi phạm một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng chính là cơ quan xét xử của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cụ bảo vệ pháp luật quan trọng của Nhà nước Việt Nam non trẻ, cũng chính là sự khởi đầu của Tòa án Cách mạng Việt Nam.
Với sự mẫn tiệp của mình, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ pháp luật, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Người coi ngành Tòa án là cơ quan trọng tâm của ngành Tư pháp, là một hệ thống trọng yếu của chính quyền cách mạng. Bởi vậy, Người thường căn dặn cán bộ, thẩm phán tòa án phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, sâu sát quần chúng nhân dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; học tập chính sách của Chính phủ để nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ công tác; trong xét xử phải công bằng, liêm khiết, tận tụy phục vụ nhân dân.
Trải qua bao thăng trầm của đất nước, trên cơ sở quy định của các Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013, hệ thống TAND ngày càng được kiện toàn và phát triển, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng thay đổi theo từng giai đoạn cho phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, hướng tới xây dựng nền tư pháp đảm bảo công lý và chứa đựng các giá trị của tư pháp hiện đại. Trách nhiệm ngành TAND to lớn và nặng nề là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
|
Vì những lẽ đó, trong những năm qua, ngành TAND không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, kiện toàn hệ thống tổ chức, cán bộ, thẩm phán ngành Tòa án. Trước yêu cầu cấp thiết của công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến việc cải cách hệ thống các cơ quan tư pháp, trong đó đã xác định vị trí của TAND là trung tâm trong hệ thống tư pháp, hoạt động của TAND là hoạt động trọng tâm của hoạt động tư pháp. Đảng và Nhà nước giao cho ngành TAND trọng trách lớn trong công cuộc cải cách tư pháp, đồng thời cũng đặt ra cho ngành TAND phải đổi mới toàn diện, nỗ lực cao hơn nữa để xứng đáng với vị trí, vai trò của ngành trong giai đoạn hiện nay.
77 năm qua, hệ thống ngành TAND cả nước đã không ngừng cùng với các ngành bảo vệ pháp luật tăng cường đấu tranh phòng và chống tội phạm; kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đến lợi ích kinh tế của đất nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích của nhân dân; đồng thời qua công tác xét xử đã góp phần quan trọng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, răn đe và phòng ngừa chung để hướng tới một xã hội văn minh, mọi công dân đều có ý thức thượng tôn pháp luật.
Phát huy và song hành cùng truyền thống vẻ vang của hệ thống TAND, những năm qua, ngành TAND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp đột phá về nâng cao chất lượng công tác xét xử được TAND tối cao xác định, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng án bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của thẩm phán, không để xảy ra tình trạng án quá hạn luật định, xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. Trong công tác giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, ngành TAND tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, đảm bảo các vụ việc đều được giải quyết trong thời hạn pháp luật.
Ngành TAND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án, phối hợp với cơ quan viện kiểm sát, công an, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời tuân thủ nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9/11/2016 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; thực hiện tốt quy chế phối hợp, chương trình phối hợp đã được ký kết giữa TAND tỉnh với các cơ quan địa phương.
Bên cạnh đó, ngành TAND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống TAND, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và làm tốt công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng cho đảng viên, công chức, người lao động gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, tăng cường công tác kiểm tra công vụ trong TAND hai cấp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức; xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu ở những nơi để xảy ra việc cán bộ, thẩm phán, thư ký, công chức nhận hối lộ, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với những nỗ lực thực hiện các giải pháp đột phá, nhiều năm qua, TAND hai cấp trong toàn tỉnh đã bảo đảm 100% các vụ án, vụ việc các loại được giải quyết trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 1.893 vụ án, vụ việc các loại và đã giải quyết 1.420 vụ, việc đạt tỷ lệ 75%. Dự kiến đến cuối năm 2022, tổng số các vụ án, vụ việc giải quyết sẽ đạt và vượt chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết của Ban cán sự Đảng TAND tối cao.
Tự hào về truyền thống vẻ vang, mỗi cán bộ, công chức, nhân viên ngành TAND tỉnh tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao cho, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, thượng tôn pháp luật.
Dương Đức Nhuận