Vẹn tròn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng trong cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng. Đặc biệt, vào tháng 7 hàng năm, hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân đối với cá nhân, gia đình những người có công với đất nước càng được đẩy mạnh.
Cách đây 76 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ để “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng. Với tình cảm, đạo lý và trách nhiệm, những năm qua, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương đã tập trung thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người có công như trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ tiền xây, sửa nhà ở; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tặng bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí cho con em người có công, tổ chức các hoạt động tri ân, thăm và tặng quà nhân các dịp lễ, tết. Qua đó, góp phần làm vơi đi những mất mát, đau thương của các gia đình chính sách, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công.
Tỉnh ta hiện có khoảng 5.000 người có công và thân nhân đang hưởng chế độ chính sách. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho gia đình chính sách đã được các cấp, ngành, nhân dân tỉnh ta đặc biệt quan tâm và duy trì thường xuyên.
|
Cùng với việc thực hiện đảm bảo các chế độ, chính sách chung của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với nước. Thông qua các phong trào thi đua “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng... đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để chăm lo tốt hơn cho những người có công và thân nhân của họ.
Tính từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi động viên, tặng 9.290 suất quà cho người có công trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; đưa 164 người có công đi điều dưỡng tập trung tại tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa; đưa 54 người có công đi viếng lăng Bác.
Từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 28 hộ người có công nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn trong cuộc sống với kinh phí trên 2,05 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục nhận phụng dưỡng 2 Mẹ Việt Nam anh hùng và 10 hộ gia đình có công nghèo trên địa bàn tỉnh.
Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đến nay, có 99,82% hộ gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. 102/102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Việc thực hiện chính sách dành cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng được triển khai đồng bộ giữa hoạt động chăm sóc, tri ân những người còn sống và tưởng nhớ những người đã khuất với nhiều hoạt động như công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm các công trình ghi công các anh hùng liệt sĩ.
Theo báo cáo của Sở Lao động , Thương binh và Xã hội, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh ta đã thực hiện quy tập và an táng 21 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN xác định 8 danh tính liệt sĩ; thực hiện đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ cho 11 trường hợp và giải quyết di chuyển 4 mộ liệt sĩ về an táng tại quê hương.
Toàn tỉnh có 49 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó, có 10 nghĩa trang liệt sĩ với 7.479 mộ liệt sĩ, 36 nhà bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ và 3 đài tưởng niệm liệt sĩ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các ban, ngành của tỉnh đã quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình ghi công liệt sĩ, đảm bảo tính trang trọng và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023) là dịp cao điểm để các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh ta thể hiện lòng biết ơn, tôn vinh và tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Trong dịp này, rất nhiều nhiều hoạt động được các cấp, ngành triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh như: Tổ chức tuyên truyền ý nghĩa Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với người có công; chăm sóc và chỉnh trang các công trình ghi thờ cúng, ghi công liệt sĩ; thăm, tặng quà và chăm sóc người có công; tổ chức Lễ dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ và tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Qua đó, thể hiện đạo lý, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với người có công, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đối với thế hệ hôm nay. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực trong xã hội cùng với Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người có công.
“Đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ cũng góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành của tỉnh, giúp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh.
Thùy Hương