Vai trò của cấp ủy trong phòng, chống tội phạm
Ngày 1/8, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị đánh giá công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Một trong những nội dung được hội nghị đặc biệt quan tâm là vai trò của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; cơ quan bảo vệ pháp luật và người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn.
Có thể thấy, trong những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tuy ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nổi lên là tình hình an ninh nông thôn, nhất là tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài; hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm qua biên giới; tình trạng một số băng, nhóm tội phạm thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi (tín dụng đen); tình trạng khai thác, vận chuyển mua bán khoáng sản trái phép…
Phải khẳng định rằng, trước tình hình trên, các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc một cách quyết liệt; kiên quyết điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc, vụ án và các đối tượng, bị can, bị cáo.
Điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua, vai trò của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; cơ quan bảo vệ pháp luật và người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật được tăng cường, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử, nên hầu như các vụ việc xảy ra đều được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; cơ quan bảo vệ pháp luật và người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đáng chú ý là đã thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, học tập nghị quyết của Đảng các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là người DTTS với phương châm “sát đến từng nhà, từng người”, để mọi người dân nhận thức được pháp luật và sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật.
|
Có thể dễ dàng nhận thấy, qua công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có những chuyển biến tích cực. Ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào toàn dân đấu tranh, tố giác tội phạm trong mỗi người dân được nâng lên.
Bên cạnh đó, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; cơ quan bảo vệ pháp luật và người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật luôn quan tâm chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Qua công tác tuyên truyền, nhân dân đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật, góp phần làm giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật.
Đồng thời, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ tài sản, kịp thời phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trên địa bàn.
Chính vì vai trò của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; cơ quan bảo vệ pháp luật và người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật được tăng cường nên hiệu quả công tác điều tra, truy tố xét xử được nâng cao; trong thời gian qua, tội phạm cơ bản được kiềm chế, các vụ án được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Trong 3 năm qua (từ 2017-2019), cơ quan Cảnh giác điều tra các cấp ở tỉnh đã tiếp nhận 2.024 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đã tiến hành kiểm tra, xác minh 1.899 tin, đạt tỷ lệ 93,8%. Đồng thời phát hiện 2.144 vụ vi phạm trên các lĩnh vực, khởi tố 1.109 vụ/1.536 bị can về hình sự, xử lý hành chính 191 vụ và đã điều tra làm rõ 1.198 vụ…; chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 871 vụ/1.564 bị can… Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ trọng án đạt trung bình 96,7%...
Đặc biệt, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; cơ quan bảo vệ pháp luật, người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm. Các đơn vị, địa phương cũng quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại cơ sở, đặc biệt là lực lượng công an, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp…
Có thể khẳng định, nơi nào vai trò của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; cơ quan bảo vệ pháp luật, người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật được tăng cường, thì nơi đó tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật sẽ được kiềm chế và không gia tăng; các vụ việc, vụ án sẽ được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh…
Dương Đức Nhuận