Vắc xin và 5K - Chiến lược để thực hiện nhiệm vụ kép
Đến nay, nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Trong cuộc chiến dài hơi này, Chính phủ đã xác định mục tiêu quan trọng là hướng tới bao phủ vắc xin cho toàn dân. Tuy nhiên, để bảo vệ thành quả chống dịch, đảm bảo “mục tiêu kép” thì trước mắt và lâu dài vắc xin và 5K được xem là giải pháp căn bản, hiệu quả nhất.
Hơn 1 năm qua, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, có tính thống nhất cao trong ý chí và hành động, tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch bệnh của đất nước đã đạt được những kết quả khá tốt.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, nhấn mạnh về thành quả chống dịch, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam đã kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch bệnh, được đánh giá cao với một mô hình phòng chống dịch hiệu quả có chi phí thấp. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đợt dịch gần đây nhất xảy ra tại Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố hiện đã được kiểm soát. Tình hình dịch bệnh trong nước đã tương đối ổn định, cuộc sống dần trở về trạng thái bình thường mới.
Cùng với các giải pháp ngăn chặn, ứng phó linh hoạt với dịch của cả hệ thống chính trị, với nỗ lực của ngành Y tế và các bộ, ngành có liên quan, cuối tháng 2/2021, 17.600 liều vắc xin đã được nhập về Việt Nam. Những mũi vắc xin đầu tiên đã được tiến hành tiêm cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch ở tuyến đầu, mở đầu cho một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong toàn quốc từ trước đến nay. Bên cạnh đó, việc thử nghiệm vắc xin trong nước cũng đang được đẩy nhanh và có kết quả tốt, đây là tín hiệu vui trong cuộc đua về vắc xin Covid-19.
|
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp căn cơ, hiệu quả góp phần chủ động trong công cuộc phòng chống, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, do số lượng vắc xin nhập về còn hạn chế nên không thể triển khai tiêm phòng rộng rãi, đại trà cho tất cả các địa phương và các đối tượng. Vì thế, trước mắt, Bộ Y tế mới chỉ cấp cho 13 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng của dịch bệnh và 21 bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19. Sau đó, theo thứ tự ưu tiên, đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau; vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.
Tính đến ngày 16/3, cả nước mới chỉ có tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đảm bảo an toàn.
Vì thế, ở điểm này, vắc xin chưa thể giúp đẩy lùi hay chặn đứng dịch bệnh ngay được và điều này, cũng đã được Bộ Y tế nhiều lần nhấn mạnh. Bởi nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc xin trong nước dự kiến phải tới quý IV năm 2021 Việt Nam mới có. Hơn nữa, có một điều chắc chắn rằng, “chìa khóa” trong cuộc chiến cam go chống lại vi rút SARS-CoV-2 không chỉ nằm ở vắc xin.
Vì vậy, cùng với việc chủ động triển khai, tổ chức tốt công tác tiêm phòng vắc xin thì điều quan trọng nhất là cần tiếp tục duy trì thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế). Đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Bởi thực tế cũng đã chứng minh, để dập tắt thành công các ổ dịch bùng phát trong cộng đồng thời gian qua, nhân tố quan trọng nhất chính là ý thức tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc an toàn phòng, chống dịch của từng người dân.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có những thời điểm, ở một số nơi, không ít người dân đã lơ là, “quên mất” bài học về bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Điển hình nhất là gần đây, tại chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có hàng nghìn người chen chúc nhau đi lễ chùa, thậm chí còn “quên” cả đeo khẩu trang. Hành động này khiến các ngành chức năng và nhiều người lo “toát mồ hôi” vì nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực ở khắp mọi nơi.
Tại tỉnh ta, cho đến thời điểm này vẫn chưa có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Các cấp, các ngành và các địa phương đã và đang làm rất tốt công tác phòng chống Covid-19. Đa số người dân đều thực hiện tốt các quy định, khuyến cáo trong phòng, chống dịch của các cấp chính quyền và ngành chức năng. Dù vậy, không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan, lơ là, buông lỏng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với dịch.
Hiện tại, việc tiêm vắc xin mới được chỉ ưu tiên cho những người có nguy cơ cao, những tỉnh có dịch bệnh nên trong lúc này Kon Tum chưa triển khai tiêm chủng. Hơn nữa, ngay cả khi được tiêm vắc xin phòng ngừa thì để vắc xin phát huy hiệu quả, tạo được miễn dịch cũng phải mất một thời gian khá lâu nữa. Vì thế, lá chắn an toàn nhất vẫn là ý thức phòng, chống dịch bệnh của mỗi người dân và của toàn xã hội.
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lại nhắc nhở “cuộc chiến” này chưa kết thúc, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, vì vậy, không được chủ quan, lơ là trong mọi tình huống. Thực hiện tốt thông điệp “vắc xin + 5K” chính là chiến lược căn bản, lâu dài để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thùy Hương