Uống nước nhớ nguồn
“Uống nước nhớ nguồn”, hướng về tổ tiên, cội nguồn để góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước chính là bổn phận, tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Không hiểu câu ca dao ấy có tự bao giờ, nhưng đã truyền tụng trong dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác; trở thành một biểu tượng cao đẹp của đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam; trở thành một chuẩn mực đạo đức của mỗi người dân trong mối liên kết giữa con cháu với sự kính trọng ông bà, tổ tiên.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là “Lễ hội Đền Hùng” chính thức là một ngày lễ của Việt Nam, một lễ hội của dân tộc Việt, là ngày để toàn thể dân tộc Việt Nam cùng hướng về và ghi nhận công lao to lớn của các Vua Hùng và các thế hệ đi trước đã có công dựng nước và giữ nước. Theo truyền thuyết của dân tộc Việt Nam thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là thủy tổ của người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng và mỗi người dân đất Việt chúng ta chính là dòng dõi “con Lạc, cháu Hồng”.
Giỗ Tổ Hùng Vương chính là dịp để mọi người dân Việt hướng về cội nguồn, tổ tiên; giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, và là dịp quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
Trong lần gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vào sáng 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Và lời căn dặn ấy đã trở thành câu nói bất hủ, khắc sâu vào tâm trí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp bảo vệ và dựng xây Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Cho đến nay, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm tới việc thờ cúng các Vua Hùng, cấp kinh phí để tôn tạo không gian thờ cúng, đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy để giáo dục thế hệ trẻ, cho phép nhân dân cả nước nghỉ lễ Ngày Giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3 âm lịch) để tham gia, tổ chức các hoạt động tế lễ hướng về cội nguồn dân tộc.
Mặc dù cách xa Đền Hùng hàng ngàn cây số, nhưng đối với người dân ở Kon Tum, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tuởng nhớ, tôn vinh công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước, đồng thời cầu cho quốc thái dân an và truyền dạy cho con cháu về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ở Kon Tum hàng năm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và người dân trên bàn tỉnh quan tâm. Các địa điểm được người dân thường tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương là Đình Lương Khế, Am Linh Tự, Thanh Minh Tự (thành phố Kon Tum) và Chùa Tháp Kỳ Quang (huyện Đăk Hà)…
|
Để Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được chu đáo long trọng, thành kính, đúng nghi thức truyền thống, bà con ở những khu vực này đã chuẩn bị trong nhiều ngày và đóng góp kinh phí để mua sắm các lễ vật kính dâng lên Quốc Tổ. Đặc biệt, đình làng Lương Khế được xây dựng từ năm 1913, năm nay là năm thứ 119 đình làng Lương Khế tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Và năm nào cũng vậy, sự kiện này đều thu hút đông đảo người dân khắp nơi về thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng vọng Vua Hùng khai quốc, lập nước Văn Lang của dân tộc Việt Nam.
|
Trong những ngày chuẩn bị và diễn ra Lễ Giỗ Quốc Tổ tại các điểm nói trên, người dân Kon Tum có dịp tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công khai phá lập làng và ghi công đức các bậc hậu hiền bảo vệ, xây dựng và phát triển làng. Đây cũng là dịp để các bậc cao niên nhắc nhở con cháu dù miền Bắc hay miền Nam, dù đồng bằng hay miền núi, không phân biệt người Kinh hay đồng bào DTTS, đều sinh ra từ bọc trứng Âu Cơ, đều là con cháu Vua Hùng.
Trước tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ở tỉnh ta vài năm trở lại đây tại các điểm được người dân tổ chức đơn giản, gọn nhẹ để phòng, chống dịch, nhưng vẫn giữ được các nghi thức với lòng thành kính. Riêng năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đình Lương Khế (thành phố Kon Tum) và Chùa Tháp Kỳ Quang (huyện Đăk Hà), nhưng chỉ được tổ chức phần lễ chứ không tổ chức phần hội để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Dù vậy, việc tổ chức không thiếu sự trang nghiêm, long trọng và thành kính đối với tổ tiên, cội nguồn.
Giỗ Tổ Hùng Vương còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những thăng trầm của lịch sử đất nước, của dân tộc, nhắc nhở cháu con phải có trách nhiệm đối với dân tộc, với Tổ quốc để mỗi người đóng góp một phần nhỏ bé sức lực của mình trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tự hào là “con Lạc, cháu Hồng”, con cháu của các vị Vua Hùng trong suốt hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, từng đánh thắng nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh và thiên tai, để rồi từ một nước Văn Lang thuở hồng hoang, trở thành một Việt Nam với một lịch sử huy hoàng, mở ra một kỷ nguyên mới của thời đại Hồ Chí Minh - thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập toàn cầu, sánh vai với các cường quốc năm châu mà sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng mong ước.
Lịch sử hơn bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam phải luôn luôn đương đầu, đấu tranh với thiên tai, địch họa. Trong sự nghiệp đấu tranh đó, mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc giành lại được đều phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của các thế hệ đi trước. Câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” và lời Bác Hồ căn dặn năm nào vẫn còn vang vọng trong mỗi chúng ta, và hướng về Giỗ Tổ cũng chính là bổn phận, là tình cảm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
Dương Đức Nhuận