Trách nhiệm nêu gương
Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 25/10/2018 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được dư luận hết sức quan tâm, ủng hộ.
Không ít người nhận xét rằng đây là Quy định ý Đảng lòng dân. Bởi, tiếp nối Quy định số 47/QĐ/TW, Quy định 101/QĐ-TW, Quy định 55/QĐ-TW của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị về nêu gương, nhưng Quy định số 08/QĐ-TW đã được nâng tầm, cụ thể hóa thêm một bước, không né tránh, nêu đích danh là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ đây, người dân có thêm cơ sở để đánh giá, nhận xét đảng viên, đặc biệt cán bộ, đảng viên giữ trọng trách cao. Cán bộ, đảng viên cũng vì thế mà nghiêm khắc với bản thân, nỗ lực nêu gương, tránh mắc các sai phạm.
Như đã nói, không đến tận bây giờ, Đảng ta mới ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương.
Ngay từ khi Đảng ta mới thành lập, mỗi cán bộ, đảng viên với lời thề trước Đảng luôn nêu cao ý thức tiền phong gương mẫu, tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng…
Vậy là, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” – câu nói giản dị nhưng như có phép màu thúc giục lớp lớp thế hệ đảng viên không nề hà gian khó, tiên phong gương mẫu bước vào trận chiến chống giặc, chống đói nghèo lạc hậu và đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào…
|
Nêu gương vì thế đã trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng. Cán bộ, đảng viên thì phải phát huy tính tiền phong gương mẫu cho quần chúng học tập, làm theo. Cán bộ lãnh đạo thì phải nêu gương cho cấp dưới. Lãnh đạo càng cao càng phải nêu gương vì chức vụ càng cao thì tầm ảnh hưởng càng lớn, vì năng lực, tâm và tầm của họ sẽ có quan hệ trực tiếp tới cuộc sống của người dân, tới sự phát triển của tỉnh, của đất nước, dân tộc trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và hiện đại hóa.
Cha ông ta từ xưa đã có nói: “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, “Nhà dột từ nóc dột xuống”, “Người trên ở chẳng chính ngôi/Khiến cho người dưới chúng tôi hỗn hào”… đều mang hàm ý, trong bất cứ môi trường, cộng đồng, tổ chức nào, nếu “người trên” (người cao tuổi, người giữ vị trí cao, trụ cột trong một tổ chức, cộng đồng…) mà thiếu mẫu mực thì sẽ khó mà hướng dẫn, dạy dỗ “người dưới”.
Thực tế cho thấy, một khi “người trên” ăn ở “chính ngôi” thì “người dưới” ắt nể phục, chẳng dám hỗn hào. Một khi “người trên” có tâm, có tầm, sẽ tạo hiệu ứng, truyền nhiệt huyết cho “người dưới” học tập, làm theo…
Ngược lại, một khi “người trên” “bất chính” thì “người dưới” dễ bề “loạn”. Một khi “người trên” nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, miệng hô hào chống tham nhũng, nhưng thực tế chỉ biết vun vén cho lợi ích riêng mình, nhóm mình, tư túi, vụ lợi, thì “người dưới” ắt cũng theo đà, sẽ gây khó dễ, khiến cho người dân phải quỵ lụy, xin xỏ “công bộc”. Một khi “người trên” có lối sống thiếu trong sáng, thiếu tu dưỡng, không thường xuyên học hỏi, sẽ dẫn đến hệ lụy là buông lỏng quản lý, để “người dưới” làm ăn gian dối, “nói hay cày dở”, làm lợi cho bản thân mà quên đi lợi ích chung của cộng đồng…
Trong câu chuyện vui của các cuộc trà dư tửu hậu, trên mạng xã hội, truyền thông thời gian gần đây vẫn nhắc đến những cụm từ: “đúng quy trình”, “con cháu các cụ cả”, “cả nhà làm quan”… với hàm ý bao dị nghị.
Thậm chí, liên tục có những vụ việc như bổ nhiệm cán bộ, cách hành xử, biểu hiện lối sống xa hoa, những vụ án tham nhũng… của không ít cán bộ, đảng viên khiến dư luận không khỏi bức xúc. Họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được nhân dân tin tưởng, giao phó để tham ô, tham nhũng, thu vén phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, làm giàu bất chính, làm đảo lộn các giá trị, quy trình trong công tác đánh giá, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ. Họ đã khiến nhân dân giảm sút đi niềm tin đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, đối với Đảng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, hạ thấp uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
“Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cùng với “gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, để đưa Quy định vào cuộc sống, soi rọi về địa phương, thì từng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, rồi từng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ 10 huyện, thành phố, từng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ của 102 xã, phường, thị trấn và từng đảng viên trên địa bàn tỉnh đều tự soi bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống sẽ có sức lan tỏa rất lớn, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị.
Liễu Hạnh