Tinh hoa của đại ngàn
Sự kiện chính trị, văn hóa vô cùng độc đáo vừa diễn ra tại thành phố Kon Tum, đó là Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I với chủ đề: “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và UBND 4 tỉnh Tây Nguyên tổ chức. Trong đêm khai mạc và những ngày diễn ra Ngày hội đã khẳng định sức sống, giá trị văn hoá Tây Nguyên.
|
Không vui, không tưng bừng sao được khi mà trong đêm khai mạc có gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc Ê Đê, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Lai, Gié-Triêng, M’nông, K’ho, Chu Ru, H’Rê, B’râu, Rơ Măm… đại diện cộng đồng các dân tộc của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên anh hùng đã về thành phố Kon Tum hội tụ, chung vui với tinh thần đoàn kết, cùng tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Từ ngàn đời nay, với đức tính hiền lành, chất phác, thương người mến khách, yêu thiên nhiên, với trí tưởng tượng bay bổng và sáng tạo, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã tạo ra một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo hiếm thấy nơi nào có được. Và khi nói đến Tây Nguyên cũng chính là nói đến vùng đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng, bất khuất và ở chính tại mảnh đất này, đang lưu giữ một “kho báu” vô tận với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú giàu bản sắc dân tộc được lưu truyền, gìn giữ hàng ngàn đời nay.
|
Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên, để cho đến thời điểm hiện nay, Tây Nguyên chính là mảnh đất còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có thẩm mỹ độc đáo mà các tổ chức văn hóa của thế giới phải ngưỡng mộ và ghi nhận như nhà rông, nhà dài, đàn đá, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những trường ca, truyện cổ đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, phải kể đến Trường ca Đam San đầy huyền thoại của đồng bào Ê Đê; các lễ hội gắn với không gian văn hóa cồng chiêng không những có giá trị lan tỏa, mà còn được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Xác định tầm quan trọng di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là vào ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định “Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng”.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” vừa được tổ chức tại thành phố Kon Tum chính là một hoạt động văn hóa hết sức có ý nghĩa để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đến năm 2030.
|
|
Trong đêm khai mạc và những ngày diễn ra Ngày hội, những người con của đại ngàn Tây Nguyên, những tinh hoa của đại ngàn đã hội tụ về bên dòng sông Đăk Bla huyền thoại. Đây là dịp để cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên được tắm mình trong “dòng sông” văn hoá cội nguồn, để cùng khoe sắc với đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là bức thông điệp trực quan sinh động, cổ vũ, động viên bà con các dân tộc của 5 tỉnh Tây Nguyên về ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của cộng đồng đồng bào Tây Nguyên nói riêng và các dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam nói chung.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên đã trở thành nơi hội tụ, lan tỏa, là dịp để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Tây Nguyên và vẻ đẹp văn hóa dân tộc đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là dịp để mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, thu hút phát triển du lịch vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.
|
Phát biểu tại đêm khai mạc Ngày hội, đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trải qua các thời kỳ lịch sử, đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Việc tổ chức luân phiên Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên là một sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi văn hóa, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng bản làng, quê hương vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I với chủ đề: “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” đã qua, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng, lan tỏa tinh hoa văn hóa của đại ngàn.
Dương Đức Nhuận