Tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ
Tinh giản biên chế không phải là chuyện mới vì vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, khi thực tiễn đang đòi hỏi một nền hành chính chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ với chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch, năng động, hiệu lực, hiệu quả thì tinh giản biên chế một lần nữa đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt để đặt nền móng xây dựng mục tiêu này.
1. Tinh giản biên chế đã được nhiều lần thực hiện với yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn. Kết quả là qua các lần tinh giản bước đầu góp phần trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Nhưng, không ít người cho rằng, cứ sau mỗi lần tinh giản, bộ máy hành chính nhà nước không những không được thu gọn mà dường như có xu hướng ngày càng “phình” to.
Đã vậy, việc tinh giản biên chế hầu như chỉ mới tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi tổ chức bộ máy mà chưa thật sự nhắm tới những người chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nên chưa giảm được những người cần giảm và cũng chưa giải quyết dứt điểm tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” biên chế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Lý giải cho tình trạng này phải kể đến tâm lý nể nang, né tránh, muốn giữ ổn định tổ chức của tập thể các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là từ những người đứng đầu.
Hơn nữa, tâm lý chung là các cơ quan đều muốn có nhiều người, nhiều biên chế để tăng thêm sự bề thế và thêm biên chế đồng nghĩa với thêm kinh phí...
Hệ lụy là bộ máy hành chính nặng nề đã dẫn đến tình trạng “người làm không hết, kẻ lần chẳng ra”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có ý kiến rằng: Trong bộ máy của chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.
Không chỉ giảm hiệu quả công việc, kìm hãm sự phát triển, chính con số 30% công chức mà Thủ tướng chỉ ra đang tạo gánh nặng lên chi ngân sách nhà nước, chính sách tiền lương theo đó cũng khó mà được cải tiến.
2. Tinh giản biên chế vì thế là xu thế khách quan để nâng cao chất lượng đội ngũ, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu quả. Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể.
Trước đó, ngày 20/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Theo đó, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021), từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị.
Chủ trương đã có, chính sách đã có nhưng dường như để triển khai thực hiện tinh giản biên chế thì mọi việc không hề dễ dàng.
Không dễ vì động chạm đến lợi ích của một số cá nhân, dễ gây xáo trộn tổ chức nếu không được xử lý khéo. Trong khi đó, chế độ hỗ trợ tinh giản biên chế còn thấp nên chưa khuyến khích được công chức, viên chức đăng ký.
Không ít cơ quan còn “kêu”, công việc thì nhiều, người làm được việc lại ít, chỉ tiêu chưa đủ lấy đâu mà giảm. Đặc biệt, mỗi khi xảy ra sự vụ ngoài ý muốn, ít biên chế luôn là lý do để “đổ” một cách rất khách quan: lực lượng mỏng hay cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu…
Không dễ cũng ngay từ việc chọn xét đối tượng. Lãnh đạo một đơn vị thừa nhận rằng, việc họp xét, chọn đối tượng tinh giản biên chế quả thật không hề dễ dàng.
Ngoài một số đối tượng chủ động làm đơn xin nghỉ thì lãnh đạo đơn vị dù đã nhận diện được đối tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng vẫn nghĩ đến cái tình là hoàn cảnh, là vai trò của người đó trong một thời điểm lịch sử nhất định… nên phải triển khai hết sức thận trọng, bàn tới bàn lui mà vẫn khó đảm bảo chỉ tiêu tinh giản biên chế cấp trên đề ra.
Không dễ nữa bởi vướng ngay từ các quy định, quy trình, thủ tục để thực hiện tinh giản. Lấy đơn cử từ quy định “hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ” thì mới xem xét tinh giản.
Trong khi đó, công tác đánh giá xếp loại cán bộ nhiều nơi còn nặng cảm tính, nể nang, xuê xoa, thì ngoài những trường hợp vi phạm kỷ luật, còn ít cán bộ, công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cho nên khó thực hiện.
Chính vì vậy, trên thực tế đã xảy ra có những đơn vị vì không có đối tượng để tinh giản theo quy định như người không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền, người có sức khỏe yếu... nên đề nghị tinh giản không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng.
3. Tinh giản biên chế là xu thế khách quan nên khó vẫn phải thực hiện một cách minh bạch, hệ thống và đồng bộ. Theo tờ trình số 158/TTr-UBND của UBND tỉnh về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước tỉnh Kon Tum thì kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP trong 2 năm (2015, 2016) mới được 39 trường hợp.
So với tổng số biên chế công chức UBND tỉnh đã giao năm 2015 cho các cơ quan, đơn vị là 2.157 chỉ tiêu thì số đối tượng tinh giản chỉ mới bằng 1,8%. Như vậy, quá trình triển khai thực hiện tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm mà Chính phủ đề ra.
Hơn nữa, số đối tượng biên chế tinh giản trong 2 năm qua chủ yếu là người có nguyện vọng xin ra khỏi tổ chức, người gần đến tuổi nghỉ hưu, chứ chưa hẳn là người yếu năng lực.
Vấn đề tinh giản biên chế là chủ trương lớn đã được Bộ Chính trị chỉ đạo và Chính phủ quyết liệt thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Để tỷ lệ tinh giản biên chế đảm bảo yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm mà Chính phủ đề ra đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kỷ cương, kỷ luật, đánh giá công tâm, công khai tiêu chí, đối tượng, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc đánh giá, lựa chọn đối tượng, bố trí đúng người, đúng việc.
Có như vậy, việc thực hiện tinh giản biên chế mới đảm bảo tiến độ đề ra, vừa giảm số lượng biên chế dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, vừa nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên Phúc