Tiếng thở phào của chủ tịch xã
Khi nhấn phím enter để kết thúc bài viết này, tôi lại nhớ đến lời bộc bạch của anh bạn chủ tịch xã: Người ta thường nói "chuyện bé như hạt cát, lo gì", ấy vậy thời gian qua, tôi lại đau đầu vì... cát. Kênh mương, đường sá, hội trường thôn... đình trệ vì thiếu cát. Nay tỉnh có chủ trương mới để tháo gỡ, cũng có thể thở phào được rồi...
Sáng thứ 6, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia, anh bạn hỏi dồn: Tôi nghe thông tin là tỉnh có chủ trương mới về quản lý, khai thác và cung ứng cát phục vụ xây dựng công trình nông thôn mới, cụ thể thế nào vậy ông? Khi nào thì áp dụng? Nói thật, chúng tôi mong lắm...!
Anh bạn tôi làm chủ tịch xã. Và cũng như nhiều nơi khác, xã mà anh làm chủ tịch đang bận rộn với hành trình xây dựng nông thôn mới. Một trong những mục tiêu mà địa phương đặt ra trong năm 2017 là đạt tiêu chí về giao thông. "Chúng tôi xác định lấy giao thông làm mũi đột phá. Không thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới khi đường thôn, đường làng còn lầy lội vào mùa mưa, bụi mù về mùa khô được"- anh từng nói.
|
Nhưng suốt mấy tháng qua, những đoạn đường làng đã lên kế hoạch bê tông hóa phải "nằm im" vì thiếu cát. Kèm theo đó, dăm tuyến kênh mương nội đồng, vài cái hội trường thôn cũng ì ạch, dang dở vì chờ xã tìm nguồn cát. Huyện thì đốc thúc về tiến độ, người dân thì thắc mắc sao làm mãi không xong. Áp lực vô cùng - anh kết luận.
Tôi quen anh sau một lần tham gia đợt kiểm tra, truy quét nạn khai thác cát trái phép của ngành chức năng trên địa bàn xã. Trong đợt truy quét này, ngành chức năng đã phát hiện hàng loạt "cát tặc" trên những con suối. Sau đó, những biện pháp mạnh được thực hiện: Tịch thu máy móc, phạt tiền đối tượng vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan...
Nói rộng hơn, không chỉ riêng xã anh, mà trên địa bàn toàn tỉnh, khi báo chí phản ánh "cát tặc" hoành hành nhiều nơi, ngành chức năng và chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc, siết chặt công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, truy quét; xử lý nghiêm đối tượng vi phạm... Hiệu quả thấy rõ là sông, suối đang dần lấy lại sự yên ả vốn có.
Với trách nhiệm của mình, tôi đã có bài viết phản ánh về hoạt động truy quét rầm rộ và quyết liệt ấy.
Nhưng khi bài viết được đăng tải, tôi nhận tin nhắn của một độc giả. "Rất hoan nghênh sự quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép hiện nay. Nhưng mong nhà báo đến xã tôi thêm một lần, tìm hiểu và phản ánh giúp về khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cát phục vụ các công trình xây dựng nông thôn mới, mong tỉnh có cơ chế tháo gỡ" - độc giả này viết.
Độc giả ấy là một chủ tịch xã, chính là bạn tôi bây giờ.
Hôm ấy, anh cho biết: Nguồn vốn cho các công trình xây dựng, nhất là giao thông, thủy lợi hạn hẹp, thường phải huy động thêm sự đóng góp của dân nên chính quyền phải "liệu cơm gắp mắm", chắt bóp hết sức. Trước đây, khi trên chưa làm quyết liệt, nguồn cát được tận dụng ở các suối, mua vào với giá 30.000 đồng/m3, bây giờ siết chặt rồi, không thể lấy cát suối được, vì như thế là vi phạm. Nhưng nếu mua cát từ các điểm mỏ có phép về thì giá cao quá, cộng thêm phí vận chuyển, kinh phí không kham nổi. Thế là chậm trễ...
Hôm ấy, đọc tin nhắn của anh, không hiểu sao trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh của con đường làng vùng ven làm dang dở mà tôi từng đi qua. Ông trưởng thôn quần ống thấp ống cao đi ra đi vào: Thiếu cát rồi, làm sao bây giờ? Mong Nhà nước sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cát.
Thì đây, mong ước của ông trưởng thôn và anh bạn chủ tịch xã đã thành hiện thực, khi UBND tỉnh đã thống nhất cho thực hiện chủ trương thí điểm quản lý quản lý, khai thác, cung ứng cát, sỏi phục vụ xây dựng công trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh từ tháng 12/2017.
Theo văn bản số 3129/UBND-NNTN ngày 20/11, UBND huyện, thành phố sẽ được cấp đăng ký/xác nhận cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định thực hiện khai thác cát, sỏi ở khu vực nhỏ, lẻ, không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác để cung ứng cho các công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Lẽ tất nhiên, để thực hiện chủ trương này, cần phải thực hiện nghiêm túc những quy định cụ thể, như: phải lập Danh mục các công trình xây dựng nông thôn mới có sử dụng cát, sỏi trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt; vị trí khai thác phải nằm ngoài khu vực đã được cấp phép hoạt động khoáng sản; không thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020; không thuộc khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, vùng cấm hoặc tạm thời cấm khai thác khoáng sản; phải sử dụng đúng mục đích, không được phép kinh doanh...
Rất nhanh chóng, chủ trương mới này của UBND tỉnh đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực của nhiều người, đặc biệt là những người trực tiếp triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, đang loay hoay với bài toán tìm nguồn cát.
Và dù cho còn có những ý kiến băn khoăn về cơ chế quản lý, lo ngại xuất hiện tình trạng núp bóng phục vụ xây dựng nông thôn mới để khai thác cát trái phép..., nhưng rõ ràng "chuyện nhỏ mà lớn" trong xây dựng nông thôn mới sẽ được giải quyết.
Bởi như Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy đã nói, trong quá trình thí điểm, không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, nhưng không thể để chuyện thiếu cát cản bước tiến trình xây dựng nông thôn mới...
Về phần mình, tôi cho rằng, khi thực hiện sự vận dụng linh hoạt ấy, chính quyền và ngành chức năng sẽ quản lý đối tượng, thời gian và khối lượng khai thác một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch; đảm bảo nguồn cát được sử dụng đúng mục đích; giám sát và xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành đúng các quy định...
Khi nhấn phím enter để kết thúc bài viết này, tôi lại nhớ đến lời bộc bạch của anh bạn chủ tịch xã: Người ta thường nói "chuyện bé như hạt cát, lo gì", ấy vậy thời gian qua, tôi lại đau đầu vì... cát. Nay tỉnh có chủ trương mới để tháo gỡ, cũng có thể thở phào được rồi...
Và tôi tin rằng, sau tiếng thở phào ấy, những con đường làng, dăm đoạn kênh mương nội đồng, vài cái hội trường thôn ở xã anh sẽ nhanh chóng được hoàn thành.
Thành Hưng