Thực phẩm bẩn và sự dễ dãi của người tiêu dùng
Chưa bao giờ vấn nạn thực phẩm bẩn lại được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay. Mới nhất, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã dành hẳn 1 ngày để nghe trình bày báo cáo và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Những con số biết nói, những vụ việc từ thực tế được đưa ra cho thấy, mất an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2011-2016, trung bình 1 năm ở nước ta có 167,8 vụ ngộ độc thực phẩm, với gần 5.100 người mắc và gần 30 người chết. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm hơn 4 triệu ca bệnh với hơn 120 người chết. Đặc biệt, bệnh ung thư tăng đến mức báo động, khi mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã được đẩy mạnh, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến vi phạm an toàn thực phẩm đã bị đình chỉ lưu hành, đình chỉ sản xuất, tuy nhiên vì lợi nhuận, các vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…
Trong phạm vi bài viết này, không bàn về đạo đức, lương tâm của người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm bẩn, chỉ xin đề cập đến ý thức, sự dễ dãi của người tiêu dùng.
Mới đây, tôi có dịp đến Hội An (Quảng Nam). Khu phố cổ Hội An không chỉ nổi tiếng bởi sự cổ kính và vẻ đẹp bình dị mà nơi đây còn được nhiều người biết đến với sự đa dạng của ẩm thực đường phố như: cao lầu, tàu hũ, mì quảng, cơm gà, chè, thịt xiên nướng, bánh đập, bánh bèo, bánh xèo, bánh khọt…
Buổi tối chậm rãi đi bộ trong phố cổ, hương vị tỏa ra từ các món ăn dọc hai bên hè phố làm mê hoặc lòng người. Vô tình dừng chân bên gánh hàng ăn đông nghịt khách ở vỉa hè. Vẫn mùi thơm đặc trưng của món thịt xiên nướng, nhưng đập vào mắt tôi là sự nhếch nhác, mất vệ sinh ở đây. Thịt nướng, rau, bánh tráng, bánh ướt…đều được chủ quán đựng ở các bì ni lông và đặt luôn dưới đất, cạnh đó là hàng trăm que xiên đã dùng vứt ngổn ngang, 1 thau nước đục ngầu để tráng đĩa. Du khách thì hoàn toàn dùng tay để bốc thức ăn…
Tôi tự hỏi, với các gánh hàng ăn kiểu này, đồ ăn được đặt ngay dưới nền đất ướt át, cạnh đó chỉ vài bước chân là dòng người đi lại tấp nập, rồi các xiên thịt nướng, bánh ướt, rau sống kia…được lấy từ đâu, có đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến không? Nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu, nhưng có lẽ đó chỉ là băn khoăn của riêng tôi, còn du khách, hầu như chẳng ai quan tâm tới vấn đề này, họ cứ thản nhiên, vô tư thưởng thức món khoái khẩu một cách ngon lành.
Đó là chuyện ở xứ người. Còn ở Kon Tum, không thể phủ nhận là trong những năm gần đây, nhiều nhà hàng, quán ăn đã quan tâm hơn tới vấn đề vệ sinh: quán sạch sẽ, khang trang, có giỏ cho khách bỏ đồ thải, khu vực chế biến tương đối sạch, dao, thớt được dùng riêng…Tuy nhiên, chỉ cần dạo một vòng các quán ăn sáng trên địa bàn thành phố, không khó để nhận ra ở nhiều quán vẫn còn tình trạng mất vệ sinh như: dùng chung dao, thớt cho thực phẩm sống, chín; 1 chiếc khăn vừa để lau tay, vừa lau tô, chén; thịt bò, giá đỗ lấy từ chợ về, được đưa ngay vào chế biến mà không hề rửa lại; rau sống người này ăn không hết lại được bổ sung để chuyển cho người khác ăn…Vậy nhưng lạ thay, chẳng khách hàng nào có ý kiến, quán vẫn tập nập khách vào ra.
Không chỉ dễ dãi khi ăn uống ở quán xá. Khi các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra cảnh báo về sự nguy hại của thực phẩm bẩn, nhiều người nội trợ đã quan tâm hơn đến việc tìm mua thực phẩm sạch cho gia đình. Tuy nhiên cũng vì dễ dãi mà chỉ cần nghe ở chỗ chị A, anh B có bán rau, quả sạch, hoặc thịt sạch, vậy là chẳng cần tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền triệu ra mua rồi khuân về cất đầy tủ lạnh. Có bữa thấy cô em họ khệ nệ mang về cả chục ký cam, tôi hỏi về nguồn gốc, em hồ hởi cho biết: bạn em nói nó có nguồn từ quê gửi vào, đảm bảo là cam sạch, thấy ai cũng mua nhiều nên em mua luôn về ăn dần…
Một vài câu chuyện mắt thấy, tai nghe trên đây cho thấy, chính sự cả tin, dễ dãi của người tiêu dùng đã tiếp tay, làm cho thực phẩm bẩn, các hàng quán mất vệ sinh có đất sống. Chưa kể, vì điều kiện kinh tế hoặc thiếu hiểu biết, nhiều người còn cho rằng, thực phẩm chỉ cần qua chế biến, nấu chín là hết độc hại, vì thế luôn tìm mua những thực phẩm thải loại, hết hạn sử dụng, với giá càng rẻ càng tốt.
Để chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn, ngoài đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, thiết nghĩ điều quan trọng là người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, khắt khe hơn trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Hoàng Thúy