Thí điểm bỏ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục: Cần phải thận trọng khi tiến hành chủ trương
Gần đây, tại một buổi tiếp xúc cử tri ở tỉnh Bình Định, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ triển khai thí điểm bỏ công chức, viên chức trong giáo viên, để nâng cao chất lượng dạy và học.
Đây chỉ mới là lời phát biểu của vị lãnh đạo đứng đầu ngành GD&ĐT, chưa có cơ sở về mặt pháp lý để áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, từ thông tin trên, nhiều chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội đã quan tâm đặc biệt, đồng thời đưa ra ý kiến phản biện trên các phương tiện thông tin đại chúng; đội ngũ các nhà giáo cũng lo lắng, băn khoăn trước tuyên bố trên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Chúng ta ai cũng đều nhận thức được phát triển giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng dạy và học là quốc sách hàng đầu để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong xu thế hội nhập. Vì thế, nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng. Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần tiến hành cải cách giáo dục, liên tục đưa vào thí điểm về chương trình, nội dung, sách giáo khoa trong nhà trường; rồi nhiều đề án, chủ trương, thông tư cải cách liên quan đến dạy học, thi cử…
Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, qua những lần cải cách ấy, chất lượng giáo dục chưa được cải thiện như mong muốn. Theo ý kiến của các chuyên gia, cải cách giáo dục để nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thì phải tiến hành đồng bộ hàng loạt các vấn đề lớn liên quan đến giáo dục mà trước hết là phải đổi nền tảng tư tưởng giáo dục - tức là phải xác định trúng, đúng triết lý giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục, thực tiễn của đất nước và xu hướng chung của thời đại. Song song với đó là tiến hành đồng bộ nhiều vấn đề liên quan cải cách chương trình, sách giáo khoa, thi cử hay nâng cao chất lượng công chức, viên chức ngành Giáo dục, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ việc dạy và học…
Bài toán cải cách giáo dục với hàng loạt vấn đề được đặt ra cần phải có "lời giải căn cơ" và cần phải xác định vấn đề cốt lõi giải quyết trước một bước tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước; trong đó cần phải tính đến cả những hiệu ứng xã hội, tính phù hợp trong từng giai đoạn nhằm nâng cao hiệu quả của công cuộc cải cách.
Việc nâng cao chất lượng giáo viên là yếu tố cần thiết trong nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, bỏ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục để tạo sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - theo xu hướng tự đào thải - giao quyền tuyển dụng hợp đồng cho hiệu trưởng trong thời điểm này là có nên không? Trong khi những ngành nghề khác trong xã hội vẫn giữ biên chế thì liệu nhà giáo có yên tâm giảng dạy, một khi hiện tại biên chế như một sự bảo đảm cho cuộc sống ổn định của giáo viên, thêm vào đó những vấn đề thuộc về chính sách, chế tài kèm theo để đảm bảo công bằng cho quá trình lựa chọn này… Đó là những vấn đề mà dư luận xã hội, đặc biệt các nhà giáo hiện nay băn khoăn trước khi ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được đem ra áp dụng.
Thực tế, bấy lâu nay các nhà giáo vẫn đang quen trong biên chế của Nhà nước, nay chuyển sang hợp đồng sẽ tạo “cú sốc” không hề nhỏ đối với họ. Bởi lẽ, mặc dù với đồng lương sư phạm ít ỏi, họ chỉ biết trông chờ đồng lương tăng theo mốc thâm niên; không ít nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa cuộc sống vô cùng khó khăn, kham khổ, nhưng họ vẫn có động lực để bám nghề, bám trường, bám lớp, cũng chỉ vì hai chữ “biên chế”.
Đây là thực tế và là tâm lý xã hội không dễ xóa bỏ trong "một sớm, một chiều" trong khi hầu hết các ngành nghề khác trong xã hội chưa xóa bỏ biên chế và thay bằng sử dụng hợp đồng lao động; mặc khác, với người thầy giáo sự ổn định, yên tâm với cuộc sống cũng phần nào tác động đến chất lượng truyền thụ kiến thức cho học trò, bên cạnh các điều kiện khác mang tính phụ trợ như giáo trình, chương trình tổng thể, cơ sở vật chất kỹ thuật… phục vụ cho hoạt động giáo dục.
Dư luận cho rằng, sàng lọc, lựa chọn người tài trong sự nghiệp giáo dục là cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học. Thế nhưng, với xu thế hiện nay nhiều học sinh có học lực thật sự giỏi cũng chưa mấy mặn mà với ngành Giáo dục. Họ luôn lựa chọn cho mình một nghề phù hợp để có thu nhập cao, có chỗ đứng vững chãi trong xã hội. Một khi ngành Giáo dục không còn “biên chế”, chỉ có chế độ hợp đồng, dễ bị đào thải bởi áp lực công việc, thậm chí của các hành vi tiêu cực vẫn thường xảy ra bấy lâu nay trong ngành Giáo dục, thì lại càng không thể hấp dẫn những học sinh có học lực giỏi vào ngành Sư phạm, mà có khi còn ngược lại. Như vậy chất lượng đầu vào bấy lâu nay đã kém, nay lại càng kém hơn. Sự tác động này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục đào tạo trong tương lai.
Hơn nữa, bấy lâu nay hơn 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý hiện đang trong chế độ công chức, việc chức, nay muốn chuyển toàn bộ sang chế độ hợp đồng, liệu rằng đã phù hợp với các quy định của pháp luật về ngạch công chức, viên chức? Hay chỉ đơn thuần là cải cách hành chính đối với ngành Giáo dục, chứ không phải là nâng cao chất lượng trong giáo dục.
Bên cạnh đó, những cơ chế ràng buộc để tiến hành hợp đồng, đánh giá chất lượng của giáo viên như thế nào cũng là vấn đề cần phải tính đến, nhằm tránh việc lạm dụng khi trao quyền lực cho hiệu trưởng - người trực tiếp quản lý, điều hành đội ngũ nhà giáo trong trường học. Bởi, một khi giáo viên bị đánh giá năng lực giảng dạy chưa đáp ứng nhu cầu thì người quản lý có quyền thanh lý hợp đồng. Như vậy kể cả làm lâu năm đi chăng nữa nhưng làm việc không hoàn thành nhiệm vụ thì chuyện đào thải là bình thường. Nhiều giáo viên cống hiến lâu năm, tâm huyết với nghề sư phạm; tuổi cũng đã cao nếu bây giờ chuyển sang hợp đồng hay không đạt chuẩn thì họ sẽ biết đi đâu, làm gì? Như vậy, một vấn đề đặt ra là, Hội đồng đánh giá chất lượng phải mang tính độc lập nhằm đảm bảo khách quan, tránh sự tác động mang tính chủ quan của hiệu trưởng cũng là những vấn đề dư luận xã hội tâm mà các phương tiện truyền thông đã và đang phản ánh.
Một khi được giao quyền tuyển dụng bằng cơ chế hợp đồng, trong đội ngũ những người làm công tác giảng dạy lại nảy sinh một nỗi lo mới, mà nỗi lo của họ là hoàn toàn có cơ sở: Đó chính là sự thao túng, lạm quyền của hiệu trưởng được giao quyền. Ngay cả trong cơ chế hiện nay, quyền lực của một số hiệu trưởng cũng đã rất lớn - khi có hậu thuẫn của bộ máy quản lý phòng, sở. Khi chuyển chế độ công chức, viên chức ngành Giáo dục sang hợp đồng thì quyền lực của hiệu trưởng càng lớn hơn, những vấn đề nảy sinh trong thao túng quyền lực sẽ khó mà lường hết được.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương - tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử giáo dục nêu ý kiến: “…Biên chế hay “người Nhà nước” được ngầm hiểu như một dạng “sổ gạo” thời phi bao cấp. Vì thế, bỏ biên chế, về hình thức có vẻ như sẽ làm cho giáo viên có động lực hơn để khỏi phải dựa vào nó để tồn tại. Nhưng, khi hành chính giáo dục vẫn y nguyên như cũ mà áp dụng điều trên thì nó sẽ càng làm cho cái cuốn sổ ấy trở nên dữ dội hơn bao bao giờ hết. Khi xảy ra sự vụ gì người ta thường viện cơ chế, hay quy trình, nhưng thực chất bình thường trong cuộc sống hàng ngày thì người ta - bao gồm cả các giáo viên - chỉ thích săn sóc người làm lãnh đạo và sợ... người lãnh đạo”.
Nâng cao chất lượng giáo dục là điều cần thiết. Song chúng tôi nghĩ, việc bỏ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục cần phải có một quy trình rõ ràng, có sự chuẩn bị chặt chẽ và phải cần được luật hóa; nếu không sẽ có tác dụng hiệu ứng ngược lại. Và, xét một cách toàn diện việc thực hiện bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng để mang tính cạnh tranh là việc phải làm trong tương lai nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đưa sự nghiệp cải cách giáo dục theo chủ trương đổi mới giáo dục toàn diện và căn bản. Nhưng chắc chắn đây không phải là vấn đề tiên quyết tác động đến chất lượng giáo dục khi bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục và cần phải làm một cách thận trọng.
Dương Đức Nhuận